Việt Nam và Nhật Bản là hai nước châu Á có nhiều nét tương đồng về địa lý tự nhiên và văn hóa, xã hội. Quan hệ giao lưu văn hóa và thương mại giữa hai nước đã có từ lâu đời với nhiều cơ duyên mang tính lịch sử, làm nền tảng cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa hai nước hiện nay.
Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa. Thành quả đầu tiên của sự hợp này là cuộc trưng bày chuyên đề Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại đã được tổ chức thành công tại Nhật Bản, năm 2013.
Tiếp tục chương trình hợp tác, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổng cục Văn hóa Nhật Bản và Bảo tàng quốc gia Kyushu tổ chức trưng bày chuyên đề Văn hóa Nhật Bản. Trưng bày không những giới thiệu khái quát những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản, mà còn giúp khách tham quan tìm hiểu về lịch sử giao thương giữa hai nước.
Phòng trưng bày gồm 9 chủ đề:
1. Đồ gốm cổ đại Nhật Bản
Ở Nhật Bản, việc sản xuất và sử dụng đồ gốm đất nung được bắt đầu từ khoảng 12.000 năm cách ngày nay, mang đến sự biến đổi lớn trong phương pháp chế biến thực phẩm. Thời kỳ văn hóa Jomon (khoảng 12.000 – 2.400 năm cách ngày nay), đặc trưng đồ gốm là trang trí hoa văn xoắn thừng nên được gọi là gốm văn thừng và được lấy để đặt tên cho giai đoạn văn hóa này. Thời Yayoi (khoảng thế kỷ 4 TCN đến giữa thế kỷ 3 SCN), đồ gốm chịu ảnh hưởng từ lục địa, được chế tác với kỹ thuật cao hơn thông qua việc sử dụng bàn xoay nhưng hình thức lại đơn giản hơn đồ gốm Jomon. Thời kỳ Kofun (thế kỷ 3 – thế kỷ 7) đồ gốm được gọi là Haniwa (vòng tròn đất sét), được sử dụng trong các nghi lễ liên quan và đặt xung quanh để đánh dấu khu vực lăng mộ Kofun.
Hiện vật:
- Bình gốm văn thừng và tượng Dogu thời kỳ Jomon
- Bình gốm thời kỳ Yayoi, thế kỷ 1 – 5
- Tượng ngựa Haniwa thời kỳ Kofun, thế kỷ 6
Một số hình ảnh hiện vật gốm cổ đại:
2. Đồ đồng cổ đại Nhật Bản
Từ thời văn hóa Yayoi (khoảng thế kỷ 4 TCN đến giữa thế kỷ 3 SCN), đánh dấu sự ra đời của ngành nông nghiệp trồng lúa nước và sử dụng công cụ kim loại trên cơ sở phát triển kỹ thuật sản xuất bản địa và tiếp thu những thành tựu kỹ thuật mới từ bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc lục địa.
Kỹ thuật luyện kim đúc đồng và rèn sắt du nhập gần như cùng một lúc, nhưng khi Nhật Bản bắt đầu sản xuất tại chỗ, sắt đã được sử dụng cho những đồ dùng có tính thực dụng còn đồng được sử dụng để chế tác những đồ vật quý và đồ dùng trong các nghi lễ. Bước sang thời Kofun (thế kỷ 3 – thế kỷ 7), việc sử dụng vũ khí và chuông đồng trong các nghi lễ đã dần mất đi. Tuy nhiên, gương đồng tiếp tục được sử dụng rộng rãi và trở thành biểu tượng của quyền lực. Chúng là vật tùy táng quan trọng hàng đầu trong các lăng mộ của các thủ lĩnh địa phương.
Hiện vật:
- Kích đồng thời kỳ Yayoi, thế kỷ 3 TCN – thế kỷ 2 SCN
- Chuông đồng thời kỳ Yayoi; thế kỷ 2 SCN
- Gương đồng thời kỳ Kofun, thế kỷ 6.
Một số hình ảnh hiện vật đồng cổ đại:
3. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản
Phật giáo du nhập vào Nhật Bản qua ngả đường bán đảo Triều Tiên trong khoảng đầu thế kỷ 6 sau Công nguyên khi tượng Phật Thích Ca và kinh văn Phật giáo được gửi tới theo hình thức như là một món quà ngoại giao của nước láng giềng thân hữu Paekche (Bách Tế, thuộc Tây Nam Hàn Quốc ngày nay).
Do nhanh chóng thích ứng, dung hợp với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, lại được Nhật hoàng ủng hộ nên Phật giáo đã sớm phát triển vững chắc và có ảnh hưởng lâu dài đến tư tưởng, nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Ban đầu, phong cách nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản thể hiện sự ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Phật giáo Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khoảng cuối thế kỷ 8, nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản bắt đầu thể hiện phong cách, đặc trưng riêng.
Hiện vật:
- Tượng Di Lặc Bồ Tát thời kỳ Heian, thế kỷ 12
- Tượng Bồ Tát thời kỳ Heian, thế kỷ 10
- Tượng Phật A Di Đà, thời kỳ Kamakura, thế kỷ 12 – 14
- Tượng Thiên Vương thời kỳ Kamakura, thế kỷ 13
Một số hình ảnh hiện vật điêu khắc phật giáo:
4. Vật dụng nghi lễ Phật giáo
Từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, các tác phẩm điêu khắc và hội họa Phật giáo ngày càng tăng theo từng giai đoạn. Đồng thời các nghi lễ Phật giáo cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn, đòi hỏi việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về những vật dụng nghi lễ. Đó là nhạc cụ Phật giáo, tiêu biểu là chuông chùa, khánh Phật giáo; pháp khí Phật giáo như tích trượng, kim cương chử, kim cương linh… biểu hiện sự linh thiêng liêng cao cả; những vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày của nhà sư… Ngoài ra, những vật dụng như gương đồng, ban đầu không liên quan đến Phật giáo, cũng đã được chọn và đưa vào sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo.
Hiện vật: Một số hiện vật là các vật dụng nghi lễ Phật giáo có niên đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 16: tích trượng, bình nước, kim cương linh, kinh Phật, gương đồng...
5. Nhật Bản với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông
Nửa sau thế kỉ 13, đất nước Mông Cổ hùng mạnh bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược các nước láng giềng trên quy mô lớn. Nhật Bản cũng bị thủy quân Mông Cổ tấn công xâm lược hai lần vào năm 1274 và năm 1281. Lần đầu tiên, khoảng 30.000 quân đột kích vào miền bắc Kyushu, nhưng cuộc tấn công này mới chỉ là lời cảnh báo ban đầu. Lần thứ hai, là một cuộc tấn công quy mô lớn với 100.000 binh lính và 3500 tàu chiến. Tuy nhiên, do gặp bão lớn và sức phản kháng mạnh mẽ của liên minh các gia tộc Samurai Nhật Bản nên cả hai lần quân Nguyên - Mông đều buộc phải rút lui. Trong nội dung trưng bày này, khách tham quan có thể nhìn thấy bối cảnh trận chiến chống quân Nguyên Mông của Nhật Bản thông qua bức tranh “Mông Cổ tập lai”. Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu những hiện vật tìm thấy trong một chiếc tàu chiến của quân Nguyên Mông bị đắm ở vùng biển đảo Takashima, thành phố Matsuura, tỉnh Nagasaki, phía bắc Kyushu. Con tàu này được Trường Đại học Ryukyu khai quật khảo cổ học và công bố năm 2011. Hơn 4000 hiện vật bao gồm súng thần công, hũ thuốc súng, đạn gốm, đạn đá, neo đá, kiếm, giáp sắt, gạch và đồ gốm sứ thời Nguyên… đã được tìm thấy.
6. Lịch sử bang giao Việt Nam – Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản đã có truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại từ rất sớm. Từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ thông qua mậu dịch Châu Ấn Thuyền. Chính quyền hai nước đương thời đã trao đổi những văn bản ngoại giao cấp quốc gia, đồng thời có những chính sách khuyến khích mở rộng giao thương, buôn bán. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An để buôn bán. Nhiều thương gia Nhật đã lấy vợ người Việt, sinh con, lập nghiệp lâu dài tại Hội An.
Hiện vật:
- Quốc thư, Chính quyền Chúa Nguyễn gửi chính quyền Hideyoshi, Nhật Bản để đặt quan hệ giao thương, niên hiệu Quang Hưng thứ 14, thời Lê Trung hưng, 1591
- Châu Ấn trạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc Phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn Thuyền tới An Nam quốc (Đàng Trong) buôn bán, thời kỳ Edo, năm 1614
- Tranh vẽ “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng” vẽ cảnh Châu ấn thuyền vượt biển tới Đàng Trong (miền Trung Việt Nam ngày nay) buôn bán, thời kỳ Edo, thế kỷ 17 – 18
- Tranh “Vạn quốc nhân vật”, vẽ các tộc người trên thế giới, người Việt Nam và người Nhật Bản cùng xuất hiện trong tranh, thời kỳ Edo, thế kỷ 17.
7. Gốm sứ Nhật Bản thời kỳ Edo (thế kỷ 17 – 18)
Trước thế kỷ 16, Nhật Bản không có truyền thống sản xuất đồ sứ mà chỉ phát triển đồ gốm đất nung. Tuy nhiên, trong khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17, ngành công nghiệp sản xuất đồ sứ ở quốc gia này đã được khai mở bởi những người thợ gốm Hàn Quốc đến sinh sống tại Arita, tỉnh Hizen (nay là tỉnh Saga và Nagasaki), vùng Kyushu, Nhật Bản. Cũng thời điểm này, đồ sứ mậu dịch do Trung Quốc sản xuất đã suy giảm do những bất ổn trong xã hội và sự thay đổi triều đại. Chớp thời cơ, Nhật Bản đã tăng cường học hỏi kỹ thuật chế tác đồ sứ của Trung Quốc, đẩy mạnh phát triển sản xuất và chiếm lĩnh thị trường gốm sứ mậu dịch xuất khẩu thông qua công ty Đông Ấn Hà Lan. Kể từ đó, Arita trở thành trung tâm sản xuất gốm sứ lớn ở Nhật Bản.
Ra đời bởi các thợ gốm Hàn Quốc, học hỏi kỹ thuật từ Trung Quốc và được sự khuyến khích của các thương nhân Hà Lan, những người thợ gốm sứ Nhật Bản thời Edo đã nâng lên một tầm cao mới để tạo ra những sản phẩm mang phong cách, tinh thần Nhật Bản. Trong đó, nổi tiếng nhất là 4 phong cách Kakiemon, Nabeshima, Kinrande và Ko-Kutani.
Hiện vật:
- Đĩa gốm Kutani vẽ phong cảnh kiến trúc với màu xanh lục Aode đặc trưng, giữa thế kỷ 17
- Bình rượu gốm Kutani vẽ nhiều màu và trang trí vàng kim, giữa thế kỷ 17
-Tượng phụ nữ gốm phong cách Kakiemon, cuối thế kỷ 17
- Đĩa gốm Nabashima.
Một số hình ảnh gốm sứ thời kỳ Edo:
8. Nghệ thuật Samurai
Ở Nhật Bản, Samurai được biết đến là những chiến binh huyền thoại vừa giỏi kiếm cung, võ thuật, vừa tài văn chương, nghệ thuật. Samurai chính thức xuất hiện từ khoảng thế kỷ 10 và suy tàn vào giữa thế kỷ 19. Sự gia tăng của tầng lớp Samurai đã thúc đẩy sự sáng tạo những hình thức hình thức thẩm mỹ mới, tác động lớn đến lịch sử và văn hóa Nhật Bản sau này.
Hơn tất cả, đối với Samurai, vũ khí không chỉ là công cụ thiết thực để chiến đấu và bảo vệ chính mình mà còn luôn giữ được giá trị thẩm mỹ cao và là biểu tượng của sự che chở, bảo vệ mỗi khi nó xuất hiện. Họ luôn luôn chú ý đến trang phục cá nhân của mình, tạo ra phong cách riêng đồng thời khéo léo kết hợp xu hướng thời trang của thời đại với sự tôn trọng những phong cách cổ điển.
Quy tắc võ sĩ đạo của Samurai với các đức tính trung thành, nhân ái, tín nghĩa, chính trực, trọng danh dự… đã trở thành tinh thần, tính cách Nhật Bản. Samurai ngày nay không còn nữa, nhưng tinh thần võ sĩ đạo vẫn thấm đậm trong văn hóa người Nhật. Phần trưng bày này sẽ giới thiệu tới khách tham quan một số ví dụ về nghệ thuật Samurai.Hiện vật:
- Sách mật dạy cách sử dụng súng, thời Edo, năm 1629
- Mũ giáp kiểu Gusoku của gia tộc Samurai Kuroda, thời Edo, thế kỷ 18
- Thanh kiếm kiểu Hyougo - gusari - tachi, thời Kamakura, thế kỷ 13
- Kogai (trâm cài tóc), thời Edo, thế kỷ 19
- Kiếm ngắn Kozuka, thời Edo, thế kỷ 19
- Tay chắn kiếm, thời Edo, thế kỷ 19
- Menuki (phụ kiện trang trí chuôi kiếm) hình Phật, hình sư tử và hình bò, thời Edo, thế kỷ 19.
Một số hình ảnh nghệ thuật Samurai:
9. Sưu tập hiện vật trao đổi văn hóa
Trong các năm 1943 - 1944, Bảo tàng Hoàng gia Tokyo (nay là Bảo tàng quốc gia Tokyo) và Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội đã thống nhất tiến hành trao đổi di sản văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật nhằm mục đích giao lưu văn hóa.
Về phía Nhật Bản, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Khmer và những hiện vật khác được gửi đến từ Học viện Viễn đông bác cổ được đưa ra giới thiệu trưng bày từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, hiện vẫn được lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng quốc gia Tokyo.
Sưu tập hiện vật gửi từ Nhật Bản đến Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội đã được phía Việt Nam lưu giữ, bảo quản cẩn thận mặc dù trải qua nhiều biến động, di chuyển sơ tán bởi chiến tranh. Hiện sưu tập đang được lưu giữ, phát huy tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Nhân dịp trưng bày về “Văn hóa Nhật Bản” tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới khách tham quan sưu tập hiện vật trao đổi này như một minh chứng về mối quan hệ mật thiết và những thành quả hợp tác trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong lịch sử.
Hiện vật:
- Sưu tập mặt nạ Nô và Kyogen
- Sưu tập chắn tay kiếm
- Đĩa sứ Nabeshima thế kỷ 17.
Một số hình ảnh hiện vật trao đổi văn hóa:
Trưng bày giới thiệu 70 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng quốc gia Kyushu và một số cơ quan văn hóa khác tại Nhật Bản. Song song với cuộc trưng bày, hoạt động tổ chức các sự kiện, giao lưu văn hóa với chủ đề “Thú vị Nhật Bản” cũng được đồng thời tổ chức.
Phòng Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày tháng 16 tháng 01 đến ngày 09 tháng 3 năm 2014.
Nguyễn Quốc Hữu (Phòng Trưng bày)