Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/9/2011.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất của Bảo tàng Loui Finô (Louis Finot) - một bảo tàng thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, xây dựng năm 1926 và khánh thành năm 1932. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản công trình văn hóa này và nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tài liệu hiện vật, chuyển đổi nội dung từ bảo tàng lịch sử nghệ thuật thành bảo tàng lịch sử xã hội. Ngày 3/9/1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan, ngày 3/9/1958.

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nguyên là Sở Thương chính Đông Dương do người Pháp xây dựng năm 1917. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được các cán bộ bảo tàng đầu tiên của Việt Nam xây dựng và mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 6-1-1959.

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành lập ngày 6-1-1959.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra đời được kế thừa toàn bộ tài sản và kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đó là những kinh nghiệm thực tiễn; những bài học, thành công trong xây dựng và quản lý bảo tàng, trong tất cả các hoạt động của bảo tàng từ đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp có trình độ cao, mở rộng và phát triển mối liên kết giữa các bảo tàng trong nước và quốc tế… Đặc biệt khối di sản mà Bảo tàng hiện lưu giữ đó là trên hai mươi vạn tài liệu, hiện vật là những di vật trải dài suốt toàn bộ dòng chảy lịch sử của dân tộc từ thời tiền sơ sử đến ngày nay. Trong đó, có nhiều bảo vật quốc gia, nhiều bộ sưu tập cổ vật quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập kim sách, ấn, kiếm vàng, sưu tập văn hóa Đông Sơn, văn hóa Champa, sưu tập gốm men Việt Nam, sưu tập cổ vật của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma… sưu tập đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, sưu tập hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Với vị thế là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng Việt Nam, để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, Bảo tàng đã có những điều chỉnh, định hướng hoạt động, đổi mới để đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra và bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ như: điều tra, khảo sát, khai quật về khảo cổ học và lịch sử; Tổ chức trưng bày chuyên đề, triển lãm trong và ngoài nước; Bảo quản hiện vật; Tổ chức tham gia các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản ấn phẩm; Chủ trì thực hiện các dự án qui mô lớn như Dự án xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Đẩy mạnh đào tạo trong nước và nước ngoài …Hệ thống trưng bày thường xuyên, trưng bày ngoài trời luôn được cập nhật bổ sung thông tin, tư liệu hiện vật mới, hoàn thiện cả nội dung khoa học và nghệ thuật trưng bày kết hợp ứng dụng nhiều phương tiện khoa học hiện đại nhằm đem lại hiệu ứng tốt nhất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

             

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay tại số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), thành viên sáng lập của Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA). Bảo tàng đã có quan hệ hợp tác với nhiều bảo tàng, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế trên tinh thần song phương, đa phương, cùng có lợi và phát triển trên các hoạt động của bảo tàng như: trưng bày, khảo cổ học, bảo quản, đào tạo, xuất bản, tổ chức hội nghị, hội thảo… với các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Singapo, Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh, Mỹ, Nga, Úc, Cazakhstan…Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đánh giá là một trong số ít các bảo tàng quốc gia Việt Nam thực hiện thành công nhiều cuộc trưng bày tại nước ngoài, từng bước giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa dân tộc, đồng thời giúp cho cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng và đầy đủ hơn về lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, công trình đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới đang được triển khai ở khu vực tây Hồ Tây, nằm trong Công viên Hữu Nghị, với tổng diện tích khoảng 10 ha, bao gồm các phần chính: khu vực tưởng niệm danh nhân, toà nhà chính, không gian ngoài trời và các công trình kỹ thuật phụ trợ. Trước đó, năm 2006, đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2010, đề cương tổng quát nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thiết kế kiến trúc công trình BTLSQG mới tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Sau khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia chuyển đến địa điểm mới, tòa nhà tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội dự kiến sẽ thành nơi trưng bày lịch sử, nghệ thuật Đông Nam Á, còn tại số 216 Trần Quang Khải sẽ thành Bảo tàng nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn thành sẽ là một công trình văn hóa hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, diện tích, tích chất và nội dung của hai phần trưng bày hiện tại (tại số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải), nhằm đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của Việt Nam.