Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/02/2018 00:00 1862
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục, trong những năm qua, BTLSQG đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh tổ chức chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” và đạt được kết quả rất khả quan. Số buổi “Giờ học Lịch sử” tại BTLSQG năm sau đều cao hơn năm trước, năm 2016 tổ chức 197 buổi cho 6.600 học sinh thì năm 2017 tổ chức 314 buổi cho 13.528 học sinh. Điều đó cho thấy, chương trình “Giờ học lịch sử” đã trở thành sân chơi bổ ích thu hút số lượng lớn các em học sinh ở các trường đến tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng. Nhiều trường ở Hà Nội nhiều năm đến tham gia “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng như: trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), trường THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng), trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm)...

Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục, trong những năm qua, BTLSQG đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh tổ chức chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” và đạt được kết quả rất khả quan. Số buổi “Giờ học Lịch sử” tại BTLSQG năm sau đều cao hơn năm trước, năm 2016 tổ chức 197 buổi cho 6.600 học sinh thì năm 2017 tổ chức 314 buổi cho 13.528 học sinh. Điều đó cho thấy, chương trình “Giờ học lịch sử” đã trở thành sân chơi bổ ích thu hút số lượng lớn các em học sinh ở các trường đến tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng. Nhiều trường ở Hà Nội nhiều năm đến tham gia “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng như: trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), trường THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng), trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm)...

Học sinh tham quan trưng bày tại BTLSQG.

Tiếp nối truyền thống hiếu học, đặc biệt là sự yêu thích lịch sử dân tộc Việt Nam, từ ngày 11/1 - 1/2/2018, BTLSQG phối hợp với trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình - Hà Nội) tổ chức cho 1.800 học sinh khối 6, 7 đến tham quan, tham gia những hoạt động trải nghiệm. Lòng yêu sử của các em học sinh là nguồn động viên lớn cho các cán bộ phòng Giáo dục, Công chúng luôn đổi mới ý tưởng, hình thức, nội dung chủ đề, trình chiếu, trò chơi… phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích của các em. Hơn nữa, nội dung kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa của các em đều được tái hiện cụ thể, sinh động. Thông qua hiện vật trưng bày ở Bảo tàng, câu chuyện xung quanh hiện vật ... với phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đã đem lại những bài học bổ ích, hấp dẫn đối với các em mỗi khi đến bảo tàng.

Năm 2017, các em học sinh trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đến tham gia chương trình “Giờ học lịch sử” tại bảo tàng theo chủ đề: Tìm hiểu Lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến Triều Nguyễn với hoạt động cụ thể như: tham quan bảo tàng, làm bài trắc nghiệm, tham gia trò chơi dân gian (kéo co, bịt mắt đập niêu...).

Học sinh làm bài thi trắc nghiệm.

Năm 2018, bên cạnh hoạt động tham quan, tham gia làm bài trắc nghiệm, các em học sinh khối 6, khối 7 còn được tham gia hoạt động Ô chữ bí mật, đối với khối 6 là ô chữ: “DỰNG NƯỚC”, khối 7 là ô chữ “ĐOÀN KẾT” rất thú vị. Trong hoạt động này, đối với khối 7, mỗi đội chơi gồm 5 bạn, nhiệm vụ của 2 đội chơi phải trả lời 7 câu hỏi trình chiếu trên màn hình powerpoint, sau khi hết thời gian suy nghĩ 30 giây, hai đội sẽ đưa ra đáp án của đội mình, đội nào có đáp án trùng với đáp án của chương trình sẽ được 10 điểm, từ khóa chương trình sẽ hiện ra trên ô chữ bí mật, đội nào trả lời nhiều câu hỏi và tìm ra đáp án của ô chữ bí mật nhanh nhất sẽ giành chiến thắng. Những câu hỏi của chương trình như: “Một trong những gia nô thân tín của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có biệt tài bơi lặn, đục thủng nhiều thuyền của địch giành chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Em hãy cho biết ông là ai?”(Đáp án: YẾT KIÊU, từ khóa:K) hay câu hỏi: “Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, binh lính nhà Trần tất thảy đều thích lên cánh tay hai chữ thể hiện rõ ý chí quyết tâm giết giặc. Em hãy cho biết đó là chữ gì?”(Đáp án: SÁT THÁT, từ khóa:A) ... được các em hào hứng trả lời chính xác.

