Đây là một dạng thể hiện của biểu tượng thờ Linga - Yoni. Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, từ sau thế kỷ XI, đặc biệt là trong giai đoạn phong cách Tháp Mẫm, hình dáng Yoni được trang trí bằng các hình vú (uroja) và cũng là biểu tượng hay hình ảnh của tính nữ. Vì vậy, Linga - Yoni, còn được gọi là Linga-Uroja. Bộ đài thờ Uroja gồm 2 phần: phần Linga 2 tầng hình bát giác và hình trụ tròn, đặc biệt hình trụ tròn ở trên là phần quan trọng (biểu tượng cho thần Siva) được bọc vàng; phần đài Uroja được tạo dạng bệ Yoni hình tròn chạm nổi băng cánh sen, xung quanh trang trí hàng bầu vú căng tròn. Đế hình vuông. Biểu tượng thờ Linga - Yoni được thờ khá phổ biến ở Ấn Độ cũng như ở các nước tiếp thu và phát triển Ấn Độ giáo trong đó có nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong Văn hóa Champa, Linga - Yoni được phát hiện khá phổ biến mang ý nghĩa biểu tượng của sinh thực khí (Linga biểu tượng cho dương với dạng thức thể hiện là dương vật, Yoni biểu tượng cho âm với dạng thức thể hiện là âm vật) và cũng là một hình thức biểu hiện của thần Shiva thể hiện năng lực sáng tạo.