Trong một số báo cáo khoa học và các bài viết về Lưu trữ Việt Nam, chúng tôi đã có dịp viết về Paul Boudet[1] trong vai trò của người sáng lập hệ thống lưu trữ theo mô hình của Pháp trên toàn Đông Dương, người liên tục giữ chức Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương[2] trong ba mươi hai năm (từ tháng 11-1917 đến tháng 12-1948); người sáng lập Khung phân loại sắp xếp tài liệu thống nhất toàn Đông Dương trên cơ sở của hệ thống phân nhánh thập phân huyền thoại; người nổi tiếng trong lĩnh vực tổ chức sử dụng tài liệu và phát huy giá trị sử dụng của tài liệu lưu trữ ở Đông Dương (biên tập, tổ chức xuất bản các ấn phẩm về Lưu trữ - Thư viện và Lịch sử; tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm về tài liệu lưu trữ ở Đông Dương và ở nước ngoài; tổ chức nhiều buổi nói chuyện về kết quả nghiên cứu tài liệu lưu trữ qua một số chuyên đề của tại một số cơ sở khoa học, văn hóa ở Hà Nội)...
Trong nghiên cứu này, thông qua tổng hợp, phân tích các nguồn tài liệu và tư liệu thời cận đại, chúng tôi muốn đề cập tới Paul Boudet ở một khía cạnh khác, đó là mối quan tâm của Paul Boudet và những đóng góp của ông đối với tài liệu lưu trữ hoàng triều ở Việt Nam – tài liệu của triều Nguyễn từ 1917 đến 1942.
Paul Boudet cùng các nhân viên người Âu, người bản xứ của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương và các thư ký của các công sở ở Đông Dương tham gia khóa thực tập tại Sở tháng 11-1942. Ảnh chụp trong buổi tiệc trà do Giám đốc chiêu đãi trước lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Sở lưu tại Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện quốc gia. Ảnh lấy từ Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat sous la direction de Alain Forest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.
I. Mối quan tâm và những cố gắng của Paul Boudet đối với tài liệu lưu trữ triều Nguyễn trước năm 1942.
Lịch sử lưu trữ thời cận đại của Pháp ở Việt Nam đã chứng minh rằng, Paul Boudet là người châu Âu đầu tiên và duy nhất quan tâm đến tài liệu lưu trữ của thuộc địa, với tư cách là một Lưu trữ viên Cổ tự, một nhà khoa học về Lưu trữ của Pháp.
Ngay từ năm 1916, lần đầu tiên đến Đông Dương để thực hiện nhiệm vụ “điều tra tổng thể hiện trạng tài liệu lưu trữ hành chính ở các nước thuộc Liên bang Đông Dương”[3], trong chuyến khảo sát thực tế ở các tỉnh Hà Nội, Phủ Lạng Thương (Bắc Kỳ); Thanh Hoá, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Faifo (Hội An), Tourane (Đà Nẵng) (Trung Kỳ); Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một (Nam Kỳ), Paul Boudet đã tận mắt nhìn thấy tài liệu của người bản xứ ở Huế và trong các tỉnh lỵ khác ở miền Trung đều ở trong tình trạng mà ông đã mô tả kỹ trong báo cáo viết năm 1917 để trình lên Toàn quyền Đông Dương như sau:
“Tài liệu lưu trữ bản xứ ở Huế, và ở khắp các tỉnh lỵ của Trung Kỳ, toàn được làm bằng những loại giấy có chất lượng kém nhất, được đựng trong những ngăn tủ rời rạc đóng bằng loại gỗ xấu nhất, kê trong những căn phòng tồi tàn, khóa lỏng lẻo không có nền hoặc trần, và trong hầu hết các trường hợp, thì đó đều là tình trạng bảo quản hoàn hảo nhất. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở đây tài liệu từ những năm Minh Mạng đầu tiên. Nguyên nhân là do Tổng đốc và các quan lại An-nam đều tôn trọng tài liệu lưu trữ và biết giá trị của nó song họ cho rằng, việc chăm sóc liên tục sẽ cho phép họ giúp tài liệu giữ được nguyên vẹn. Một vài lần, tôi đã nhìn thấy họ trải những cuốn sổ giấy màu vàng dưới ánh nắng chói chang, nơi mà độ ẩm và côn trùng khó có thể chống lại”[4].