Học sinh tham gia hoạt động “Ô chữ bí mật”.

Hoạt động cuối cùng của chương trình là nhảy bao bố và ghép tranh Trận kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, năm 1288 cũng không kém phần hấp dẫn và rất sôi nổi tạo cho các em khả năng kết hợp làm việc theo nhóm cũng như tinh thần đoàn kết trong phối hợp thực hiện công việc. Nhiệm vụ 2 đội chơi, mỗi bạn trong đội phải làm sao nhảy bao bố nhanh nhất và ghép bức tranh chính xác nhất, sẽ giành chiến thắng.... Chính những hoạt động chơi lồng ghép kiến thức lịch sử đã tạo nên đặc trưng, “thương hiệu” cho các hoạt động giáo dục của BTLSQG trong những năm qua.

Học sinh tham gia hoạt động ghép tranh.

Để gây ấn tượng, tạo nên sự hứng thú cho các em, sau 2 tiếng tham gia chương trình “Giờ học lịch sử” BTLSQG có những phần thưởng, món quà kỉ niệm dành tặng cho các em. Đây là những món quà lưu niệm tuy nhỏ nhưng thật ý nghĩa, là sự động viên, khích lệ đối với những cố gắng của các em. Kết quả của mỗi buổi tham quan, học tập, nhiều em bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia các buổi học lịch sử tại BTLSQG. Điều đó cho thấy, môn lịch sử thực sự không phải là một môn học khô cứng với những niên đại, con số, diễn biến mà là lịch sử sống động, được các em tiếp nhận một cách hào hứng, chủ động. Các kiến thức lịch sử được thấm sâu vào nhận thức của các em, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú và khó quên. Đặc biệt, sau các buổi học sinh đến tham gia sinh hoạt Giờ học lịch sử thì kết quả điểm thi môn lịch sử của học sinh được nâng cao, ý thức học và sự chuẩn bị bài lịch sử cũng như niềm yêu thích môn học của các em có sự chuyển biến rõ rệt…

Sau mỗi buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử, nhiều em có những chia sẻ như: Em Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 7ª11, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội): Em thấy buổi tham quan hôm nay thật ý nghĩa. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đẹp biết bao. Những hiện vật mà trước đây em chỉ nhìn thấy trên sách vở thì bây giờ được tận mắt chiêm ngưỡng. Ôi!thật là tuyệt vời. Em mong muốn đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhiều lần hơn nữa.

Em rất vui khi được học tập tại bảo tàng. Buổi sinh hoạt hôm nay giúp em ôn lại lịch sử và hiểu thêm về con người thời Tiền sử, về nền văn hóa Đông Sơn với chiếc trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng, về ba trận chiến lớn trên dòng sông Bạch Đằng.... Em rất hào hứng và chờ đón buổi học tiếp theo...” (Nguyễn Duy Linh, học sinh lớp 6ª4, trường THCS Giảng Võ - quận Ba Đình, Hà Nội)

Qua những buổi tham gia sinh hoạt “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng, môn lịch sử đã trở thành bộ môn yêu thích và hấp dẫn các em học sinh. Các em bắt đầu thích khám phá, tìm hiểu và đọc câu chuyện về lịch sử. Khi hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc từ đó giúp các em thấy được trách nhiệm của mình đối với tổ quốc, gia đình và xã hội. Tôi cảm nhận đây là một môi trường giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh hiệu quả nhất”. (Cô giáo Thanh Vân, tổ trưởng Bộ môn Lịch sử, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội)

Với kết quả đạt được, BTLSQG sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, xây dựng chương trình giáo dục đa dạng, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động Giờ học lịch sử cả về nội dung, hình thức để BTLSQG thực sự trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Phạm Thị Huyền

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: