Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/10/2012 16:44 5040
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương, từ Nam Á sang Thái Bình Dương, từ Đông Nam Á lên phía Bắc tới Đài Loan, Nam Trung Quốc.

Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam và trở nên thật gần gũi. Ăn trầu là một phương thức ẩm thực. Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng: Sự tích trầu cau.

Với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau vừa là biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám, bổ tư là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm "miếng trầu là đầu câu chuyện", giúp cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi, cởi mở hơn.

Một đĩa trầu têm cánh phượng

Trầu cau trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam; nó đi vào muôn mặt của đời sống xã hội: cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục… Trong văn học, nó trở thành thước đo thời gian như thi sĩ Nguyễn Bính đã viết:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu

Chờ em, chừng dập bã trầu em sang

Với các nam nữ thanh niên xưa thì trầu cau còn là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước. Mượn câu hát mời trầu để bày tỏ lòng mình. Trầu cau là sính lễ không thể thiếu trong mỗi đám hỏi ở Việt Nam "Trầu vàng nhá với cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời".

Không chỉ xuất hiện trong cưới hỏi, trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, xuân đến tết về; trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:

Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ

Xin đôi câu đối để mừng ông

Hơn thế, trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu "Sửa cơi trầu đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn sinh thành nuôi nấng của các bậc tiền nhân.

Vì vậy, văn hóa Trầu cau là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình hạnh phúc.

Văn hóa Trầu cau Việt Nam

Với mục đích gìn giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn hóa Trầu cau Việt Nam" với 3 chủ đề chính:

Chủ đề 1: Tục ăn trầu và giá trị của văn hóa trầu cau ở Việt Nam với các nội dung: Nguồn gốc tục ăn trầu của Việt Nam; Bộ dụng cụ ăn trầu; Cách têm trầu, nhai trầu; Những nét đẹp của văn hóa trầu cau Việt Nam; mời trầu.

Tương truyền tục ăn trầu của người Việt có từ thời Hùng Vương qua câu chuyện cổ tích về tình cảm vợ chồng thủy chung, anh em gắn bó, vượt non vượt suối tìm nhau và cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau. Gắn với nguồn gốc đó là những dấu tích vật chất còn lại chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý - Trần tới ngày nay. Bộ dụng cụ này ở Việt Nam gồm có: Bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi (dùng để đựng, lấy vôi têm trầu); dao (dùng để bổ cau, têm trầu); khay, cơi, hộp, âu, giỏ, tráp, túi, khăn, đẫy… (dùng để đựng trầu, thuốc và xếp các dụng nhỏ); ống nhổ (để bỏ cổ trầu, bã trầu); cối, chìa ngoáy, hộp đựng (dành cho những người lớn tuổi, răng yếu dùng để giã nát trầu trước khi nhai). Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng trong tục ăn trầu ở Việt Nam. Tùy theo kích thước, tính chất, đặc điểm mà không gian và chủ nhân sử dụng của bình vôi khác nhau: Bình vôi dùng trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng; bình vôi mang theo bên người khi ra ngoài; bình vôi dành cho tầng lớp quý tộc hay giới bình dân.

Bình vôi quai buồng cau

Chủ đề 2: Tục ăn trầu của một số dân tộc ít người tại Việt Nam

Không chỉ với người Việt, nhiều dân tộc ít người ở Việt Nam như: Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu… ở vùng núi phía Bắc đến các dân tộc dọc theo dãy Trường Sơn, Tây Nguyên như Khơ Mú, Bru, Êđê và người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ, Nam bộ đều có tục ăn trầu. Giữa các dân tộc, tục ăn trầu có những nét tương đồng, nhưng do không gian văn hóa riêng của từng dân tộc mà có những điểm khác biệt.

Chủ đề 3: Bảo tồn giá trị văn hóa Trầu cau Việt Nam

Ngày nay, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trong nhịp sống hối hả, tục ăn trầu dần bị mai một. Thói quen ăn trầu chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn. Mặc dù vậy, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội, nghi lễ truyền thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… Đồng thời, những nét đẹp của văn hóa Trầu cau ở Việt Nam vẫn mãi lắng đọng sâu đậm trong văn học dân gian, ca dao, dân ca… và ghi dấu trong thơ, nhạc, phim ảnh hiện đại… Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này cần được bảo tồn và phát huy nhằm bồi dưỡng phong cách, tâm hồn, tình cảm người Việt Nam; giúp họ sống theo triết lý tình nghĩa trầu cau.

Phòng trưng bày Văn hóa Trầu cau Việt Nam được khai mạc vào ngày 24/10/2012 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xin trân trọng kính mời quý khách trong và ngoài nước tới thưởng lãm!

Lê Khiêm

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4288

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Di sản văn hóa Biển Việt Nam

Di sản văn hóa Biển Việt Nam

  • 11/05/2012 00:00
  • 2234

Vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, một tuyến giao thương đường biển kết nối phương Đông với phương Tây đã được thiết lập.