Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng, triều Nguyễn, thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20
Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn chủ yếu là đồ thờ như: hoành phi, câu đối, ngai, mõ, cây đèn… với các đề tài trang trí như: tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), loài vật (chim hạc, chim sẻ, dơi…), các hình tượng khác (đồng tiền, hình mặt trời, âm dương, chữ thọ…),… chất liệu chủ yếu là loại gỗ mít, dổi, vàng tâm bởi các loại gỗ này thường dẻo và nhẹ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về độ bền, thẩm mỹ, dễ chạm… Để tạo nên tác phẩm gỗ sơn son thếp vàng đẹp lộng lẫy, người thợ phải có tay nghề cao tính được tỉ lệ (chiều cao, chiều rộng) chính xác của những đồ thờ cũng như thực hiện các công đoạn của quy trình chế tác một cách thuần thục: từ chạm khắc, sơn, thếp vàng rất công phu. Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng không chỉ phản ánh cuộc sống sung túc, sự phong phú đời sống tinh thần của cư dân triều Nguyễn mà còn minh chứng sống động về nghề chạm khắc gỗ, sơn, thếp cổ truyền của nước ta trong suốt thời kỳ dài phát triển.