Chủ Nhật, 12/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/06/2024 15:05 1059
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiều ngày 27/6/2024, tại UBND thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND thị xã Hương Trà tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Đến dự Hội nghị có đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Trước đó, đoàn đã đến hiện trường để tham quan thực địa. Phần đầu Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Chất, Trưởng đoàn khai quật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia báo cáo kết quả.

 
Các đại biểu tham quan thực địa tại công trường khai quật
 
Toàn cảnh Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc
Theo đó, kết quả thăm dò, khai quật đã làm rõ được quy mô, kết cấu của kiến trúc tháp Bắc và một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp Liễu Cốc, qua đó đã xác định Tháp đôi Liễu Cốc là một tổ hợp kiến trúc với 02 đền tháp thờ chính, xung quanh có hệ thống tường bao, tháp Cổng, tháp Hỏa, đường đi và nền sân. Từ những đặc trưng kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật điêu khắc…, bước đầu các nhà khảo cổ đã xác định Tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm, được xây dựng vào cuối thế IX và đã được người Việt kế thừa thờ cúng cho đến ngày nay.
 
Mặt bằng tổng thể và vị trí các hố thăm dò, khai quật
 
Đền tháp Bắc nhìn từ phía Bắc
Qua đợt khai quật, đã phát hiện 50 mảnh đá điểm góc, trang trí hình đầu bò (trong đó có 3 hiện vật nguyên dáng, 10 mảng đầu bò, 2 mảnh miệng/mũi bò, 22 mảnh bờm và 13 mảnh chốt); 05 tiêu bản hiện vật đá, gồm 01 đầu tượng Phật và 04 mảnh bia ký. Đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật, niên đại thế kỷ X - XI; có 3 mảnh mặt bia, khắc chìm chữ Phạn cổ, 01 mảnh cạnh bên; đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu, như: gốm thô (03 mảnh, thế kỷ IX - X), đồ đất nung (80 mảnh), đồ sành (437 mảnh, trong đó có 03 chiếc bình vôi của lò gốm Phước Tích, thế kỷ XVI - XVIII còn tương đối nguyên vẹn); đồ gốm men Việt Nam (153 mảnh, niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ X - XIX) cùng nhiều vật liệu trang trí có giá trị.
 
Đầu tượng Phật. TK X – XI
 
 
Đá trang trí điểm góc hình đầu bò, TK IX
 
 
Bình vôi, TK XVI_XVIII
Sau khi nghe đại diện đoàn khai quật báo cáo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá.
Từ thực tiễn nghiên cứu và khai quật, ông Nguyễn Ngọc Chất, đề nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ và đầy đủ hơn quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu gia cố, gia cường hệ thống tường tháp, tránh xuống cấp, đổ vỡ; làm sạch bề mặt gạch, chống rêu mốc và cây cối mọc phủ lên kiến trúc; tổ chức nghiên cứu quy hoạch tổng thể di tích, làm nhà bảo vệ 02 tháp chính và tuyến tham quan phục vụ du khách.
 
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tuy phạm vi khai quật khảo cổ vừa qua còn rất hạn chế nhưng đã có nhiều phát hiện mới, khẳng định thêm những giá trị to lớn của di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Sau đợt này, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kiến nghị với UBND tỉnh sớm có chủ trương để tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ giai đoạn 2. Nếu làm được điều này mới có cơ sở, phương án bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài./.

NGỌC CHẤT - NGỌC TÂN

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2999

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Đảng bộ BTLSQG tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Nói chuyện tình hình thời sự trong nước và quốc tế

Đảng bộ BTLSQG tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Nói chuyện tình hình thời sự trong nước và quốc tế

  • 25/06/2024 07:46
  • 711

Sáng 24/6/2024, Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình hình thời sự trong nước và quốc tế