Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/09/2012 22:39 3861
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của biển Đông. Việt Nam có bờ biển dài, vùng biển rộng với hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ xa bờ, gần bờ chạy suốt từ vịnh Bắc Bộ tới vịnh Thái Lan và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Từ lâu đời, Biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, là ngã tư tuyến đường huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Cô Giang đang phổ biến luật chơi Theo dòng lịch sử, 28.8.2012

Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biển đảo và chủ quyền biển đảo luôn là nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước ta. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam” nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9. Tiếp tục phát huy giá trị phòng trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Phòng Giáo dục, Công chúng) đã phối hợp với hai Trường THPT Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm) và THPT Nguyễn Tất Thành (Quận Cầu Giấy), tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Biển đảo Việt Nam” nhằm bổ sung kiến thức lịch sử, kiến thức biển đảo Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước và giúp các em khi trưởng thành có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Nội dung buổi sinh hoạt gồm 2 phần: Phần thứ nhất: Tham quan Phòng chuyên đề “Di sản Văn hóa Biển Việt Nam”. Phần thứ hai: tổ chức cho các em tham gia 3 hoạt động chơi

Hoạt động thứ nhất: Theo dòng lịch sử.

Hoạt động này gồm 10 câu hỏi, được thực hiện và tổ chức chơi theo đội. Mỗi đội lần lượt được mở 1 câu hỏi, đáp án được các đội trả lời bằng cách viết ra bảng. Với hình thức chơi này, trong thời gian 30 phút, các em được trở lại tìm hiểu về lịch sử khai phá, làm chủ vùng biển và hải đảo của các cư dân Việt Nam qua các thời kỳ, từ tiền sử với câu hỏi về công cụ mài (dấu Hạ Long) trong văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng 4000 năm, cho tới các Văn kiện pháp lý của Liên hợp quốc về các vấn đề biển đảo và đại dương được ký kết năm 1982 (Công ước luật biển)

Hoạt động thứ hai : Lật mảnh ghép, tìm di sản.

Hải đội Hoàng Sa (Trường THPT Việt Đức) đang cố vận chuyển những chai nước ngọt ra đảo được nhanh và nhiều nhất..

Trước khi vào chơi chính thức, các em được khởi động bằng một hoạt động chơi thể chất, đó là “Vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đảo”. Trò chơi gồm Hải đội Hoàng Sa (Trường THPT Việt Đức) và Hải đội Bắc Hải (Trường THPT Nguyễn Tất Thành). Đây là tên của hai hải đội được thành lập dưới thời các Chúa Nguyễn. Vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, với chủ trương trọng thương, Đàng trong đã trở thành một thể chế biển triệt để, phát huy truyền thống khai thác biển và tên hai hải đội đã được thành lập, trở thành tổ chức của nhà nước dưới thời Chúa Nguyễn lúc bấy giờ. Nhiệm vụ của họ là thường xuyên ra đảo để khai thác sản vật mang vào đất liền.

Tiếp theo là hoạt động chơi “Lật mảnh ghép tìm di sản” với nhiều câu hỏi thú vị, mang tính quan sát, khám phá. Chẳng hạn mảnh ghép thứ 2 “Ngày 25/7/2012, Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Đây là tấm bản đồ quí, mang tính chính thống, do đích thân các hoàng đế nhà Thanh cử giáo sỹ phương Tây thực hiện một cách công phu trong suốt thời gian gần hai thế kỷ (từ 1708-1904). Tấm bản đồ gồm 35 miếng ghép dán trên nền vải bố. Theo tấm bản đồ, điểm cực Nam cuối cùng của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài việc tham quan, xem tấm bản đồ, học sinh còn được nghe thuyết minh viên giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của tấm bản đồ này về việc khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh địa Việt Nam”. Hoặc mảnh ghép thứ 10 cũng là mảnh ghép đáp án của hoạt động này: Tấm bản đồ “Đại Nam Nhất thống toàn đồ”. Đây là bản đồ được ấn hành vào năm Minh Mạng 19 (1838), các địa danh của bản đồ này được ghi bằng chữ Hán. Trên bản đồ có ghi Cát Vàng (Hoàng Sa) và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam vẫn sử dụng tấm bản đồ này như một trong những căn cứ pháp lý minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Cô Kim Thành giới thiệu khái quát chủ đề buổi sinh hoạt CLB

