Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/11/2017 23:21 3076
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đã gần 30 năm, kể từ khi con tàu đầu tiên - tàu cổ Hòn Cau (nằm trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, tính đến nay hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam.

Đã gần 30 năm, kể từ khi con tàu đầu tiên - tàu cổ Hòn Cau (nằm trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, tính đến nay hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam.

Rất nhiều kho báu đã được phát lộ từ những cuộc khai quật khảo biệt từ những con tàu đắm. Song không chỉ dừng lại đó, vô vàn những bí mật khác đang nằm sâu dưới đáy đại dương đang chờ được khám phá. 

Con đường gốm sứ trên biển

Sau sự kiện khai quật di tích tàu cổ Hòn Cau thế kỷ 17 ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, khai quật được 15 di tích tàu cổ và thu thập được hàng trăm ngàn hiện vật quý, trong đó phần nhiều là đồ sứ. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết nhiều nhà nghiên cứu dùng tên gọi con đường gốm sứ bởi sản phẩm thương mại hấp dẫn nhất, được lưu thông nhiều nhất qua con đường tơ lụa trên biển này là đồ gốm sứ. Theo sử sách ghi lại, từ giữa thế kỷ 14, Việt Nam bắt đầu sản xuất đồ gốm men trắng hoa lam và có bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật. Vào thời kỳ này, nhà Minh của Trung Quốc thực hiện chính sách "Bế môn tỏa cảng" từ năm 1371 đến năm 1657, hạn chế giao thương với nước ngoài.

Đây là cơ hội lớn cho đồ gốm thương mại Việt Nam. Từ nửa sau thế kỷ 15 đến thế kỷ 16 là thời kỳ thịnh vượng của đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam khi sản phẩm này được đưa tới nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông và các nước châu Âu. Khu vực sản xuất đồ gốm xuất khẩu được ghi nhận chủ yếu của Việt Nam là lò Nam Sách, đặc biệt ở Chu Đậu, Mỹ Xá... Đồ gốm sứ hoa lam của Việt Nam thời kỳ này đã đạt đến trình độ chế tác tinh xảo, được các thương nhân ưa chuộng. 

Từ khoảng thế kỷ 9-15, các quốc gia tại phần lục địa của khu vực Đông Nam Á bắt đầu sản xuất đồ gốm men. Đặc biệt, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia không phụ thuộc hoàn toàn vào đồ gốm sứ Trung Quốc, mà tự sản xuất đồ gốm sứ và xuất khẩu sang các quốc gia lân cận khác. Các quốc gia hải đảo của khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines đã nhập khẩu và sử dụng đồ gốm sứ của 2 quốc gia này. Đồ gốm sứ Đông Nam Á ngày nay được khai quật và phát hiện được tại nhiều khu vực khác nhau từ Cairo Ai Cập, Persia của Tây Á đến các quốc gia lân cận như Philippines, Malaysia, Indonesia và đến tận Okinawa, Kyushu của Nhật Bản.

Gần 500 hiện vật được lựa chọn trưng bày trong lần triển lãm có quy mô lớn do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sắp tới, vốn là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại khu vực biển Đông Việt Nam, sẽ giới thiệu khái quát nhất về thành tựu khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, về những đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam và các nước châu Á và về “Con đường gốm sứ” trên biển. Lần đầu tiên du khách có cơ hội chiêm ngưỡng một khối lượng vô cùng đồ sộ những hiện vật gốm sứ trong các tàu cổ Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Cà Mau. 

Việc khai quật các tàu cổ giúp phát hiện nhiều hiện vật có giá trị quý giá. 

Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Nhân vật chính trong câu chuyện về kho báu dưới đáy đại dương được khắc họa tại trưng bày chính là gần 500 hiện vật gốm sứ được khai quật từ các con tàu cổ. Tư liệu phong phú, với nhiều hiện vật đặc sắc nhất là tàu cổ Cù Lao Chàm, niềm tự hào khảo cổ học dưới biển của Việt Nam…”.

Nhiều bí ẩn 

Theo giới khảo cổ học, những thành quả đáng chú ý trong khai quật các di tích dưới nước ở Việt Nam là tàu cổ Châu Tân thế kỷ 8-9, 5 tàu cổ ở quần đảo Phú Quốc thế kỷ 12-15, tàu cổ Bình Châu thế kỷ 13, tàu cổ Quảng Ngãi và Hà Ra thế kỷ 13-14, tàu cổ Cù Lao Chàm thế kỷ 15, tàu cổ Hòn Dầm thế kỷ 15, tàu cổ Bình Thuận thế kỷ 16-17, tàu cổ Hòn Cau và tàu cổ Cà Mau I thế kỷ 17... Ngoài ra còn khai quật được nhiều mẫu vật trên tàu Cà Mau II chở đồ gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ 14, tàu cổ Vũng Tàu chở đồ gốm sứ De Pole từ Paris - Pháp thế kỷ 19-20... 

Những con tàu cổ này phần lớn là các thương thuyền trên hành trình giữa châu Á và châu Âu trong giai đoạn từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20. Trên những con tàu cổ này, các nhà khoa học khai quật, phát hiện được đồ gốm sứ và hàng hóa có xuất sứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan; phát hiện được các đồ dùng sinh hoạt trên thuyền, tiền tệ Ả Rập, đồ gốm sứ Pháp, đồ thủy tinh...

Thông qua những mẫu vật khai quật được, chúng ta có thể thấy Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở châu Á trong thời kỳ hoàng kim của con đường tơ lụa. Có những vùng biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Châu (Quảng Ngãi) như những "nghĩa địa" tàu đắm; chỉ tại một địa điểm nhỏ đã có dấu tích của hàng chục tàu cổ nằm dưới lòng đại dương. 

“Chủ đề điểm nhấn Bí mật từ đại dương - Gốm sứ trong những con tàu cổ sẽ mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ, với vô số hiện vật đắt giá, ẩn chứa những giá trị khó có thể đong đếm. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam, đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời...” - ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân - chủ yếu do tính phức tạp của công việc khảo cổ học dưới nước, và những yêu cầu rất lớn về nguồn kinh phí của các cuộc khai quật, đến nay mới có 5 con tàu cổ được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia nghiên cứu, khai quật một cách chính thức. Số lượng tàu được khai quật chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng đã đem lại cho bảo tàng những tài liệu, hiện vật vô giá, những nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Vì thế, các nhà khoa học tin rằng, còn nhiều bí ẩn đang được lưu giữ dưới biển Việt Nam đang chờ được khám phá. Điều này hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước. 

MAI AN

saigondautu.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4142

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh” tại BTLSQG

Trưng bày Ánh sáng từ “Đường Kách mệnh” tại BTLSQG

  • 06/10/2017 00:00
  • 3724

“Đường Kách mệnh" - tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Thông qua “Đường Kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác-Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất.