Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII (12/1996) đã nêu rõ: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cũng đồng nghĩa Bảo tàng đã hoàn thành chức năng giáo dục và nhiệm vụ chính trị của mình.
Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động mang tính giáo dục như: tham quan học tập phục vụ bài học ngoại khóa; khai thác, sử dụng tài liệu, hiện vật của Bảo tàng vào bài học nội khóa… Trong các hoạt động này, hoạt động Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và Giờ học lịch sử được đánh giá là có chất lượng, hiệu quả cao, trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều học sinh, sinh viên, nhóm gia đình.
Câu lạc bộ Em yêu lịch sử chính thức ra mắt vào ngày 3/2/2007 ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (cũ). Sau khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập, Câu lạc bộ tiếp tục được duy trì và phát triển đến với đông đảo học sinh Thủ đô, từ khối Tiểu học, THCS, THPT đến các trường Đại học, Cao đẳng và các đơn vị bộ đội, công an các tỉnh, thành trên cả nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang…
Nội dung các buổi sinh hoạt được chuẩn bị công phu từ xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, chủ đề đến ý tưởng xây dựng powerpoint trình chiếu, trò chơi trí tuệ, trò chơi thể chất… luôn bám sát chương trình học lịch sử ở nhà trường, phù hợp với kiến thức từng lứa tuổi nên được nhiều giáo viên, học sinh hưởng ứng, đánh giá cao.
Sau khi tham quan trưng bày theo chủ đề, các em sẽ được tham gia các hoạt động tìm hiểu lịch sử để hệ thống lại những kiến thức mà các em vừa lĩnh hội. Đặc biệt, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động thể chất vui nhộn, nội dung gắn với từng chủ đề như: Chuyển nước ngọt ra đảo, Tìm đất đóng đô, Vượt bãi cọc giành chiến thắng, Tiếp bước hành quân, Gánh lương thực vào trận địa, Hành trình vượt biển… thông qua các hình thức lăn bóng, cướp cờ, tiếp sức, chuyền bóng bằng thìa…
Đây là hình thức học mà chơi, chơi mà học nên đã tạo được sự thích thú cho học sinh. Hơn nữa, quá trình tham quan có trọng tâm đã giúp học sinh lắng nghe, ghi nhớ, qua đó hiểu sâu sắc hơn những mốc lịch sử quan trọng, các sự kiện, hiện vật tiêu biểu, từ đó hình thành ý thức tự tìm tòi, tâm lý muốn hiểu hệ thống hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng. Bên cạnh đó, các em học sinh còn có điều kiện giao lưu, học hỏi với các trường khác thông qua những hoạt động mang tính giao lưu như: hỏi - đáp, thuyết trình, hùng biện một vấn đề lịch sử, biểu diễn văn nghệ…
Với chủ đề Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, học sinh sẽ được nhập vai Hoàng đế Lý Công Uẩn, đi “thuyền rồng” đến Đại La, chọn vị trí định đô (trò chơi “Tìm đất đóng đô”), trong “hành trình dời đô” các em học sinh sẽ được tìm hiểu tên gọi Thủ đô qua các thời kỳ.
Với chủ đề Di sản văn hóa biển Việt Nam, ở trò chơi “Chuyển nước ngọt ra đảo”, người tham gia sẽ được đóng vai người lính trong hải đội Hoàng Sa và hải đội Bắc Hải (đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ 17) chuyển nước ngọt ra đảo và khai thác sản vật biển đưa về đất liền. Trong quá trình tham gia, các em học sinh sẽ phải ghép tranh và tìm hiểu tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ (một minh chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam).
Để tạo hứng thú cho học sinh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ dành tặng những phần thưởng, quà lưu niệm mang dấu ấn của Câu lạc bộ.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn phối hợp với một số bảo tàng, các Ban di tích địa phương thực hiện chương trình giáo dục theo mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ dưới hai hình thức phối hợp:
Hình thức thứ nhất: xây dựng chương trình theo chủ đề gắn với lịch sử, văn hóa địa phương: tại Bảo tàng Hải Dương tổ chức chủ đề Gốm sứ Hải Dương với con đường tơ lụa trên biển (200 học sinh/4 trường/2 buổi, năm 2012); tại Bảo tàng Lạng Sơn là chủ đề Về với xứ Lạng (gần 200 học sinh/2 trường/1 buổi, năm 2012); tại Bảo tàng Bắc Giang là chủ đề Bắc Giang - miền di sản (200 học sinh/1 trường/ 1 buổi năm 2013); tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh là chủ đề Bác Tôn và những câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư (100 học sinh/1 trường/ 1 buổi, năm 2014); tại Ban Quản lý di tích nhà tù Côn Đảo là chủ đề Côn Đảo - Nơi ấy đừng quên (hơn 100 bộ đội, công an huyện Côn Đảo/1 buổi, năm 2014)…
Sinh hoạt CLB Em yêu Lịch sử với chủ đề “Gốm sứ Hải Dương và con đường tơ lụa trên biển” tổ chức tại Bảo tàng Hải Dương.
Hình thức thứ hai: phối hợp với Bảo tàng, Ban di tích các địa phương xây dựng chương trình nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước (chủ đề Âm vang Điện Biên được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ).
Ngoài Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một số trường học trên địa bàn Hà Nội, chương trình còn được tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (thành phố Hồ Chí Minh), Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý di tích Côn Đảo.
Dẫu đã phát huy hiệu quả và đạt được những thành tích đáng ghi nhận song hoạt động của Câu lạc bộ Em yêu lịch sử vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế, đặc biệt là về thời gian tổ chức chương trình (thời lượng các em học sinh tham gia chỉ dừng ở mức độ vài giờ đồng hồ do phải đảm bảo các chương trình học tập tại nhà trường). Mặt khác, các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ đòi hỏi nhiều về nội dung, cơ sở vật chất...
Trước thực trạngđó, năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã xây dựng và triển khai hình thức Giờ học lịch sử: “lớp học” được tổ chức ngay tại các gian trưng bày. Do đảm bảo được yêu cầu về thời lượng, lại được tận mắt chứng kiến, kiểm tra hiện vật nên Giờ học lịch sử nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều trường phổ thông đóng trên địa bàn Hà Nội.
Giờ học lịch sử với chủ đề “Hào khí Đông A – Tinh thần dân tộc” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sau các buổi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử, các em học sinh đều có chung cảm nhận: Lịch sử không còn là môn học khô cứng, chỉ là những niên đại, con số khô khan.
Sinh hoạt CLB Em yêu Lịch sử với chủ đề “Về với xứ Lạng”tổ chức tại Bảo tàng Lạng Sơn.
Hoạt động Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử còn tìm đến đối tượng khách tham quan là trẻ em đi theo gia đình. Từ một “nhóm gia đình” được thành lập năm 2013 với khoảng 10 em học sinh, đến nay đã có hàng trăm nhóm học sinh là khách tham quan thường xuyên của Bảo tàng.
Đến nay, mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và Giờ học lịch sử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: năm 2012 chỉ có 22 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử và Giờ học lịch sử với 1.282 học sinh nhưng năm 2015 số lượng buổi sinh hoạt đã tăng lên con số 190, lượng học sinh tham gia đạt mức 10.581 học sinh. Con số này tính đến sáu tháng đầu năm 2016 lần lượt là: 112 buổi, 4.520 học sinh.
Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn nhân rộng mô hình hoạt động tới các địa phương theo hình thức phối hợp, tư vấn… vừa tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Bảo tàng.
Trong tương lai, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Em yêu Lịch sử, hình thức Giờ học lịch sử theo một số định hướng sau:
- Nâng cao trình độ hướng dẫn viên, cán bộ Bảo tàng bằng hình thức tự trau dồi kiến thức, trực tiếp tham dự các lớp nghiệp vụ sư phạm, tâm lý học…
- Đa dạng hóa và mở rộng đối tượng tham gia.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống tài liệu, chương trình giáo dục trên cơ sở tài liệu, hiện vật của Bảo tàng.
- Mở rộng nội dung các buổi sinh hoạt theo hướng thoát ly giáo trình, hướng đến các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội; các sự kiện, nhân vật lịch sử.
- Tập trung khai thác thế mạnh của các bảo tàng địa phương để tạo sự đa dạng, phong phú cho chương trình.
- Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giới thiệu tới các trường học.
Ths.Nguyễn Thị Thu Hoan