Buổi sinh hoạt đã được Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV4) quan tâm ghi hình, phỏng vấn lãnh đạo Phòng Giáo dục, Công chúng, người làm nội dung chương trình, cô giáo và các em học sinh của hai trường và đưa tin về buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, chủ đề “Biển đảo Việt Nam”.

Buổi sinh hoạt đã diễn ra sôi nổi, vui vẻ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi học sinh tham gia, cùng cô giáo và những người làm chương trình.

Cô giáo Lê Thị Thu (Trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ “Chủ đề buổi sinh hoạt rất hay, nội dung bổ ích, giúp các em nắm được vị trí, vai trò quan trọng của biển đảo Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, giao thông, văn hóa - du lịch. Từ đó, các em trân trọng tài nguyên quốc gia, trong đó biển đảo là tài nguyên quan trọng, còn giáo viên thì vui mừng vì qua những hoạt động như thế này chắc chắn các em sẽ thêm yêu môn lịch sử hơn”

Học sinh Trần Vân Khanh, lớp 11D1, Trường THPT Việt Đức đã nói về buổi sinh hoạt bổ ích đó “Đến với buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em rất thích vì nó đem lại cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích, lý thú, các câu hỏi, lời giải thích đã giúp chúng em mở mang thêm tầm hiểu biết khi được tận mắt chứng kiến những báu vật quốc gia và nghe cô hướng dẫn giải thích nguồn gốc của hiện vật. Em và các bạn đều cảm thấy môn lịch sử vô cùng hấp dẫn, cung cấp cho chúng em thêm nhiều thông tin quí báu”.

Những người làm chương trình chụp ảnh kỷ niệm với cô và trò Trường PHPT Việt Đức, ngày 28.8.2012

Em Nguyễn Hoàng Trung, học sinh lớp 11D1, Trường THPT Nguyễn Tất Thànhphát biểu“Trên lớp chúng em chỉ được học lý thuyết, đôi lúc bị nhàm chán, dẫn đến không hứng thú với môn lịch sử. Đến Bảo tàng được học, được giao lưu, thi đấu với nhiều hoạt động bổ ích, em rất hứng thú. Qua buổi học này, giúp chúng em tích lũy thêm kiến thức, hiểu và quan tâm hơn về vấn đề thời sự biển đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng đang thường xuyên đưa tin và mong muốn góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ và làm cho đất nước Việt Nam một điều gì đó”

Hoạt động thứ ba: Phần thi hùng biện

Với tài hùng biện của em Phạm Linh Trang, lớp 11D1, Trường THPT Việt Đức, nội dung “Biển đảo trong trái tim em” và em Vũ Việt Hà, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Nguyễn Tất Thành với nội dung “Biển trời Tổ quốc Việt Nam”, các bài thuyết trình đã thể hiện được trách nhiệm, nguyện vọng, cũng như ước mơ của thế hệ trẻ hôm nay đối với việc giữ gìn, bảo vệ biên cương hải đảo Tổ quốc Việt Nam.

Những người làm nội dung buổi sinh hoạt, chụp ảnh kỷ niệm với cô và trò Trường THPT Nguyễn Tất Thành, 28.8.2012

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Biển đảo Việt Nam” đã thành công tốt đẹp. Các cô giáo và học sinh của hai trường đều có chung cảm nhận, đây là buổi sinh hoạt có chủ đề hay, phù hợp với bối cảnh hiện nay và mong muốn tiếp tục được tới tham gia sinh hoạt với nhiều chủ đề khác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nguyễn Kim Thành

Phòng Giáo dục, Công chúng

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: