Hòa trong không khí ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) , trong hai ngày 4 và 5/3/2014 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra các buổi “Giờ học lịch sử” với sự tham gia của 400 em học sinh đến từ khối 4 và khối 5 trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Phụ nữ Việt Nam là một lực lượng căn bản, nguồn nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển toàn diện xã hội Việt Nam. Qua hàng nghìn năm xây dựng vì sự toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh chống thiên tai, duy trì nòi giống, phụ nữ Việt Nam luôn cố gắng để tạo nên những đức tính quý báu mang đậm bản sắc truyền thống.
Trong chặng đường bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với lịch sử của dân tộc như: Mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng; Bà mẹ Gióng kiên trì nuôi đứa con “Chậm lớn, chậm đi” và giúp con lên đường đánh giặc; Nàng Quế Hoa, cô gái dùng đá làm vũ khí, tung hoành giữa đám giặc Ân; Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận đến những phụ nữ tài giỏi, dũng cảm khác dưới triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn như Hoàng hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Đô đốc Bùi Thị Xuân...
Với những ý nghĩa đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phối hợp với trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam” nhằm giúp các em hiểu thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc.
Tham gia chương trình, trước tiên các em được tham quan hai hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để hiểu về những tấm gương phụ nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc, sau đó tiếp tục tham gia các hoạt động chơi tại không gian phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.
Hoạt động chơi thứ nhất của các em mang tênPhụ nữ Việt Nam với truyền thống đánh giặc giữ nước. Hình thức chơi của hoạt động này là gồm 2 đội, mỗi đội 5 bạn. Nhiệm vụ của đội chơi là sẽ cùng nhau giữ quả bóng bằng trán rồi di chuyển (nhảy qua vòng lửa) để lấy một quả bóng (trên quả bóng đã có số thứ tự cho trước từ 1 đến 8). Sau khi lấy được quả bóng cặp chơi sẽ phải di chuyển về điểm xuất phát và nhanh chóng để cặp khác trong đội mình tiếp tục lên lấy bóng. Sau khi lấy được hết số bóng các đội chơi lần lượt trả lời câu hỏi tương ứng với số thứ tự trên các quả bóng mà đội mình đã lấy được, nếu đội chơi không trả lời được câu hỏi thì quyền trả lời sẽ thuộc về đội bạn, nếu đội bạn không trả lời được thì sẽ dành cho khán giả. Đội nào trả lời được nhiều câu hỏi hơn sẽ là đội thắng cuộc. Khán phòng như nóng lên với sự cổ vũ náo nhiệt của các bạn cổ động viên hai đội.
Một số hình ảnh hoạt động:




Kết thúc hoạt động một, các em tiếp tục tham gia hoạt động hai, mang tên Theo dòng lịch sử. Các em hoc sinh đã xung phong tham gia vào 2 đội chơi, mỗi đội có 5 em, nhiệm vụ của mỗi đội là cử ra một bạn đi bằng xe lắc, vượt chướng ngại vật (những khóm lau) để lên hái lộc (bao lì xì), trong mỗi bao lì xì là một câu hỏi, sau khi lấy được bao lì xì các em sẽ nhanh chóng quay trở về điểm xuất phát để nhường quyền chơi cho bạn khác, đội nào lấy được nhiều bao lì xì và trả lời được nhiều câu hỏi (mỗi câu hỏi trả lời đúng sẽ được 10 điểm) sẽ là đội thắng cuộc. Hoạt động này đòi hỏi các em phải có sự phối hợp nhịp nhàng và hết sức khéo léo để lấy về cho đội mình thật nhiều bao lì xì, sau đó cùng nhau hội ý để trả lời tốt các câu hỏi của chương trình.
Tham gia buổi sinh hoạt “Giờ học Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các em học sinh đã mang đến cho chương trình những tiết mục văn nghệ rất hấp dẫn.
Không gian khán phòng dường như quá chật cho sự sôi động của các hoạt động chơi, chính vì vậy, Ban tổ chức chương trình đã quyết định cho các em di chuyển xuống sân Bảo tàng để tham gia hoạt động chơi thứ ba, đó là kéo co.
Kéo co là một môn thể thao và là một trò chơi rất thông dụng, đơn giản và hấp dẫn. Đây không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho người chơi. Chính vì vậy, các em học sinh rất háo hức và nhiệt tình khi được tham gia hoạt động thể chất sôi động này.
Qua buổi học lịch sử với chủ đề Phụ nữ Việt Nam, các em học sinh đã phần nào hiểu rõ về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc cũng như những tấm gương phụ nữ Việt Nam tiêu biểu gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Kết thúc buổi sinh hoạt, các em học sinh và các giáo viên Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm đều nhận được những phần quà lưu niệm từ chương trình. Hy vọng rằng, sau những buổi sinh hoạt tại bảo tàng như thế này, các em sẽ thêm yêu, hứng thú và trân trọng với môn Lịch sử bổ ích này.
Lê Liên (Phòng Giáo dục Công Chúng)