Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/09/2016 01:33 2438
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Có thể nói, những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là điểm đến quen thuộc cho các nhóm trẻ em theo nhà trường và gia đình trên địa bàn Hà Nội đến tham quan, học tập và trải nghiệm lịch sử. Hàng năm, Bảo tàng tổ chức gần 200 buổi tham quan, học tập theo mô hình Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng.

Theo kế hoạch, sáng ngày 14/9/2016, nhóm gia đình gồm 15 học sinh đến từ các trường Tiểu học khác nhau trên địa bàn Hà Nội đã đến tại Bảo tàng tham gia chương trình Giờ học Lịch sử với chủ đề: “Tìm hiểu về 3 nền văn hóa cổ thời kỳ Dựng nước đầu tiên: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đồng Nai”.

Trong không gian Bảo tàng, học sinh không chỉ được tham quan hệ thống trưng bày với nội dung được tập trung giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần và các giá trị di sản của ba nền văn hóa nổi tiếng thời kỳ Dựng nước là Văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, Văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Có thể nói, hoạt động tham quan hệ thống trưng bày theo từng chuyên đề lịch sử dưới sự hướng dẫn của cán bộ thuyết minh Bảo tàng là một hoạt động hết sức quan trọng trong chương trình học tập trong Giờ học Lịch sử. Vì khi tham quan, các em được tận mắt nhìn thấy những hiện vật lịch sử của Bảo tàng và được cán bộ hướng dẫn cung cấp những thông tin quan trọng về nguồn gốc, xuất xứ và giá trị của hiện vật, chính điều đó đã gây được cảm xúc cho các em.

Đặc biệt hơn, trong buổi sinh hoạt này các em còn được tham gia hai hoạt động trải nghiệm đặc biệt tại Phòng Khám phá mới được khánh thành đi vào hoạt động từ tháng 8/2016 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trong những năm gần đây, để đa dạng hóa hoạt động giáo dục, hoạt động dành cho công chúng của Bảo tàng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng hơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành xây dựng Phòng Khám phá. Đây là một không gian sáng tạo mới, đầy thú vị, một sân chơi bổ ích mà ở đó các em được trải nghiệm lịch sử bằng các hoạt động thực tiễn theo hướng học mà chơi, chơi mà học với những nội dung gắn với nội dung trưng bày, gồm các không gian trọng tâm như: Trải nghiệm - Khám phá, Hồi sinh, Hóa thân, Trưng bày, Ước mơ. Ở không gian này, các em được tự mình trải nghiệm các hoạt động chơi mà từ trước tới nay chưa được tổ chức tại Bảo tàng, khám phá những kiến thức mới và học tập một cách tự nguyện.

Trong buổi học này, các em được tham gia hai hoạt động trải nghiệm đó là: vẽ/ in hoa văn trống đồng Đông Sơn và xâu hạt chuỗi.

Phần trưng bày Văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có rất nhiều sưu tập hiện vật giá trị như: sưu tập trống đồng, sưu tập công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức… Trong đó, trống đồng là hiện vật tiêu biểu cho đỉnh cao phát triển của văn hóa Đông Sơn. Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng rất phong phú và đa dạng đã phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của người Việt cổ. Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm: in hoa văn trống đồng Đông Sơn sẽ giúp các em nhận biết, hiểu hơn về các hoạt động sinh hoạt cũng như nghệ thuật trang trí trên trống đồng của cư dân Đông Sơn. Lần đầu tiên, các em học sinh được trực tiếp cầm chiếc bút chì, in, dập hoa văn mặt trống đồng thật đẹp, thật rõ nét và được mang những sản phẩm của mình về làm kỷ niệm. Hoạt động này không chỉ tạo sự hứng thú, đam mê của học sinh mà còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía phụ huynh học sinh. Rất nhiều phụ huynh đã trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm tại phòng khám phá của Bảo tàng như in hoa văn trống đồng Đông Sơn hay xâu hạt chuỗi trang sức.

Sau khi tham quan phần trưng bày văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai, các em đã được tận mắt chiêm ngưỡng những bộ sưu tập đồ trang sức phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu. Sau đó, các em được tham gia trải nghiệm Xâu hạt chuỗi tại Phòng Khám phá, các em được trực tiếp xâu cho mình những đồ trang sức như: vòng tay, vòng cổ với các loại hạt khác nhau như hạt mã não, hạt thủy tinh xanh, đỏ, hay đá lạt ma… Với đôi bàn tay khéo léo và sự thông minh, sáng tạo, các em được hóa thành những nghệ nhân làm đồ trang sức, làm ra những sản phẩm hết sức độc đáo. Với hoạt động sáng tạo này đã phần nào giúp các em học sinh biết thêm về loại hình trang sức cổ trong lịch sử, đồng thời rèn luyện cho các em khả năng tư duy, khéo léo và sáng tạo…

Buổi học kết thúc trước sự tiếc nuối của các em học sinh và phụ huynh. Các em mong muốn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hơn nữa tại Phòng Khám phá của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bởi thông qua những hoạt động trải nghiệm này, sẽ tạo cho các em một môi trường học tập mới, có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác nhau giúp các em lĩnh hội các kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc mình một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm không chỉ tạo hứng thú cho các em mà giúp các em có thêm những hiểu biết về lịch sử dân tộc, phát huy tính sáng tạo, chủ động, rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng sống. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cũng như giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực, nhân cách cho các em.

Một số hình ảnh trong chương trình Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia:

Học sinh tham quan tại gian trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.

Học sinh tham quan sưu tập đồ trang sức Văn hóa Đồng Nai

.

Các em học sinh háo hức tham gia hoạt động in hoa văn trống đồng Đông Sơn

.

Cô và Trò cùng tham gia hoạt động xâu hạt chuỗi.

Học sinh thỏa sức sáng tạo các sản phẩm đồ trang sức theo ý thích.

Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm với những sản phẩm sáng tạo của mình.

Lê Liên

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: