Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/08/2012 16:45 3713
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chủ đề: Thành nhà Hồ - Nơi kết nối các giá trị văn hóa Việt

Di tích Thành nhà Hồ, một trong những kiến trúc thành đá kỳ vĩ “độc nhất vô nhị” không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở khu vực Đông Nam Á, đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đợt đầu tiên vào năm 1962, và ngày 27/6/2012 được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Với những ý nghĩa đó, chiều ngày 23/7/2012, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử, chủ đề “Thành nhà Hồ - Nơi kết nối các trá trị văn hóa Việt”.

Ban Giám đốc Trung tâm Di sản Thành nhà Hồ, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các thầy cô giáo và các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Thành nhà Hồ, ngày 23/7/2012

Buổi sinh hoạt diễn hai gồm hai phần: học sinh được đi tham quan bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc và hồ Dục Thúy (nơi ngắm cảnh của vua, hoàng hậu và các phi tần), sau đó trở về phòng trưng bày. Tại đây các em được nghe giới thiệu về Thành nhà Hồ. Theo như sách Đại Việt Sử Ký toàn thư, ngôi thành này được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, trong vòng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397), đến năm 1400 khi Hồ Quý Ly lập nên một triều đại mới, nơi đây chính thức trở thành kinh đô của nước Đại Ngu từ năm 1400-1407. Lý do để Hồ Quý Ly quyết định chọn Thanh Hóa làm vùng đất đứng chân của kinh đô mới: Thứ nhất, ông muốn hạn chế ảnh hưởng vốn còn sâu sắc của quý tộc Trần (một triều đại từng 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông); Thứ hai, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với đất đai rộng lớn, thiên nhiên hiểm yếu; Thứ ba, ông cho rằng việc xây kinh đô mới tại đây sẽ chống sự xâm lược từ Phương Bắc với tư tưởng chiến lược thủ hiểm. Sau đó, các em học sinh Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hóa) còn được tham gia các hoạt động “học mà chơi” với không khí hồ hởi, phấn khích và đầy khám phá.

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Thành nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa), chiều ngày 23/7/2012

Từ chỗ lúc đầu các em còn rất nhút nhát khi nghe phổ biến các hình thức chơi, luật chơi, cách chơi, chưa bạn nào dám xung phong (ở hoạt động chơi thứ nhất “Đoán ý đồng đội”), đến hoạt động hai “Nhận diện lịch sử”, không khí đã sôi động hơn và đến hoạt động ba “Trò chơi ô chữ”, gần như tất cả đều muốn được tham gia. Các câu hỏi của chương trình được các đội trao đổi, thảo luận, đưa ra đáp án sao cho đúng với đáp án của chương trình và MC luôn giữ vai trò quan trọng, đó là giải thích ý nghĩa từng hiện vật, từng đáp án của trò chơi như: Đàn Nam Giao (xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên núi Đốn Sơn với ý nghĩa tế trời, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và vương triều trường tồn, thịnh trị), Thống (bằng đất nung) (chứa nước cho Vua rửa tay trước khi lên làm lễ tế tại chính đàn), Giáo dục (1 trong 4 nơi mở khoa thi Đình và phát hiện có Đàn Nam Giao của vương triều phong kiến), Kinh tế (bắt đầu phát hành tiền giấy, bỏ hẳn việc dùng tiền đồng)…. Điều này đã giúp các em hiểu sâu sắc hơn về giá trị kinh tế, quân sự của một di tích lịch sử ngay tại quê hương mình.

Các đội tham gia trò chơi nhận quà của Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” ngày 23/7/2012

Kết thúc buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tất cả cô và trò của trường THPT Lưu Đình Chất, (Hoằng Hóa, Thanh Hoá) đều có chung cảm nhận, đây là buổi học ngoại khóa bổ ích, tiếp thu kiến thức lịch sử một cách dễ dàng, lý thú. Hình thức học này khác với cách học sử toàn con số, mốc thời gian, sự kiện, nhân vật khó nhớ trên lớp. Sân chơi đã mang lại cho thầy cô và trò một bầu không khí mới, một cách cảm nhận mới về môn lịch sử. Học sinh được hòa mình vào các hoạt động chơi, các sự kiện và con số trở lên dễ nhớ, môn Sử thực sự không phải là khó mà còn rất lý thú.

Các em học sinh Trường THPT Lưu Đình Chất nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Di sản Thành nhà Hồ, ngày 23/7/2012

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã nhận được sự ủng hộ của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc, huyện Hoằng Hóa và Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo Trường THPT Lưu Đình Chất cùng đại diện một số trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh … Với những vốn kiến thức tìm hiểu về Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, hy vọng trong tương lai không xa với tình yêu di sản, yêu quê hương, đất nước, mỗi học sinh tham gia buổi sinh hoạt Câu lạc bộ sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thành nhà Hồ- di sản văn hóa quan trọng và quý giá tới đông đảo học sinh, sinh viên, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Nguyễn Kim Thành

Phòng Giáo dục, Công chúng


baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giờ học Sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của Học sinh Trung tâm Trí Đức (Hà Nội)

Giờ học Sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia của Học sinh Trung tâm Trí Đức (Hà Nội)

  • 28/07/2012 17:19
  • 3415

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức Giờ học Lịch sử tại Bảo tàng cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội (tháng 4/2012),