Văn minh Sông Hồng là nền văn minh bản địa, có một sức sống mạnh mẽ, phát triển ổn định từ Đông Sơn tới Đại Việt, Việt Nam.
Đồng thời, nó luôn được đổi mới, tiếp thêm sức mạnh tạo ra những hằng số tạo thành bản sắc văn hóa Việt Nam, làm giá đỡ và bệ phóng cho sự cất cánh của dân tộc, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chào mừng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2013, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Cổ vật Hải Phòng tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn Minh Sông Hồng - Kết tinh và tỏa sáng”.
Trưng bày bao gồm 4 chủ đề:
Chủ đề 1: Văn hóa Đông Sơn - Rực rỡ nền văn minh Việt cổ
Chủ đề trưng bày tập trung giới thiệu về các thành tựu trong nghề trồng lúa nước - một ngành kinh tế trụ cột đương thời với bộ nông cụ chuyên dụng, tiên tiến như công cụ khai hoang (rìu, dao…), công cụ làm đất (lưỡi cày, mai, thuổng…) và công cụ gặt hái (liềm, nhíp, hái…).
Bên cạnh đời sống kinh tế phát triển, cư dân Đông Sơn còn có một đời sống tinh thần phong phú, đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, thẩm mỹ, tín ngưỡng, tâm linh… biểu hiện rõ nét qua bộ sưu tập trang sức (vòng, khuyên tai, bao tay, hạt chuỗi…), nhạc khí (chuông, trống…).
Kinh tế phát triển làm cho xã hội phân hóa sâu sắc, tất yếu dẫn đến xung đột xã hội về quyền lợi kinh tế và chính trị. Có những cuộc chiến để điều hòa các xung đột này và cả những cuộc chiến tranh giữa cộng đồng cư dân Việt cổ với các cộng đồng láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Đông Sơn từ những thế kỷ trước công nguyên đã có những cuộc kháng chiến chống lại sức ép từ phương Bắc. Đây cũng chính là một nội dung mà trưng bày tập trung nhấn mạnh với một sưu tập các loại vũ khí phong phú bao gồm các loại hình vũ khí tấn công (đánh xa: lao, mũi tên…, đánh gần: giáo, dao găm, rìu chiến…) và vũ khí phòng ngự (hộ tâm phiến).
Trong sưu tập vũ khí thì mũi tên và lẫy nỏ là loại hình vũ khí lợi hại của cư dân Đông Sơn, gắn với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương. Tại Cổ Loa, chúng ta đã tìm thấy kho mũi tên đồng ở di chỉ Cầu Vực cùng khuôn và lò đúc mũi tên ngay trong Thành Nội.
Kết nối với chủ đề 1 là nội dung khánh tiết trưng bày, được nhấn mạnh bằng loại hình di vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn và văn minh sông Hồng: trống đồng Đông Sơn (Trống loại I Hegơ). Đây là loại trống đồng đẹp nhất, tinh xảo nhất và là biểu hiện cao nhất của công nghệ đúc đồng thời Đông Sơn. Có thể ban đầu chúng được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần trống đã trở thành biểu tượng của quyền lực. Hiện nay, trống đồng Đông Sơn điển hình đã được tìm thấy ở nhiều nơi khác thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, nhưng những chiếc trống đẹp nhất thuộc nhóm A chỉ mới phát hiện được ở Việt Nam như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa. Trống đồng Đông Sơn với những nét đặc sắc nói trên, là một sản phẩm lao động, một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Văn Lang - Âu Lạc, là biểu hiện rõ nét, tập trung của nền văn minh sông Hồng.
Chủ đề 2: Kỉ nguyên Văn minh Đại Việt - hào hùng khí thế rồng bay
Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, rồi mượn hình tượng rồng bay để đặt tên cho kinh đô mới Thăng Long, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Văn minh Đại Việt tồn tại song song với quá trình hình thành và phát triển của quốc gia Đại Việt, trên cơ sở kế thừa bản sắc nền văn minh Đông Sơn và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hoá ngoại sinh.
Trên nền tảng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, các vương triều Lý - Trần - Lê đã tiến hành hàng loạt cải cách đưa Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh trị, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội, khẳng định bản sắc của một dân tộc trưởng thành, một quốc gia văn hiến. Châu thổ sông Hồng với vùng lõi là Thăng Long - Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của văn minh Đại Việt.
