Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/04/2015 13:26 3045
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong ba ngày 28/3, 4/4 và 13/4/2015, tại BTLSQG đã diễn ra 3 buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử chủ đề “Các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về Thời kỳ dựng nước đầu tiên” với sự tham gia của gần 400 em học sinh khối 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy - Hà Nội.

Trong quá trình hình thành và phát triển nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, nhà nước đầu tiên đã để lại rất nhiều dấu ấn sâu đậm trong ký ức của nhân dân Việt Nam với bao huyền thoại và truyền thuyết lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ đời này sang đời khác: Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, sự tích Trầu Cau, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sự tích Mai An Tiêm (Quả dưa hấu)… Những sự tích này đã phần nào phản ánh đời sống sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán cũng như công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước từ buổi đầu dựng nước của người Việt cổ… Từ những ý nghĩa đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với trường THCS Nguyễn Tất Thành tổ chức buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” với chủ đề: Các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về Thời kỳ dựng nước đầu tiên”nhằm giúp các em hiểu thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử.

Trong hơn 1 tiếng tham quan hệ thống trưng bày tại cơ sở 1 Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các em học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về thời kỳ dựng nước đầu tiên, về những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết lưu truyền phản ánh về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ thời kỳ này.

Sau đó, các em tham gia các hoạt động trải nghiệm thông qua các trò chơi trí tuệ kết hợp với trò chơi thể chất tại không gian sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Hoạt động chơi thứ nhất mang tên “Thử tài của bạn” với mô hình giống chương trình truyền hình Rung chuông Vàng đã được các em học sinh khối 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành hưởng ứng hết sức nhiệt tình. Trong mỗi buổi sinh hoạt, Ban tổ chức chương trình đều cố gắng chọn ra những em học sinh xuất sắc nhất đã vượt qua các vòng thi: Vòng loại 1, Vòng loại 2, Vòng Loại trực tiếp và trao phần thưởng cho các em để khuyến khích các em thêm yêu, thích môn Lịch sử.

Hoạt động chơi thứ hai mang tên “Trợ giúp Mai An Tiêm” là một hoạt động mới đã được các cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng và thực hiện.

Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ 18 có một chàng trai tên là Mai An Tiêm, tính tình hiền lành, chăm chỉ làm ăn, nhanh nhẹn, tháo vát, nên được nhà vua yêu mến, trở nên phú quý. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang. Trên đảo hoang ông đã tìm ra một loại quả có ruột đỏ, vỏ xanh, cùi trắng ăn vào thì vô cùng ngọt, mát, sau đó ông đã khác tên mình lên quả dưa rồi thả xuống biển, để nhờ sóng biển đưa vào đất liền. Chẳng bao lâu, giống dưa quý từ đảo hoang được truyền vào cung, vua Hùng nhìn quả dưa và biết đó là dưa do vợ chồng Mai An Tiêm trồng, cảm phục trước tấm lòng của Mai An Tiêm, vua Hùng đã cho gọi vợ chồng Mai An Tiêm về cung đoàn tụ. Từ đó, dân gian truyền nhau trồng giống dưa quý đó, gọi là “dưa hấu” cho tới tận ngày nay.

Qua truyền thuyết này, cho chúng ta thấy sự thật lịch sử là từ thời kỳ dựng nước cư dân ta đã khai hoang, chiếm lĩnh những vùng biển đảo để mở rộng bờ cõi, phát triển trồng trọt. Như vậy, Mai An Tiêm là hình tượng của những người đầu tiên đi khai hoang mở ra những vùng đất mới, công lao của ông thật to lớn. Bởi vậy, đến nay ở vùng Nga Sơn Thanh Hóa, hàng năm nhân dân ta vẫn có những lễ hội để tưởng nhớ công lao của Mai An Tiêm.

Trong ba buổi sinh hoạt Giờ học Lịch sử tại BTLSQG, các em học sinh trường Nguyễn Tất Thành đã được đóng vai là những thủy thủ, giúp Mai An Tiêm vận chuyển những quả dưa hấu về đất liền. Hoạt động chơi tưởng chừng như dễ dàng, nhưng các em học sinh phải hết sức khéo léo dùng xe lắc đưa những quả dưa về bờ. Sau khoảng 15 phút, hoạt động chơi kết thúc trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cổ động viên, Ban tổ chức cũng đã tìm ra đội thắng cuộc và trao phần thưởng cho các đội chơi.

Những món quà cũng hết sức thiết thực và ý nghĩa như: Những chiếc cốc, chiếc bút có in dòng chữ lưu niệm của chương trình và đặc biệt là những cuốn sách như: “Những câu chuyện truyền thuyết thời Hùng Vương”, “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”... đã được các em nâng niu, trân trọng và chuyền tay nhau đọc như muốn chia sẻ với nhau về những kiến thức lịch sử quý báu mà các em đã học được từ nhà trường và bảo tàng.

Mỗi buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử tại Bảo tàng đã trở thành buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Lịch sử hết sức bổ ích và lý thú, giúp các em có được một không gian học tập sinh động sau khi trải qua những buổi học lý thuyết trên ghế nhà trường. Các em học sinh trường Nguyễn Tất Thành bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều chương trình hơn nữa với những nội dung phong phú hơn trong những học kỳ tiếp theo.

Một số hình ảnh về chương trình:

Học sinh tham quan gian trưng bày Chuyên đề Văn hóa Đông Sơn.

Học sinh tham gia hoạt động Thử tài của bạn.

Học sinh xuất sắc vượt qua ba vòng thi trong hoạt động Thử tài của bạn nhận quà lưu niệm chương trình.

Học sinh tham gia hoạt động “Trợ giúp Mai An Tiêm”.

Học sinh nhận quà lưu niệm chương trình.

Tin, ảnh: Lê Liên

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

  • 16/03/2015 14:48
  • 3224

Từ ngày 7/3/2015 đến ngày 15/3/2015, Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức 3 buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử với các chủ đề: “Việt Nam thời kỳ tiền sử”; “Việt Nam thời kỳ dựng nước đầu tiên” và “Lịch sử Việt Nam thời kỳ triều Lý”. Với sự tham gia của 110 em học sinh đến từ các nhóm gia đình trên địa bàn Hà Nội.