Sáng thứ Bảy, ngày 4/10/2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” chủ đề: “Em yêu Hà Nội” với sự tham gia của hơn 100 em học sinh khối lớp 6 Trường THCS Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là kinh đô của các triều đại phong kiến Lý, Trần... Trong thế kỉ XX, Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình; Ngày 19/12/1946, Hà Nội đã mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp qua 60 ngày đêm khói lửa. Sau đó, hơn tám năm bị tạm chiếm, Hà Nội trở thành một căn cứ hoạt động cách mạng của ta ở trong lòng địch; Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), hiệp định Giơnevơ được kí kết đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp; Ngày 10/10/1954, bộ đội ta tiến về tiếp quản Thủ đô, Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, bước vào thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội.
Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), nhằm giúp các em học sinh – những người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiểu sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử này cũng như truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Thủ đô từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến cho đến ngày bộ đội về Giải phóng Thủ đô (19/12/1946- 10/10/1954), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Phòng Giáo dục, Công chúng) phối hợp với Trường THCS Đoàn Kết (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), tổ chức buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Em yêu Hà Nội”. Qua đó, chương trình góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu của thế hệ trẻ đối với Thủ đô anh hùng.
Các em học sinh tại buổi sinh hoạt với chủ đề “Em yêu Hà Nội”.
8h00 sáng, hơn 100 em học sinh đến từ Trường THCS Đoàn Kết đã có mặt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tham gia buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử”. Sau 90 phút tham quan hệ thống trưng bày, tìm hiểu về lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta (1946-1954) mà trọng tâm là những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến và ngày bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô, các em học sinh đã thu nhận được nhiều kiến thức về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung, của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến nói riêng. Sau đó, các em trở về phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử ” để tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: “Theo dòng lịch sử”, “Lật mảnh ghép tìm di sản”, “Ai nhanh hơn” .
Trước khi bước vào buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử”, các em học sinh trường THCS Đoàn Kết đã thể hiện những tiết mục văn nghệ vô cùng hấp dẫn. Hoạt động chơi đầu tiên mang tên “Theo dòng lịch sử” với sự tham gia của tất cả các em học sinh. Các câu hỏi gắn với nội dung các em đã được học, kết hợp với những câu chuyện kể của các hướng dẫn viên khi tham quan trên hệ thống trưng bày, cả khán phòng như nóng lên trước sự reo hò và rất nhiều cách tay giơ lên khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi. Học sinh đã nhanh chóng trả lời 10 câu hỏi và nhận được những phần quà của chương trình. Hoạt động chơi này đã giúp các em hiểu thêm một số kiến thức: tên gọi Hà Nội có từ khi nào, Hà Nội được chọn là Thủ đô từ bao giờ, ngày 10/10/1954, bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô qua những cửa ô nào...
Tập thể học sinh lớp 6D hát bài “Đoàn Kết mái trường mến yêu”.
Kết thúc hoạt động chơi thứ nhất, các em tiếp tục được tham gia hoạt động chơi thứ 2 mang tên “Lật mảnh ghép, tìm sự kiện”. Tham gia hoạt động chơi gồm 2 đội được mang tên là Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền, mỗi đội gồm 3 bạn. Trước khi tiến hành lật các mảnh ghép và trả lời các câu hỏi thì hai đội được tham gia một hoạt động thể chất rất sôi động, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo mang tên “Hà Nội – ngày Giải phóng”. Các em học sinh đã hóa thân thành những chú bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô, đi ô tô (tượng trưng bằng chiếc xe lắc), đi qua cửa ô (tượng trưng bằng vòng chuông) lên lấy lá cờ, mỗi lá cờ đã được đánh số, mỗi số tương ứng một câu hỏi của chương trình. Sau khi lấy được hết số lá cờ, hai đội lần lượt trả lời các câu hỏi từ 1 đến 6. Sau những giây phút vui nhộn, những tiếng hò reo của khán giả thì hai đội chơi đã hoàn thành phần chơi của mình. Mặc dù hai đội cùng giành được số lá cờ bằng nhau (3-3), nhưng đội Ô Cầu Giấy đã trả lời chính xác nhiều câu hỏi hơn, có số điểm cao hơn đội Ô Cầu Dền và là đội thắng cuộc. Rất tiếc, trong hoạt động chơi này, hai đội chưa đọc ra được sự kiện trong bức ảnh ẩn dưới 6 mảnh ghép, và một bạn cổ động viên đã đọc đúng sự kiện trong bức ảnh đó: Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn 308 trên đường về tiếp quản Thủ đô tại Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954.
Hai đội tham gia hoạt động thể chất “Hà Nội ngày giải phóng”.
Và tham gia trả lời câu hỏi trong hoạt động “Lật mảnh ghép, tìm sự kiện”.
Hoạt động 3 mang tên “Ai nhanh hơn”, đây là hoạt động có sự kết hợp giữa hoạt động thể chất và trí tuệ, nhằm giúp các em phát huy được sự khéo léo, thông minh, nhanh nhẹn của mình. Hai đội có nhiệm vụ vượt qua các chướng ngại vật (vòng chuông) đến đích để gắn tên gọi của Thủ đô Hà Nội qua các thời kì lịch sử. Thời gian cho hoạt động chơi là 10 phút nhưng với sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, chưa hết thời gian mà cả hai đội đã nhanh chóng hoàn thành phần chơi này. Và cuối cùng đội số 2 đã gắn đáp án nhanh, chính xác hơn, trở thành đội thắng cuộc.
Học sinh tham gia hoạt động “Ai nhanh hơn”.
11h30 phút, trong tiếng reo hò, sự hân hoan xen lẫn cảm giác tiếc nuối của các em học sinh, “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Em yêu Hà Nội” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của cô và trò Trường THCS Đoàn Kết đã kết thúc với lời hẹn gặp lại ở những “Giờ học lịch sử” bổ ích và lý thú tại Bảo tàng trong thời gian tới.
Nguyễn Phương(Phòng GDCC)