Trưng bày tập trung giới thiệu vào 4 thành tựu trong kỷ nguyên Đại Việt:
1. Xây dựng và phát triển Kinh đô Thăng Long
Ngay từ năm 1010, khi mới định đô tại Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã khởi công xây dựng Hoàng Thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng Thành Thăng Long. Kinh thành Thăng Long với kiến trúc 3 vòng thành bao bọc và kết cấu trong thành ngoài thị đã sớm được hoạch định, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa tiêu biểu của Đại Việt.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ Sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử liên tục hơn một ngàn năm từ thời tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, đến thời kỳ Thăng Long với các vương triều Lý – Trần – Lê và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Đồng thời phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều phong kiến Đại Việt trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm.
Hiện vật giới thiệu trong nội dung trưng bày này bao gồm các loại vật liệu, trang trí kiến trúc tìm thấy tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu, Ba Đình và các khu vực khác thuộc kinh thành Thăng Long xưa như đầu rồng, lá đề hình rồng, phượng, gạch, ngói…
2. Nền giáo dục khoa cử Đại Việt
Nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập hệ thống giáo dục khoa cử có hệ thống. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở kinh thành Thăn Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối 72 người hiền của đạo Nho. Năm 1076, nhà vua cho lập Quốc Tử Giám, được coi là trường đại học công đầu tiên Việt Nam. Vua Lý Nhân Tông là người đầu tiên khởi xướng và xác lập chế độ thi cử và giáo dục đại học Đại Việt với khoa thi đầu tiên được tổ chức năm 1075.
Từ đó về sau ngày càng được các triều đại phong kiến nối tiếp phát triển hoàn thiện. Năm 1484, với chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng các tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bia tiến sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá, ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung Hưng, khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiêu Đại Bảo thứ 3 thời Lê sơ) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 thời Lê Trung hưng). Các bia tiến sĩ Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9/3/2010.
Tài liệu, hiện vật giới thiệu trong nội dung trưng bày gồm sưu tập văn phòng tứ bảo: nghiên mực, thủy trì.. và hình ảnh nhà bia tiến sĩ và ảnh tượng thờ Chu Văn An trong trong di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
3. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chống quân Nguyên - Mông
Trận Bạch Đằng năm 1288 diễn ra trên sông Bạch Đằng là một trận đánh quyết chiến lược quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông dưới thời Trần. Đây là chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy. Đây được coi là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Đại Việt đã được giữ vững. Cho đến nay, dấu tích của chiến trường xưa còn lại rõ nét nhất là các bãi cọc. Chúng ta đã phát hiện được nhiều địa điểm như bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa (Quảng Ninh, Hải Phòng). Đây là những di tích rất có giá trị, là bằng chứng rõ rệt nhất về trận Bạch Đằng với cách bố trí trận địa cọc nhằm tiêu diệt thủy quân địch.
Tài liệu, hiện vật được giới thiệu trong phần trưng bày gồm: cọc Bạch Đằng, tranh vẽ trận Bạch Đằng, bài thơ Tức sự của vua Trần Nhân Tông.
4. Di sản văn hóa Phật giáo trong kỷ nguyên Đại Việt
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu Công nguyên. Với khả năng “gắn đạo với đời” và “đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo không những đã nhanh chóng thích ứng, hòa đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa mà còn có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bước vào kỷ nguyên Đại Việt, Phật giáo phát triển cực thịnh và trở thành quốc giáo. Vì vậy, Phật giáo đã có điều kiện để phát huy ảnh hưởng như một “nguồn động lực” thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời để lại dấu ấn đậm nét lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt dưới thời Lý - Trần. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời của một dòng Thiền Việt Nam là thiền phái Trúc Lâm do công sáng lập của vua Trần Nhân Tông. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm mang ý nghĩa rất lớn về tính độc lập tự chủ của dân tộc.
Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, một nhà văn hóa lớn, một nhà Phật học uyên thâm. Sau khi tập hợp, quy tụ triều đình và nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, nhà vua xuất gia, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Đây là một Thiền phái mang đậm tính dân tộc và tính nhập thế với tinh thần cư trần lạc đạo, thấm đượm tinh thần nhân ái, vị tha, đầy lòng bác ái, bao dung, để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt nam. Phật Hoàng Trần Nhân Tông thực sự là một triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ thể hiện được đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Cùng với thời gian, tư tưởng Trần Nhân Tông đã vươn ra toàn cầu như là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.
Tài liệu, hiện vật giới thiệu trong nội dung trưng bày này gồm nhiều loại hình khác nhau như trang trí kiến trúc chùa tháp, các loại tượng Phật, Quan Âm, Kim Cương, Hộ Pháp, đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương… bằng nhiều chất liệu như đá, gốm, đất nung… Đây cũng là chủ đề có số lượng hiện tài liệu, hiện vật nhiều nhất, phong phú nhất.
Chủ đề 3: Sông Hồng - Hành lang kết nối và cánh cửa mở ra thế giới
Văn minh Sông Hồng có nguồn gốc bản địa nhưng đồng thời nó cũng là sự kết tụ của quá trình giao lưu với với các nền văn hóa khác trong khu vực và thế giới. Theo hướng lục địa, Sông Hồng là hành lang tự nhiên giao lưu với nội địa Á Châu qua Tây Nam Trung Quốc, thượng Miến Điện, Bắc Ấn Độ tới tận vịnh Bengal. Theo hướng biển, Sông Hồng là cánh cửa mở ra thế giới thông qua con đường tơ lụa trên biển kết nối phương Đông với phương Tây.
Kết quả khảo cổ học đã tìm thấy tại các di chỉ văn hóa Đông Sơn nhiều đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh, mã não có nguồn gốc từ Miến Điện, Ấn Độ. Bằng chứng khảo cổ học cũng cho thấy cư dân Đông Sơn đã có những mối giao lưu văn hoá rộng rãi với cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung, với một số nhà nước sơ khai trong khu vực như Điền Việt, Dạ Lang, Mân Việt.. (Nam Trung Quốc) và tiếp cận xa hơn tới tận hạ lưu sông Trường Giang (Triết Giang - Trung Quốc) và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaixia, Indonesia. Nhiều hiện vật đồng Đông Sơn muộn, trong đó có cả những trống đồng Đông Sơn điển hình đã được tìm thấy ở đây.
Ngay sau khi giành được độc lập, các vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê sơ đã ra sức chăm lo, củng cố và phát triển quốc gia Đại Việt thành một thể chế mạnh và quan trọng ở Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi, Đại Việt là địa chỉ giao thương hấp dẫn đối với thương thuyền Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia cổ ở Đông Nam Á và các nước Phương Tây. Năm 1149, vua Lý Anh Tông đã cho lập thương cảng Vân Đồn làm nơi buôn bán cố định với hải ngoại. Trong thế kỷ XVII, các Chúa Trịnh cho thương nhân nước ngoài được lập thương điếm lưu trú và buôn bán sâu trong nội địa nên tuyến sông Hồng và sông Thái Bình trở thành cửa ngõ giao thương chính của Đàng Ngoài. Có thể nói, chưa bao giờ nền kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn này. Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên) và Domea (Hải Phòng) thuộc tam giác châu thổ Sông Hồng là những mắt xích quan trọng trong
hệ thống hải thương toàn cầu.
Hiện vật được lựa chọn giới thiệu trong chủ đề này gồm: Sưu tập đồ trang sức văn hóa Đông Sơn bằng thủy tinh, mã não ó nguồn gốc nhập khẩu từ Ấn Độ, Miến Điện; sưu tập gốm Chu Đậu xuất khẩu thời Lê sơ với các loại hình và hoa văn trang trí theo đặt hàng của tàu buôn Phương Tây, sưu tập gốm Nhật Bản nhập khẩu thế kỷ 17 - 18…
Chủ đề 4: Văn hóa Trầu Cau Việt nam
Tục ăn trầu ở Việt Nam, tương truyền, xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau. Trong lịch sử, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp từ cung đình cho đến dân gian và đã trở thành một nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Văn hóa Trầu cau vừa là biểu hiện phong cách Việt Nam vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau không chỉ là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống như tế tự, tang ma, cưới hỏi… mà còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, vợ chồng…Tục ăn trầu xuất hiện ở Việt Nam từ lâu đời nhưng những dấu tích vật chất còn lại đến ngày nay chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý trở về sau. Bộ dụng cụ này không đơn thuần chỉ là những vật dụng thông thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Tài liệu, hiện vật giới thiệu gồm: Sưu tập dụng cụ ăn trầu như bình vôi, ống nhổ, ống vôi, cơi trầu, âu trầu, khay trầu, hộp thuốc. Ngoài ra còn có các tài liệu khoa học phụ là những hình ảnh đẹp về tục ăn trầu và văn hóa trầu cau ở Việt Nam.
Trưng bày mở cửa từ tháng 5 đến hết tháng 11 năm 2013, tại Bảo tàng Hải Phòng, số 11 Đinh Tiên Hoàng, Thành phố Hải Phòng.
Quốc Hữu