Thứ Năm, 09/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/03/2022 15:32 1328
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
II. Những đóng góp của Paul Boudet đối với tài liệu lưu trữ triều Nguyễn từ sau 1942.

 

Công văn số 1348C ngày 26-12-1934 của Toàn quyền Đông Dương gửi Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương v/v tìm người tốt nghiệp Trường Pháp điển tại Paris cho Sở (tài liệu TTLTQG IV)

Ngày 29-3-1943, Nghị định nhằm tổ chức lại một bên là Lưu trữ của chính phủ Bảo hộ (tức Lưu trữ của Phủ Khâm sứ Trung Kỳ) và một bên là Lưu trữ hoàng triều do Paul Boudet soạn thảo đã được Toàn quyền Đông Dương Decoux ký ban hành[1]. Đây là kết quả của sự cố gắng vô cùng bền bỉ của Paul Boudet trong suốt 10 năm đối với tài liệu lưu trữ hoàng triều, kể từ lần đầu tiên ông được biết những thông tin cơ bản về khối tài liệu này qua sự giúp đỡ của Phạm Quỳnh vào tháng 8-1933.

Theo Nghị định, về mặt tổ chức, Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ được đặt dưới sự chỉ đạo của một Lưu trữ viên - Cổ tự, được Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm, trực thuộc Khâm sứ và mang chức danh “Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ” (điều 2). Ngô Đình Nhu là người được bổ nhiệm vào chức danh này.

Nhiệm vụ của Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ, ngoài những công việc cụ thể đối với tài liệu của các công sở thuộc bộ máy hành chính thuộc địa của xứ này ra còn được quy định thêm ở điều 4 như sau:

Theo thỏa thuận, Quản thủ viên của Lưu trữ Trung Kỳ làm Cố vấn kỹ thuật cho chính phủ của nhà vua trong mọi lĩnh vực có liên quan đến tài liệu lưu trữ và thư viện của chính phủ này. Cố vấn theo dõi sự bảo vệ, tổ chức và sắp xếp tài liệu của triều đình và các tỉnh”.

Nhiệm vụ của Cố vấn - Quản thủ viên do Ngô Đình Nhu đảm nhiệm được xác nhận bằng các điều 3 và 4 của Dụ số 61 ngày 11 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 18 (tức ngày 11-8-1943) do Vua Bảo Đại ký về thành lập tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều[2].

Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp về mặt hành chính của Bộ Quốc gia Giáo dục và dưới sự kiểm soát về mặt kỹ thuật của Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ, người được nhận, như một Cố vấn kỹ thuật, một khoản trợ cấp đặc biệt là 1.200 đồng Đông Dương mỗi năm trong ngân sách của chính phủ Nam triều” (điều 3).

Đối với Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều, Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ có nhiệm vụ:

1. Thống kê tất cả tài liệu của các kho khác nhau nhằm mục đích tổ chức và sắp xếp hợp lý những tài liệu này.

2. Chăm lo đến thực trạng và việc bảo dưỡng các khu nhà chứa tài liệu.

3. Tập hợp tất cả tài liệu của các fonds càng nhiều càng tốt trong một kho duy nhất nhằm đảm bảo một sự bảo quản tốt nhất. Thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục, Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ liên hệ với tất cả các cơ quan của chính phủ Nam triều để có tất cả tài liệu, những chỉ dẫn và sự giúp đỡ cần thiết cho việc tổ chức và sắp xếp tài liệu” (điều 4).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Cố vấn kỹ thuật - Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ được hỗ trợ bởi “các quan viên có bằng cựu học và các Thừa phái đã hoàn thành kỳ thực tập tại Sở Lưu trữ và Thư viện” (điều 5).

 

 

 

Thư của Ngô Đình Nhu viết tại Rouen (Pháp) ngày 1-8-1935 gửi Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (tài liệu TTLTQG IV)

Vậy Ngô Đình Nhu là ai và tại sao nhân vật này lại được bổ nhiệm vào chức danh Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ, được chấp nhận là “Cố vấn kỹ thuật” về tổ chức và sắp xếp tài liệu của triều đình Huế? Tài liệu của hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và IV đã cung cấp cho chúng ta những thông tin vô cùng quý giá về quá trình từ khi tốt nghiệp Trường Pháp điển đến khi trở thành “Cố vấn kỹ thuật” của nhân vật này.  

Một năm sau cuộc gặp gỡ với Phạm Quỳnh vào tháng 8-1933 tại Huế, Paul Boudet đã nghĩ tới việc cần phải tìm một người tốt nghiệp Trường Pháp điển tại Paris, nơi đào tạo nên những người có kiến thức tốt nhất về khoa học Lưu trữ và cũng là nơi ông đã từng theo học để có thể đảm nhiệm được việc tổ chức lại tài liệu lưu trữ hoàng triều. Và ông đã có sáng kiến kêu gọi sự giúp đỡ của Toàn quyền Đông Dương.

Từ chối yêu cầu của Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện về tìm nhân sự tốt nghiệp Trường Pháp điển cho công sở này vì lý do ngân sách năm 1934 không cho phép, nhưng trong công văn số 1348C ngày 26-12-1934, Toàn quyền Đông Dương lại cho biết: “Năm nay, một sinh viên người An-nam vừa thi đỗ một cách rất xuất sắc vào Trường Pháp điển. Như vậy có nghĩa là cần phải có một công việc dành cho anh ta, trong trường hợp anh ta yêu cầu, khi việc học của anh ta kết thúc[3].

Sinh viên người An-nam đó chính là Ngô Đình Nhu. Kể từ thời điểm này, mối liên hệ giữa Ngô Đình Nhu với Paul Boudet bắt đầu. 

Trong lá thư viết ngày 1-8-1935 gửi Paul Boudet lúc đó đang nghỉ phép ở Pháp, Ngô Đình Nhu cho biết mình được chính phủ Bảo hộ ở Trung Kỳ cấp học bổng tại Pháp và đang trong thời kỳ thực tập tại Thư viện thành phố Rouen[4] theo chương trình của Trường Pháp điển. Ngô Đình Nhu cũng cho biết ông có mối quan hệ với André Masson[5] hiện đang là Quản thủ viên của Thư viện Bordeaux[6], người đã từng cộng tác với Thư viện Trung ương tại Hà Nội. Với sự đảm bảo của André Masson, Ngô Đình Nhu hy vọng sẽ được gặp Paul Boudet trước khi ông quay trở lại Đông Dương. Thời điểm đó, Ngô Đình Nhu còn theo học cả Trường Ngôn ngữ phương Đông hiện đại tại Paris.

Một năm sau, vào ngày 8-8-1936, Ngô Đình Nhu lại gửi một lá thư nữa cho Paul Boudet. Thời gian này Ngô Đình Nhu đang học năm cuối của Trường Pháp điển nên rất bận rộn, không thường xuyên liên lạc được với Paul Boudet nhưng nhờ có Phạm Duy Khiêm[7] mà Ngô Đình Nhu vẫn luôn nhận được thông tin về ông, người mà Ngô Đình Nhu luôn hy vọng có thể được cùng làm việc tại Hà Nội. Trong thư, Ngô Đình Nhu cũng cho biết mình sẽ làm Luận văn tốt nghiệp theo gợi ý của Cha Léopold Cardière[8] về xã hội Việt Nam ở thế kỷ thứ 17[9].   

 

Cha Léon Cardière, người gợi ý đề tài tốt nghiệp trường Pháp điển cho Ngô Đình Nhu. Ảnh sưu tầm

Hai năm sau, với hai bằng Lưu trữ - Cổ tự và Cử nhân khoa học, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm Lưu trữ viên - Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội với chức danh Quản thủ viên phó hạng Ba vào ngày 18-2-1938, rồi Quản thủ viên phó hạng Hai vào ngày 7-8-1941.

Trong khoảng thời gian từ năm 1938 đến năm 1945, Ngô Đình Nhu đã có một số hoạt động và có những đóng góp đối với Lưu trữ Đông Dương và Lưu trữ Việt Nam. Ngoài việc chịu trách nhiệm chính trong các đợt chuẩn bị tài liệu tham gia các cuộc triển lãm được tổ chức tại Hà Nội và Huế (từ tháng 2.1938 đến giữa năm 1942), Ngô Đình Nhu còn cộng tác với Paul Boudet và Rémi Bourgeois[10] trong việc biên soạn và xuất bản các tập 2, 3 và 4 của bộ Đông Dương pháp chế toàn tập.

