Chiều ngày 15/9/2020, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Nghệ An tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” với chủ đề “Ký ức thời Hoa lửa” cho hơn 100 học sinh đến từ trường THCS Đội Cung và trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh, Nghệ An).
Toàn cảnh chương trình
Tham dự có Bà Quách Thị Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An; Ông Trần Xuân Thủy-Trưởng phòng Di sản - Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An; Đại diện lãnh đạo, giáo viên và học sinh trường THCS Đội Cung, THCS Quang Trung và một số trường học trên địa bàn thành phố Vinh cùng các cán bộ Bảo tàng tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các đơn vị báo chí trên địa bàn tỉnh đến dự và đưa tin…
Đại biểu và học sinh tham dự chương trình
Mở đầu chương trình, học sinh tham quan trưng bày chuyên đề “Ký ức thời Hoa lửa” để cùng tìm hiểu nội dung trưng bày cũng như chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến của một thời hoa lửa đang được giới thiệu trong trưng bày. Sau đó, học sinh tiếp tục tham gia 4 hoạt động: Hành trình về xứ Nghệ; Đường thư; Ô chữ bí mật và Tìm hầm trú ẩn.
Học sinh tham quan trưng bày chuyên đề “Ký ức thời Hoa lửa”
Hoạt động tham quan trưng bày qua sự hướng dẫn của cán bộ Bảo tàng Nghệ An đã phần nào giúp các em hiểu hơn về cuộc sống của những người lính nơi chiến trường, một cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh những vẫn luôn ánh lên tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin tất thắng; đồng thời các em cũng hiểu được những đóng góp to lớn của quân và dân Nghệ An trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Có thể nói, điều khiến các bạn học sinh trường THCS Đội Cung và THCS Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất trong trưng bày chuyên đề “Ký ức thời Hoa lửa” là những kỷ vật kháng chiến của người lính nơi chiến trường như: quyết tâm thư, quyển nhật ký hay chiếc lược, lọ hoa được làm từ xác bom đạn của quân thù… Tất cả những kỷ vật một thời ấy đều mang thông điệp tinh thần quyết thắng, vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước, lý tưởng sống, chiến đấu của người lính nơi chiến trường. Từ đó, giúp các em thêm trân quý và tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của các thế hệ cha anh đã từng sống, chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc.
Với hình thức kết hợp giữa học mà chơi, chơi mà học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Nghệ An đã xây dựng đan xen các hoạt động thể chất và trí tuê, tạo nên một sân chơi “lịch sử” hết sức bổ ích và lí thú với 04 hoạt động:
- Hoạt động đầu tiên mang tên “Hành trình về xứ Nghệ” với trải nghiệm lăn bóng vào vòng tròn và phần đua tài kiến thức đã giúp các em học sinh hiểu hơn về Nghệ An - mảnh đất, con người và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của người dân xứ Nghệ trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; qua đó khơi gợi cho các em lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh trên mảnh đất xứ Nghệ anh hùng.