Tài liệu bản xứ được Paul Boudet mô tả hầu hết bằng chữ Hán và chữ Nôm, cũng giống như tài liệu ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm, hầu hết đều “trong tình trạng tồi tệ do sự bất cẩn của những người có trách nhiệm trông coi chúng”, trong đó có cả những tài liệu “có niên đại vào năm thứ ba của triều Gia Long”[5].
Với bản chất của một Lưu trữ viên - Cổ tự tốt nghiệp tại Trường Pháp điển[6], từng là thành viên hưởng trợ cấp của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp[7], Paul Boudet đã nghĩ ngay tới việc áp dụng cho tài liệu lưu trữ hoàng triều một hệ thống lưu trữ theo mô hình của Pháp, tổ chức lại những tài liệu đó sao cho chúng được bảo quản trong một môi trường tốt hơn, nhằm kéo dài tuổi thọ của tài liệu; sắp xếp lại những tài liệu này theo phương pháp khoa học, đồng thời phân loại chúng ở các mức độ thời gian khác nhau nhằm đưa ra phục vụ nghiên cứu nhanh nhất.
Nhìn thấy trước được đây là một “công việc tế nhị và đòi hỏi rất nhiều thời gian”, để có kết quả, Paul Boudet cho rằng “điều cần thiết là phải tìm được một quan chức bản xứ, có năng lực cả về chữ Pháp và chữ Hán”. Vì vậy, Paul Boudet đã đề xuất ông Lê Thước[8], vào thời điểm đó (1927) là một giáo sư giáo dục bậc tiểu học Pháp-Việt, người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Đại học Đông Dương[9], đang được Sở Học chính Đông Dương điều động về Hà Nội dạy tiếng Việt tại trường Trung học Albert Sarraut[10] để thực hiện kế hoạch của mình. Theo Paul Boudet, Lê Thước là “công chức duy nhất có khả năng thực hiện việc tái tổ chức này”.
Theo kế hoạch, Paul Boudet dự định cử Lê Thước tham gia một khóa thực tập tại Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội trong thời gian 6 tháng để làm quen với phương pháp sắp xếp tài liệu theo khoa học của châu Âu, với hy vọng Lê Thước sẽ áp dụng phương pháp này vào việc sắp xếp lại tài liệu của hoàng triều khi có cơ hội. Thật đáng tiếc vì những tài liệu liên quan đến vụ việc này đã không tìm thấy nhưng có một điều chắc chắn là cho đến năm 1942, các cơ quan lưu trữ của triều đình Huế vẫn “đóng cửa đối với các nhà nghiên cứu, ngoại trừ các quan của Quốc Sử Quán và Nội các của triều đại Nguyễn” và “không dễ để hỏi ý kiến họ, đặc biệt nếu bạn là người nước ngoài”.
Vì biết đến giá trị của tài liệu lưu trữ Hoàng triều nên trong một lá thư “Kín” gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 6-10-1933, Paul Boudet bộc lộ sự quan tâm của ông: đó là tìm hiểu giá trị đích thực của tài liệu lưu trữ hoàng triều và chỉ ra nguyên nhân ngăn cản việc tiếp cận với loại hình tài liệu này:
“Tôi hân hạnh được thông báo với Ngài rằng, sau nhiều năm nỗ lực không có kết quả, cuối cùng, tôi đã có thể quan tâm đến chính phủ An-nam trong việc bảo tồn các tài liệu lưu trữ của họ và việc phân loại chúng”.
Trong thư, Paul Boudet cho biết, sau cuộc gặp gỡ với Thượng thư Bộ Học[11] của triều đình là Phạm Quỳnh[12] vào tháng 8-1933 tại Huế, ông đã có thể biết được rằng tài liệu lưu trữ của triều Nguyễn “một phần có từ thời hoàng đế Gia Long, rất có giá trị, cho đến nay vẫn được bảo quản mà không có nhiều phương pháp, trong các tòa nhà khác nhau của cung điện Huế”. Về những tài liệu này, Paul Boudet viết: “Theo hiểu biết của tôi, không có một thống kê nào chính xác và có thể tra cứu được…”
Tuy nhiên, theo Paul Boudet, một khi đã được sắp xếp và thống kê thì “tài liệu lưu trữ của Chính phủ An-nam có thể tiếp cận được với công chúng nghiên cứu”, song ông cũng chỉ ra rằng “cần phải kiểm tra xem có những biện pháp nào để những tài liệu quý giá này có thể được thông tin và thông tin đến mức độ nào và cho đến giai đoạn nào”[13]. Về điểm này, Paul Boudet đã suy xét và căn cứ theo luật Lưu trữ của các nước tiên tiến ở châu Âu vào thời điểm đó.
Thế nhưng, phải cho đến tận năm 1942, Paul Boudet mới được hoàng đế Bảo Đại cho phép tiếp cận các kho lưu trữ của hoàng triều. Ngay sau đó, Paul Boudet đã công bố một vài trích đoạn từ nguồn tài liệu vô giá này trong tác phẩm “Tài liệu lưu trữ của các hoàng đế An-nam và lịch sử An-nam”[14] của ông xuất bản tại Hà Nội. Tiếp đó, một kế hoạch tỉ mỉ và mang tính khả thi về tài liệu lưu trữ của hoàng triều đã được Paul Boudet thiết lập. Vậy tại sao Paul Boudet lại phải mất tới 25 năm để tiếp cận mục tiêu của mình? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt trong quan niệm về tài liệu lưu trữ giữa người Pháp và triều đình Huế.
Năm 1917, với sự ra đời của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương cùng các tổ chức của nó ở cả 3 kỳ, tình trạng tài liệu bị “chất đống trong các phòng làm việc, dưới mái hiên, ở tầng sát mái, dưới tầng hầm, trên nóc tủ hoặc ở tận cuối hành lang tối tăm… ” và bị “sự ẩm ướt, ánh nắng mặt trời và côn trùng huỷ hoại rất nhanh”[15] của các công sở trên toàn Đông Dương đã được chấm dứt. Cùng với sự ra đời và hoàn thiện của Khung phân loại Paul Boudet, tài liệu tập trung ở các Kho Trung ương ở Hà Nội và các kho khác đã được chỉnh lý và được đưa ra phục vụ nghiên cứu.
Ngay từ thế kỷ 19, Pháp đã có một nền khoa học lưu trữ phát triển và hiện đại. Đối với họ, việc bảo tồn và phân loại tài liệu lưu trữ là nhằm mục đích thông tin, phục vụ nghiên cứu Sử học. Giáo sư Sử học Seignobos của Trường đại học Sorbonne đã từng nói một câu nổi tiếng: “Không có tài liệu thì không có lịch sử để viết”[16]. Cũng chính vì lý do đó mà chính quyền thuộc địa đã giao việc tổ chức Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương cho Paul Boudet, nhằm bảo vệ những tài liệu liên quan đến sự can thiệp của Pháp vào Đông Dương.
Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Trong giai đoạn này, triều Nguyễn là một vương triều độc lập, tự chủ và các hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã có nhiều chủ trương, biện pháp về công tác lưu trữ nói chung song khái niệm của vương triều về công tác văn thư và công tác lưu trữ thì chưa có sự tách biệt hẳn. Đó chính là nguyên nhân hình thành một số kho lưu trữ - thư viện triều Nguyễn vừa lưu trữ văn bản quản lý của nhà nước lại vừa bảo quản cả các thư tịch như Kho lưu trữ - thư viện Nội các, Kho lưu trữ - thư viện Quốc sử quán...
Khái niệm về tài liệu lưu trữ của các hoàng đế triều Nguyễn cũng rất khác biệt so với các nước châu Âu. Dưới triều Nguyễn, mỗi loại văn bản đều phải tuân theo một quy tắc riêng. Theo Sắc của vua Thiệu Trị (1841), tất cả các bản Tấu bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đều phải được sắp xếp thành các hồ sơ. Ngoài những tài liệu này, đối với bất kỳ giấy tờ nào có bút tích của hoàng đế đều phải được thu thập, lưu giữ cẩn thận, cất ở tầng trên của Nội Các, chờ đến ngày Ninh Lăng (ngày táng hoàng đế) mới đem đi đốt[17]. Những giấy tờ của các hoàng đế liên quan đến thời điểm chưa lên ngôi đều phải kiểm kê và bảo quản cẩn thận, trân trọng trình bày trong cung điện[18].
