Xuất phát từ thực tiễn dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông cùng với xu hướng dạy, học theo hướng tích hợp các môn học và trải nghiệm lịch sử trực quan, sinh động; Giáo viên chủ nhiệm lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) đã phối hợp với cán bộ giáo dục của BTLSQG tổ chức chương trình Giờ học lịch sử tìm hiểu về Văn minh Đại Việt. Đây cũng là chủ đề mới được xây dựng trong chương trình Giờ học lịch sử tại BTLSQG với hình thức tìm hiểu lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam (triều Lý - triều Lê Sơ) qua các tác phẩm văn học tiêu biểu: Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo…
Xuất phát từ thực tiễn dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông cùng với xu hướng dạy, học theo hướng tích hợp các môn học và trải nghiệm lịch sử trực quan, sinh động; Giáo viên chủ nhiệm lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) đã phối hợp với cán bộ giáo dục của BTLSQG tổ chức chương trình Giờ học lịch sử tìm hiểu về Văn minh Đại Việt. Đây cũng là chủ đề mới được xây dựng trong chương trình Giờ học lịch sử tại BTLSQG với hình thức tìm hiểu lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam (triều Lý - triều Lê Sơ) qua các tác phẩm văn học tiêu biểu: Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo…
Khác với các chương trình GHLS khác mở đầu bằng hoạt động tham quan trưng bày dưới sự hướng dẫn của cán bộ bảo tàng thì chương trình lần này khởi động bằng phần thuyết trình ấn tượng của các em học sinh lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh. Trước khi tham gia chương trình GHLS, các em học sinh đã được phân nhóm; lựa chọn và chuẩn bị nội dung thuyết trình của nhóm mình về các vấn đề cụ thể như: Triều Lý và tác phẩm Chiếu dời đô và Nam quốc sơn hà; triều Trần và tác phẩm Hịch tướng sĩ; triều Lê Sơ và tác phẩm Bình ngô đại cáo....
Học sinh thuyết trình về triều Lý và tác phẩm “Chiếu dời đô”
Dưới sự gợi ý và định hướng của cán bộ giáo dục BTLSQG, trong phần thuyết trình của mình các em học sinh đã biết lồng ghép, kết hợp các kiến thức giữa văn học và lịch sử, từ đó nêu lên những hiểu biết về hoàn cảnh ra đời; nội dung và giá trị thực tiễn… của tác phẩm văn học thời kỳ này. Nhóm học sinh tìm hiểu về tác phẩm “Hịch tướng sĩ” sau khi giới thiệu các nội dung chính theo yêu cầu của Ban giám khảo, đã biết dẫn dắt vấn đề và liên hệ bài học lịch sử dành cho thế hệ trẻ hiện nay như sau: “Qua tác phẩm Hịch tướng sĩ, có thể khẳng định rằng từ bao đời nay, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc đã ngấm sâu vào tâm huyết của mỗi người con đất Việt, đã trở thành một tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi người dân Việt Nam. Tôi hi vọng rằng, thế hệ trẻ chúng ta ngày nay, sẽ biết phát huy tinh thần yêu nước ấy, bằng những hành động cụ thể để cống hiến, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh”.
Học sinh thuyết trình về triều Trần và tác phẩm “Hịch tướng sĩ”
Những câu văn, câu thơ, lời hịch trong các tác phẩm văn học cùng với những hiện vật lịch sử được trưng bày sống động trong bảo tàng đã được các em kết hợp hài hòa và thể hiện qua những phần thuyết trình hết sức ấn tượng. Ban giám khảo của chương trình là cán bộ BTLQG và giáo viên chủ nhiệm lớp 8C đã phải làm việc hết sức tập trung để đánh giá, chấm điểm, lựa chọn đội thuyết trình ấn tượng nhất, sau đó tiếp tục chia sẻ những vấn đề mà các em học sinh chưa rõ trong phần thuyết trình của mình.
Ban giám khảo tổng kết, đánh giá và chấm điểm thuyết trình
Tiếp nối chương trình, các em học sinh lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh được tham gia hai hoạt động: Hành trình lịch sử và Ghép tranh trận chiến Bạch Đằng năm 1288 tại phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”. Với mục đích tìm hiểu chủ đề văn minh Đại việt có tích hợp giữa học lịch sử và văn học, hoạt động Hành trình di sản đã cung cấp cho các em những kiến thức về chủ đề tìm hiểu Văn minh Đại Việt qua những câu hỏi như: Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, triều đại nào đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam?; Trong tấm bia tiến sỹ năm 1442 Thân Nhân Trung đã viết lời đề xướng được xem là “Nhất ngôn kinh bang” mà tới nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Em hãy cho biết đó là lời đề xướng gì?…
Học sinh tham gia hoạt động Hành trình di sản
Học sinh tham gia hoạt động ghép tranh trận chiến Bạch Đằng
Khi được hỏi về những cảm nhận về chương trình việc lồng ghép giảng dạy lịch sử và văn học tại bảo tàng, giáo viên chủ nhiệm lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) đã chia sẻ: “Hiện nay, dạy học tích hợp các môn học là một trong phương pháp hiệu quả trong giáo dục phổ thông. Trong dạy học lịch sử việc lồng ghép văn học vào bài giảng, cùng với đó là những hiện vật bảo tàng như những “chứng nhân của lịch sử” sẽ giúp cho bài học thêm sinh động, các tri thức tưởng như khô cứng của lịch sử sẽ trở nên mềm mại, dễ nhớ, dễ thuộc hơn và tạo chất “xúc tác” cho học sinh thêm hứng thú, say mê học tập lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn”.
Phần cuối chương trình, các em được tham gia trải nghiệm hai trò chơi dân gian: nặn tò he và nhảy sạp tại khuôn viên BTLSQG. Mọi mệt mỏi, nóng bức dường như xua tan hết, các em học sinh say sưa nặn tò he dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân tò he và sáng tạo theo cách riêng của mình. Việc lồng ghép trò chơi dân gian vào chương trình trải nghiệm lịch sử đã tạo thêm hứng thú, say mê cho các em học sinh khi đến tham quan, học tập tại BTLSQG.
Học sinh trải nghiệm trò chơi dân gian nặn tò he và nhảy sạp tại khuôn viên BTLSQG
Chương trình GHLS tạm khép lại cùng với những nụ cười, ánh mắt háo hức của cô và trò lớp 8C trường THCS Phan Chu Trinh. Tất cả các em đều nói lên sự yêu thích và mong muốn được trở lại bảo tàng, được tiếp tục tham gia nhiều chương trình với nhiều hình thức trải nghiệm mới lạ hơn nữa trong thời gian tới.
Lê Liên (Phòng GDCC)