Học sinh trải nghiệm lăn bóng vào vòng tròn trong hoạt động “Hành trình về xứ Nghệ”
- Hoạt động “Đường thư” giúp các em học sinh được hóa thân thành những Chiến sĩ giao liên thời chiến thực hiện nhiệm vụ gửi thư từ chiến trường về hậu phương cho gia đình, người thân qua những Dấu chân cách mạng. Trong điều kiện hiện nay, các em học sinh đều thấy việc gửi thư vô cùng dễ dàng và thuận tiện bằng chuyển phát nhanh hoặc gửi thư điện tử nhưng trong bối cảnh đất nước chiến tranh, mưa bom, bão đạn thì việc chuyển thư, tài liệu từ chiến trường về căn cứ và hậu phương là cả một hành trình dài, vô cùng khó khăn, gian khổ. Có những cánh thư được gửi đi hàng tháng trời mới đến tay người nhận cũng có những cánh thư chưa kịp về tới gia đình thì người lính đã hy sinh... Qua hoạt động hóa thân đầy chân thực, sinh động này, các em học sinh đã phần nào cảm nhận được công việc và những khó khăn của những chiến sĩ giao liên ngày đêm vượt núi, băng rừng để chuyển thư tới tay người nhận trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Học sinh trải nghiệm “Dấu chân cách mạng” trong hoạt động “Đường thư”
- Hoạt động “Ô chữ bí mật” với 11 câu hỏi xoay quanh những kỷ vật được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa” như: Quyết tâm thư, nhật ký, lọ hoa, hộp đạn, xe đạp thồ… đã phần nào giúp các em hình dung được bức tranh cuộc sống của người lính nơi chiến trường - một cuộc sống khốc liệt nhiều gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng tươi sáng, giàu lý tưởng sống cao đẹp. Chỉ trong thời gian ngắn, các em học sinh đã tìm ra Ô chữ bí mật của chương trình là “KỶ VẬT KHÁNG CHIẾN”. Với ô chữ này, chương trình mong muốn các em hiểu và trân quý hơn nữa những kỷ vật của chiến tranh, những kỷ vật ấy là chiếc cầu nối giữa ký ức và hiện tại của những lính đã đi qua cuộc chiến, trở thành “Ký ức của một thời hoa lửa” oanh liệt, hào hùng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
- Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, quân và dân ta vừa sản xuất, vừa chiến đấu, luôn sẵn sàng, chủ động để đối phó khi máy bay Mỹ ném bom bắn phá. Một cách làm vô cùng sáng tạo thể hiện ý chí kiên cường, lạc quan, và sự thích nghi hoàn cảnh của người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt là việc xây dựng hệ thống hầm trú ẩn ở khu vực nhà ở, trên đường đi và nơi làm việc. Với hoạt động trải nghiệm thứ 4 là “Tìm hầm trú ẩn” đã giúp các em hình dung được việc cần kíp và khẩn trương phải tìm hầm trú ẩn khi có báo động Máy bay Mỹ ném bom bắn phá. Cả khán phòng như vỡ òa với những tiếng reo hò, cổ vũ của các em học sinh.
Học sinh tham gia hoạt động “Tìm hầm trú ẩn”
Đặc biệt, phần cuối chương trình các em được thưởng thức món ăn thời chiến ngay tại không gian trưng bày chuyên đề “Ký ức thời Hoa lửa” của Bảo tàng Nghệ An. Qua lời kể, chia sẻ của các bác cựu chiến binh về những món cơm nắm, muối vừng; lương khô, bánh sắn… các em cảm nhận được sự khác biệt và giá trị của những món ăn thời chiến (tưởng chừng như dân giã, đồng quê nhưng đó thực sự là những “cao lương mỹ vị” trong những năm tháng chiến tranh ác liệt) như những chia sẻ hết sức chân thực của các em học sinh “Món ni lạ mà ngon cô ạ!”
Cựu chiến binh tham quan khu vực trải nghiệm món ăn thời chiến
Học sinh thích thú khi được trải nghiệm những món ăn thời chiến
Học sinh nhận quà lưu niệm của chương trình
Chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề “Ký ức thời hoa lửa” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Nghệ An phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An; lãnh đạo Phòng Quản lý di sản; đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của lãnh đạo hai trường THCS Đội Cung, THCS Quang Trung và tất cả các em học sinh hai trường đã tham gia chương trình. Thầy Phạm Văn Hải - Hiệu trưởng trưởng THCS Đội Cung đã chia sẻ: “Học mà chơi, chơi mà học là cách làm ngắn nhất và hiệu quả nhất để đưa học sinh đến gần hơn với môn lịch sử, với bảo tàng. Sau chương trình này, nhà trường sẽ cố gắng tổ chức nhiều giờ học lịch sử ngoại khóa hơn nữa để các em học sinh có thể tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa, di sản địa phương tại Bảo tàng Nghệ An”./.
Lê Liên, Bắc Dũng (Phòng GDCC)