Sáng 18/11/2020 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, trưng bày do BTLSQG và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp thực hiện.
Toàn cảnh Lễ khai mạc Trưng bày
Tới dự Lễ khai mạc có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTT&DL; Về phía tỉnh Hà Tĩnh có ông Nguyễn Thành Đồng - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh; ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân; ông Đậu Khoa Toàn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh; Về phía các nhà khoa học có: GS.TS Khoa học Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tham dự còn có Giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các bảo tàng, di tích Trung ương và địa phương cùng các cơ quan thông tấn của Trung ương và Hà Nội....
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Đây là hoạt động nhằm tổng kết chặng đường nghiên cứu về di tích Bãi Cọi, cũng như ghi nhận kết quả của chương trình hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua; chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Trưng bày giới thiệu gần 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh… Trưng bày gồm 3 phần, phần 1: Bãi Cọi - Hành trình khám phá; phần 2: Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hoá; phần 3: Hợp tác quốc tế giữa giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Giới thiệu một cách cô đọng, khái quát nhất về lịch sử phát hiện, nghiên cứu và kết quả khai quật di tích Bãi Cọi, đặc biệt tập trung giới thiệu kết quả của 3 lần khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì.
Thạp đồng Đông Sơn điển hình, được đập vỡ một cách có chủ ý ở một phía, điều đặc biệt là bên trong thạp đồng này lại có chứa một bình gốm Sa Huỳnh đặt trong một bát đồng thời Hán. Hiện vật là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy di tích Bãi Cọi là nơi gặp gỡ của các nền văn hoá trong thời Sơ sử ở Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Hà Tĩnh tham quan trưng bày
Đại biểu tham quan trưng bày
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được phát hiện từ năm 1974, đến nay, Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt nghiên cứu và khai quật, trong đó đáng chú ý nhất là các đợt khai quật do BTLSQG thực hiện từ năm 2009 đến 2012. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Điều đó chứng tỏ, với vị trí của mình, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam, từ hơn hai nghìn năm trước.
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với hai loại hình mộ chính là mộ chum và mộ huyệt đất được chôn xen kẽ. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và cả những hiện vật thuộc văn hoá đồ sắt Trung Quốc. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Di tích Khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG nhấn mạnh: “Trưng bày là dịp để công chúng có thêm nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của di sản Bãi Cọi trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, cũng như ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các nhà khảo cổ học trong việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”
Trưng bày diễn ra tại BTLSQG đến hết tháng 9 năm 2021./.
Ban Biên tập