Cho rằng tài liệu lưu trữ của triều đình là “vô cùng quý giá”, thậm chí là “linh thiêng” và “có tính chất cơ mật”, phải được giữ gìn bí mật và bảo vệ an toàn nên các hoàng đế đã cho xây cất nhà kho kiên cố để cất giữ một cách cẩn mật, tòa nhà của điện Đông Các được đặt phía sau điện Cần Chánh là nơi vua làm việc để lưu trữ tài liệu của Nội các là một thí dụ điển hình nhất. Ngay các quan chức làm việc hàng ngày ở Đông Các đều phải có thẻ “Nhập các nha bài” mới được vào. Với quy định như vậy, người nước ngoài không thể có cơ hội tiếp cận tài liệu lưu trữ của triều đình.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo ghi chép của Quản thủ viên Remi Bourgeois ngày 29-7-1946 thì tổ chức Lưu trữ của Cam-pu-chia cũng chia làm hai bộ phận: cơ quan Lưu trữ và Thư viện liên bang trực thuộc Cao ủy Pháp, được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một kỹ thuật viên người Pháp còn bộ phận kia là cơ quan Lưu trữ và Thư viện Hoàng gia với tổ chức luôn luôn duy trì, không thay đổi. Cũng như Cam-pu-chia, Lào cũng có sự khác biệt rõ nét giữa Lưu trữ của Phủ Thống sứ ở Viêng-chăn và Lưu trữ của Hoàng gia ở Luông-pha-băng[19].
Ở Việt Nam, biện pháp kỹ thuật được sử dụng trong bảo quản tài liệu lưu trữ của Nội các chủ yếu là đem phơi nắng để phòng chống ẩm mốc, kéo dài tuổi thọ của tài liệu. Chính vì không được bảo quản theo phương pháp tiên tiến của châu Âu nên tài liệu lưu trữ của hoàng triều đã bị hủy hoại khá nhiều.
Về Đông Các điện, nơi lưu giữ những tài liệu quý của triều Nguyễn, Paul Boudet đã viết trong cuốn “Tài liệu lưu trữ của các hoàng đế An-nam và lịch sử An-nam” những dòng như sau: “… khuất sau điện Cần Chánh, quang cảnh rất tĩnh mịch, chỉ có tiếng mối gặm và tiếng hơi bay…
Bên trong, tài liệu cất kín trong các tủ hoặc hòm sơn son thiếp vàng. Không thể không bùi ngùi cảm động khi vén tấm màn gió lên, thấy những câu đối, những quyển an-bum sơn son thiếp vàng, những áng thơ tuyệt tác do các bậc nho sĩ kỳ tài như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.
Bụi thời gian, ẩm ướt, côn trùng, gặm nhấm đang thi nhau cắn phá những tài liệu quý giá đó, và nếu không quan tâm, chúng sẽ sớm bị tiêu hủy hết…”.
May mắn thay, những tài liệu quý báu của vương triều Nguyễn cuối cùng đã được tập hợp và sắp xếp theo phương pháp khoa học, nhờ Hội đồng cứu nguy Châu bản được thành lập vào đầu năm 1942 do Ngô Đình Nhu[20] làm Chủ tịch.
Vua Bảo Đại thăm Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương năm 1933 (chụp tại Thư viện Trung ương). Ảnh lấy từ Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat sous la direction de Alain Forest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.
[1] Paul Boudet sinh ngày 18-7-1888 tại Mende (Lozère-Paris ), mất ngày 10-12-1948 tại Val de Grâce-Paris. Ông bắt đầu học tại Trường Pháp điển (Ecole Nationale des Chartes) vào năm 1909 và trở thành Lưu trữ viên - Cổ tự năm 1914; thành viên hưởng trợ cấp (pensionnaire) của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole Française d’Extrême-Orient (EFEO) năm 1917; được EFEO phái sang Đông Dương nghiên cứu để thành lập một tổ chức Lưu trữ và Thư viện tại xứ thuộc địa này.
[2] Xem thêm: Đào Thị Diến, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương – một trăm năm ngày thành lập, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 11, 2017.
[3] Tài liệu của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives nationales d’Outre mer - ANOM), Fonds du Gouvernement général de l’Indochine - GGI). Các nguồn trong nghiên cứu này được dẫn theo Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat sous la direction de Alain Forrest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.
[4] Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TTLTQG I), Fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine (DABI). Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.
[5] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.
[6] Thành lập năm 1821, trụ sở ban đầu đặt tại cơ quan Lưu trữ quốc gia sau đó chuyển về Palais de la Sorbonne (quận 5) rồi chuyển về số 65 rue de Richelieu (10-2014). Trường được đặt dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục Quốc gia, Giáo dục Đại học và Nghiên cứu. Sinh viên tốt nghiệp được nhận chứng chỉ chuyên gia lưu trữ-biên tập viên để có thể theo đuổi sự nghiệp với tư cách là người quản lý di sản trong lĩnh vực lưu trữ, phụ trách thư viện hoặc giảng viên hay nhà nghiên cứu khoa học xã hội.