Năng lực làm việc và sự cộng tác có hiệu quả của Ngô Đình Nhu đã làm Paul Boudet càng thêm tin tưởng vào kế hoạch sắp xếp lại tài liệu các vương triều phong kiến Việt Nam mà ông đã từng theo đuổi ngay từ những ngày đầu tiên khi đặt chân đến Đông Dương. Trải qua gần 5 năm cộng tác và chứng kiến khả năng đích thực của Ngô Đình Nhu, tháng 9-1942, mặc dù “đầy nuối tiếc” nhưng Paul Boudet vẫn phải gửi Ngô Đình Nhu vào Huế để thực hiện Nghị định ngày 29-3-1943 về thành lập một tổ chức Lưu trữ và Thư viện ở Huế và tổ chức lại tài liệu của chính phủ Nam triều vì Paul Boudet cho rằng đây là “một sự nghiệp cần thiết và hiển hách[11].

Tài liệu của hai Trung tâm LTQG cho thấy, tuy chính thức trở về Huế vào tháng 9-1942 nhưng trên thực tế, ngay từ tháng 2-1942, Ngô Đình Nhu đã thống nhất với ông Trần Văn Lý, Đổng lý Ngự tiền văn phòng của triều đình một kế hoạch nhằm cứu Châu bản đang được cất giữ ở Nội các ra khỏi tình trạng bị hư hỏng nặng do không có người chăm sóc. Bản Tấu của ông Trần Văn Lý xin đưa tất cả tài liệu trong Nội các ra Viện Văn hóa cho có nhân viên chuyên trách trông nom, và xin đề nghị tổ chức một Hội đồng để chỉnh đốn đã được Vua Bảo Đại chuẩn y. Hội đồng này do Ngô Đình Nhu làm Chủ tịch, làm việc theo một phương pháp thống nhất: kiểm tra Châu bản, chia ra từng loại, sắp xếp theo thứ tự thời gian rồi đóng thành từng tập có tiêu đề rõ ràng.

Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tịch Hội đồng cứu nguy Châu bản và Cố vấn kỹ thuật, Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5 nguồn (Quốc Sử quán, Tàng Thơ lâu, Nội các, Viện Cơ mật trước đấy và Thư viện Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều.

Riêng đối với số Châu bản ở Nội các, sau gần 2 năm làm việc dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, Hội đồng đã làm ra được 3 bản thống kê bằng chữ Hán và Việt: một bản dâng ngự lãm, một bản lưu hồ sơ và một bản gửi cho Viện Văn hóa. Tiếp đó, Hội đồng đã xin Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để cung nghênh Châu bản ra Viện Văn hóa. Tất cả Châu bản sau khi thống kê đều được lưu giữ trên những kệ sách mới đóng và sắp đặt rất có thứ tự[12].

Vô cùng hài lòng về những kết quả to lớn đó, Paul Boudet đã đánh giá Ngô Đình Nhu là “một cộng sự hạng nhất” vì theo Paul Boudet, Ngô Đình Nhu đã “hội tụ được cùng một lúc văn hóa truyền thống không thể thiếu trong vai trò của một Quản thủ viên Lưu trữ hoàng triều và một khả năng hoàn hảo về nghề nghiệp nhờ có học thức uyên bác và vững chắc cho tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Bảo hộ và Lưu trữ của hoàng triều[13].

 

Ghi chép ngày 6-6-1938 về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil và Vua Bảo Đại với nội dung “hiện đại hóa cơ quan lưu trữ Hoàng triều” (tài liệu TTLTQG IV)

Việc đưa Ngô Đình Nhu về làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương từ ngày 18-2-1938 nhiều khả năng nằm trong kế hoạch của Paul Boudet với sự hậu thuẫn của chính quyền Bảo hộ tại Trung Kỳ và đặc biệt là sự nhất trí của Vua Bảo Đại nhằm chuẩn bị cho kế hoạch sắp xếp lại tài liệu các vương triều phong kiến Việt Nam. Ghi chép ngày 6-6-1938 (tức là chỉ sau 4 tháng kể từ khi Ngô Đình Nhu bắt đầu làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil và Vua Bảo Đại với nội dung “hiện đại hóa cơ quan lưu trữ hoàng triều” (modernisation du service des archives impériales) và những tài liệu liên quan đã cho thấy rõ điều đó.

Tại cuộc gặp gỡ giữa Graffeuil và Vua Bảo Đại nhằm mục đích “Vì giá trị lịch sử của tài liệu lưu trữ hoàng triều”, Graffeuil và Vua Bảo Đại cùng thống nhất để “hiện đại hóa cơ quan lưu trữ hoàng triều” cần phải có một vị trí Quản thủ viên tốt nghiệp Trường Pháp điển cho tài liệu lưu trữ của hoàng triều, và vị trí đó chỉ có thể tin cậy vào một người An-nam vừa là Lưu trữ viên-Cổ tự, vừa là một nhà Hán học.

Vì lần gặp gỡ đầu tiên này chỉ diễn ra trong mười phút tại Huế và được xác định vấn đề cần bàn “mới chỉ một dự án” nên Khâm sứ Graffeuil mong muốn được gặp lại Vua Bảo Đại vào lần gặp sau tại Huế để bàn tiếp vấn đề này. Chắc chắn cuộc gặp gỡ đã diễn ra nên Paul Boudet mới được tiếp cận các kho lưu trữ của hoàng triều vào năm 1942 để sau đó có tác phẩm nổi tiếng “Tài liệu lưu trữ của các hoàng đế An-nam và lịch sử An-nam” xuất bản tại Hà Nội. Thực tế lịch sử cho thấy, sự kiện này được diễn ra nhờ vai trò quyết định của hoàng đế Bảo Đại.

Là con nuôi của Khâm sứ Trung Kỳ Charles[14], từng du học mười năm ở Pháp, Bảo Đại là một ông vua thân Pháp và thấm nhuần tư tưởng phương Tây. Chấp chính năm 1925 sau khi Vua Khải Định băng hà và về nước vào tháng 9.1932, Bảo Đại đã ra quyết định nhằm vào những tập tục lâu đời mang tính hình thức đang cột chặt lối sống và nếp nghĩ của triều đình, trong đó có việc thay đổi quan niệm đối với tài liệu lưu trữ và cải cách hệ thống văn thư hành chính của triều đình, từ chữ viết, loại hình văn bản, thể thức trình bày, con dấu, ngự phê, thậm chí cả chất liệu giấy và mực.

Ngày 8-4-1933, Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ Nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính, trong đó có Phạm Quỳnh. Chắc hẳn đã được nhà vua cho phép, Thượng thư Bộ Học Phạm Quỳnh mới dám gặp Paul Boudet vào tháng 8-1933 tại Huế để cung cấp thông tin về tài liệu lưu trữ của triều đình, về việc bảo tồn và việc phân loại chúng.

Ngày 6-6-1938, nhà vua cho phép Khâm sứ Graffeuil tiếp kiến với nội dung “hiện đại hóa cơ quan lưu trữ hoàng triều” và “Vì giá trị lịch sử của tài liệu lưu trữ hoàng triều”.

Năm 1942, nhà vua cho phép Paul Boudet tiếp cận các kho lưu trữ của hoàng triều, bất chấp các quy định nghiêm ngặt của triều đình.

Ngày 6-5-1943, Bảo Đại ký Sắc số 27 chuẩn y bản Tấu số 57 của Ngự tiền văn phòng Triều đình Trần Đình Tung về việc xóa bỏ Cẩn Tín ty, thành lập Đồ Thư ty để “tập trung và bảo quản tài liệu lịch sử của Cung điện” và bổ dụng Phó bảng Nguyễn Xuân Đạm giữ chức Đồ Thơ ty Trưởng[15]. Sắc số 27 của Vua Bảo Đại được Khâm sứ Trung Kỳ Grandjean chuẩn y.

Ngày 11-8-1943, Bảo Đại ký Dụ số 61 về thành lập tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều như đã đề cập ở trên.

Về hoạt động của tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều từ 1-6-1943 đến 31-5-1944, báo cáo với tư cách là “Cố vấn kỹ thuật”, Ngô Đình Nhu viết:

Nhìn chung, cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ An-nam đã có những yếu tố chính của sự thành công và bền vững. Vấn đề còn lại là phải cung cấp cho nó một ngân sách hàng năm phù hợp để có thể tồn tại và phát triển bình thường[16].  

Kho tàng luôn là vấn đề khó giải quyết đối với Lưu trữ hoàng triều, nhưng theo báo cáo của Ngô Đình Nhu thì “một giải pháp vừa thanh lịch vừa thiết thực đã được tìm ra, nhờ vào sáng kiến ​​của Khâm sứ. Các Kho lưu trữ và Thư viện hoàng gia được tập trung xung quanh Bảo tàng Khải Định[17] và Bảo Đại để tái tạo khu tri thức cũ của Huế… Công việc hoàn thiện mặt bằng và lắp đặt đồ đạc chuyên dụng mới đang tiến hành sẽ cho phép cơ quan lưu trữ hoạt động bình thường vào năm tiếp theo[18].

Vấn đề nhân sự của cơ quan Lưu trữ hoàng triều cũng có nhiều thuận lợi, bởi “việc lựa chọn Tham lý cho Văn Thơ viện cũng không kém phần may mắn. Ông Nguyễn Đình Ngân[19], bằng nền tảng văn hóa và đặc biệt là những hoạt động tích cực của mình, đã không ngừng mang đến cho Cố vấn kỹ thuật [Ngô Đình Nhu] sự cộng tác quý báu và hiệu quả trong việc thiết lập cơ quan mới[20]

Mặc dù có một sự thật lịch sử mà chúng ta phải thừa nhận, đó là việc thành lập cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều chính là kết quả của quá trình cố gắng trong một thời gian dài của Paul Boudet, nhằm mục đích “hiện đại hóa cơ quan lưu trữ hoàng triều” mà bước đầu là sử dụng phương pháp châu Âu để tập trung, phân loại và bảo tồn các tài liệu lưu trữ triều Nguyễn (trong đó có Châu bản) nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là cơ quan Lưu trữ và Thư viện của triều đình được thành lập theo Dụ số 61 ngày 11-8-1943 của Vua Bảo Đại là “cơ quan Lưu trữ đầu tiên của triều Nguyễn”, lại càng không thể là “tiền đề cho việc thành lập cơ quan lưu trữ nhà nước Việt Nam sau này”. Đây chính là cơ quan lưu trữ đầu tiên và cũng là cơ quan lưu trữ cuối cùng của vương triều Nguyễn được tổ chức theo mô hình của Pháp do Vua Bảo Đại thành lập vào tháng 8.1943. Công trình nghiên cứu về lịch sử lưu trữ Việt Nam của chúng tôi[21] đã chỉ ra rằng: trước khi Pháp xâm lược, Việt Nam đã có một mạng lưới lưu trữ được tạo ra dưới triều Nguyễn. Mạng lưới này đã từng tồn tại và phát triển, cả về hình thức tài liệu, phương thức bảo tồn và phân loại chúng, bất chấp những ảnh hưởng của Pháp.

 

Chân dung Ngô Đình Nhu. Ảnh sưu tầm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu lưu trữ.

1. Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre mer - ANOM).

- Phông Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương (Fonds des Amiraux et du Gouvernement général de l’Indochine – GGI).

- Phông cá nhân của Paul Boudet (Les papiers de Paul Boudet).

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội). Phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine - DABI).  

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh). Phông Nha Giám đốc, Văn khố và Thư viên quốc gia.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tài liệu về Ngô Đình Nhu thuộc khối tài liệu thời Pháp thuộc (1858 – 1945).

II. Sách và các nguồn khác.

1. Sách.

- Boudet (Paul), Les Archives des Empereurs d’Annam et l’histoire annamite, Hanoi, IDEO, 1942.

- Nguyễn Văn Thâm - Vương Đình Quyền - Đào Thị Diến - Nghiêm Kỳ Hồng, Lịch sử Lưu trữ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.

2. Các nguồn khác.

- Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin,  Thèse de Doctorat sous la direction de Alain Forest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.

- Đào Thị Diến, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương – một trăm năm ngày thành lập, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 11, 2017.

- Chen Ching Ho (Trần Kính Hoà), Mục lục châu bản triều Nguyễn (tập thứ I, triều Gia Long), Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tháng 4.1960.

- Nguyễn Thu Hoài, Một số chính sách canh tân thời Vua Bảo Đại qua di sản Châu bản triều Nguyễn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn - Giá trị lịch sử và đương đại” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức ngày 12.10.2018.

- Bùi Quang Tung, Pour une meilleure conservation des Archives vietnamiennes. France - Asie, N° 109-110, juin-juillet, 1955.

- Bulletin administratif de l’Annam (BAA).


[1] Bulletin administratif de l’Annam (BAA), N° 6, 15 avril 1943, tr. 592.

[2] BAA, N° 16, 19 septembre 1943, p. 1855.

[3] TTLTQG IV, khối tài liệu thời Pháp thuộc (1858-1945).

[4] Rouen là một thành phố bên sông Seine ở miền bắc nước Pháp, tỉnh lỵ của tỉnh Seine-Maritime, thủ phủ của vùng Normandie. 

[5] André Masson: Lưu trữ viên – Cổ tự, Lưu trữ - Thư viện viên hạng Nhất của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương chịu trách nhiệm về Thư viện Trung ương tại Hà Nội giai đoạn 1921-1923.

[6] Bordeaux là một thành phố cảng quan trọng của Pháp, toạ lạc ở hạ nguồn sông Garonne, là đô thị lớn thứ năm của Cộng hoà Pháp và là thủ phủ của vùng Nouvelle-Aquitaine thuộc miền tây nam nước Pháp.

[7] Phạm Duy Khiêm (1908-1974) là nhà giáo, nhà văn, cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp và tại Unesco. Ông là con trai nhà văn Phạm Duy Tốn (1881-1924) và anh cả của nhạc sĩ Phạm Duy.

[8] Linh mục Léopol Cadière (1869-1955) được đào tạo tại Chủng viện của Hội Truyền giáo hải ngoại Paris (MEP) và được thụ phong linh mục năm 1892. Đến Việt Nam một tháng sau khi thụ phong linh mục, ông được đưa về Tiểu chủng viện An Ninh thuộc Quảng Bình, rồi tiếp tục làm cha xứ tại đây. Ông trở thành thành viên thông tấn của EFEO từ 1906, thành viên hưởng trợ cấp (pensionnaire) trong 2 năm kể từ tháng 10-1918 và là thành viên danh dự của EFEO năm 1948. Ông là người có nhiều đóng góp cho kho tàng nghiên cứu về Việt Nam, là người khởi xướng thành lập Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué – AAVH). Léopol Cadière qua đời tại Huế năm 1955 khi ông 84 tuổi.

[9] Luận văn về lịch sử Việt Nam của Ngô Đình Nhu lần đầu tiên được bảo vệ tại Pháp có nhan đề “Phong tục và tập quán của người Bắc Kỳ từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 18 theo các du khách và các nhà truyền giáo” (Moeurs et coutumes des Tonkinois aux XVIIè et XVIIIè siècles d’après les voyageurs et missionaires). Các nguồn trong nghiên cứu này được dẫn theo Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat sous la direction de Alain Forrest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004. 

[10] Rémi Bourgeois: Lưu trữ viên Cổ tự, Quản thủ viên hạng Hai của Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội từ 1921, Quản thủ viên của Lưu trữ và Thư viện Nam Kỳ từ 1945, mất tại Nam Kỳ tháng 10.1947.

[11] Xem thêm: Đào Thị Diến, Ngô Đình Nhu – nhà Lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938-1946, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, số 1 và 2 năm 2007.

[12] Chen Ching Ho (Trần Kính Hoà), Mục lục châu bản triều Nguyễn (tập thứ I, triều Gia Long), Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tháng 4.1960.

[13] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.   

[14] Jean Françoise Eugène Charles: Khâm sứ Trung Kỳ từ 1913 đến 1920.   

[15] BAA, mai 1943, p. 972.

[16] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.   

[17] Bảo tàng Khải Định là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế (năm 1923), sau đó nhiều lần được đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (1947), Viện Bảo tàng Huế (1958), Nhà trưng bày Cổ vật (1979), Bảo tàng Cổ vật Huế (1992), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1992). Khuôn viên của Bảo tàng rộng 6.330m2, tòa nhà chính ở giữa diện tích 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm các kho tàng trữ cổ vật và sân vườn. Tòa nhà chính vốn là Điện Long An trong cung Bảo Định được dời ra đây năm 1909 để làm Tân Thơ viện của trường Quốc Tử Giám. Năm 1923 theo đề nghị của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, tòa nhà này được dùng làm Musée Khải Định. Địa chỉ hiện nay: số 3, đường Lê Trực, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

[18] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.

[19] Nguyễn Đình Ngân: Thị lang của Thư viện Bảo Đại, nhậm chức Văn Thơ viện Tham lý, hàm Tham tri (2-2). TTLTQG I, DABI.  Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.   

[20] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.

[21] Nguyễn Văn Thâm - Vương Đình Quyền - Đào Thị Diến - Nghiêm Kỳ Hồng, Lịch sử Lưu trữ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.

TS. Đào Thị Diến

https://archives.org.vn

Chia sẻ: