Tác giả: TS. Hoàng Chí Hiếu; Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Khổ sách: 14.5 cm x 20 cm; Số trang: 255 trang; Năm: 2014.
Hơn 60 năm trước sự can thiệp của Mỹ với tham vọng ngăn chặn làn sóng Cách mạng lan xuống Đông Nam châu Á đã biến dòng Hiền Lương thực sự trở thành đường chia cắt đất nước.Đôi bờ giới tuyến đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam thời kì 1954 – 1975.
Sông Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 từ chỗ là “chặng dừng” của cuộc trường chinh vĩ đại gần một thế kỉ bền bỉ đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành một tiêu điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế khi Việt Nam là nơi tiêu biểu cho sự đối đầu Đông - Tây trong cuộc Chiến tranh lạnh.
Trong 21 năm đầy đau thương và anh dũng ấy, ở đôi bờ Hiền Lương đã diễn ra cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, với những hình thức đấu tranh đặc thù “có một không hai” như “đấu loa”, “đấu cờ”, sơn cầu, công tác tranh thủ... Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung và bè bạn quốc tế đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới ở bờ Nam. Kết quả là đến năm 1967, với việc khu phi quân sự Nam được giải phóng, đường giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước được xóa bỏ. Quá trình thống nhất đất nước về lãnh thổ bước đầu được thực hiện tại Vĩ tuyến 17
Cuốn sách "Đôi bờ giới tuyến" ra đời nhằm tái hiện phần nào một số diễn biến nổi bật mang tính lịch sử tại đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17.
Tác phẩm gồm 2 nội dung chính:
Phần 1. Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Geneve 1954.
Phần 2. Đấu tranh Cách mạng ở khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954-1967)
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)