[7] Trường Viễn đông Bác cổ Pháp nguyên ban đầu là Phái bộ Khảo cổ thường trực Pháp tại Đông Dương được thành lập theo Nghị định ngày 15-12-1898 của Toàn quyền Đông Dương và chịu sự kiểm soát về phương diện khoa học của Viện Bia ký và Văn chương Pháp, sau được chính thức đổi tên thành Trường Viễn đông Bác cổ Pháp được tổ chức theo Sắc lệnh ngày 26-2-1901 của Tổng thống Pháp và trở thành một công sở có tư cách pháp nhân dân sự theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 3-4-1920.
[8] Lê Thước (1891 - 1975): hiệu Tĩnh Lạc, là nhà giáo dục, nhà biên khảo Việt Nam ở đầu thế kỷ 20; tốt nghiệp Đại học Đông Dương năm 30 tuổi (1921) với bài luận văn được điểm cao nhất có nhan đề “Việc dạy chữ Hán ở Việt Nam” (Enseignement des caracteres chinois au Vietnam), sau đó, dạy Pháp văn, Việt văn và Việt sử ở trường Quốc học Vinh; năm 1923 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng tiểu học Vinh kiêm Thanh tra các trường sơ học, tiểu học trong tỉnh Nghệ An; tháng 9-1927 được Nha học chính Đông Dương điều động lên Hà Nội dạy tiếng Việt tại trường Trung học Albert Sarraut; tháng 9-1935 đổi đến dạy tại trường Trung học Bảo hộ (nay là Trường PTTH Chu Văn An, quận Tây Hồ - Hà Nội).
[9] Xem thêm: Đào Thị Diến, Đại học Đông Dương và những tác động của nó đối với xã hội Việt Nam thời kỳ 1906-1954, Tham luận tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm thành lập Đại học Đông Dương do Trường Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, Hà Nội, tháng 5-2016.
[10] Nay là Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
[11] Năm 1935 Bộ Học đổi tên thành Bộ Quốc gia Giáo dục.
[12] Phạm Quỳnh sinh ngày 17-12-1892 tại Hà Nội, mất ngày 6-9-1945 tại Huế, hiệu là Thượng Chi (尚之), bút danh là Hoa Đường (華堂), Hồng Nhân. Phạm Quỳnh là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn; người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu. Phạm Quỳnh theo học Trường Thông ngôn Hà Nội từ 1903 đến 1908; từ 1908 đến 1917 làm Thư ký - Phiên dịch tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội; năm 1917, thành lập Nam Phong Tạp chí do ông làm Giám đốc; năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức; năm 1924 ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France – Indochine; từ 1925 - 1928, ông là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926 ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương; năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội; năm 1932, ông giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ; từ tháng 11-1932, ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng của triều đình Huế; ông là Thượng thư Bộ Học (1933-1942) và là Thượng thư Bộ Lại (1942-1945) dưới triều Vua Bảo Đại.
[13] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.
[14] Les Archives des Empereurs d’Annam et l’Histoire Annamite, Hanoi, IDEO, 1942.
[15] TTLTQG I, DABI. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.
[16] “Sans documents, il n’y a pas d’histoire à écrire”. Dẫn theo Bùi Quang Tung, France-Asie, n°109-110, juin-juillet 1995, p. 746.
[17] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTLCB), Bản dịch tiếng Việt của NXB KHXH, H, tập XXIII, tr. 43.
[18] ĐNTLCB, tlđd, tr. 45.
[19] Tài liệu của Lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), papiers de Paul BOUDET. Dẫn theo Đào Thị Diến, tlđd.
[20] Ngô Đình Nhu sinh ngày 7.10.1910 tại xã Phước Quả, tổng Cự Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên (nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế), trong một gia đình quan lại lâu đời theo đạo Thiên chúa tại xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha ông là Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái. Sau những năm tháng học tập dưới sự dạy dỗ của cha và của giáo hội ở Huế, Ngô Đình Nhu được chính quyền Bảo hộ tại Trung Kỳ cấp học bổng sang Paris theo học tại các Trường Ngôn ngữ phương Đông hiện đại (Ecole des Langues orientales vivantes) và Trường Pháp điển (Ecole des Chartes) vào năm 1935 và tốt nghiệp năm 1938. Năm 1942 ông được đặc cách nhận Huân chương Rồng An-nam của vương triều Huế và được vua Bảo Đại ban cho Kim Khánh hạng Ba.
TS. Đào Thị Diến