Tác giả: Nguyễn Đình Tư; Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Khổ sách: 16 cm x 24 cm; Số lượng: 1144 trang; Năm: 2016.
2 tập sách với hơn 1.000 trang in là sản phẩm chắt lọc từ những tư liệu mà tác giả đã kỳ công làm việc trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã làm rõ bản chất của chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ xuyên suốt từ lúc nổ tiếng súng xâm lăng đầu tiên đánh thành Gia Định (1859) cho đến năm 1954. Từng lĩnh vực đều được ông đề cập như bộ máy hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế…
“Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)” với nguồn tư liệu gốc phong phú, dồi dào sẽ giúp ích rất nhiều cho thế hệ sau khi bắt tay vào nghiên cứu vùng đất phương Nam. Tác phẩm gồm 2 tập:
Tập 1 (560 trang), gồm có 2 phần, phần thứ nhất: Thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Tác giả đã khái quát công cuộc chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Phần thứ hai: Bộ máy cai trị các cấp của thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ.
Tập 2 (584 trang), gồm 11 chương là Công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ đã trình bày rất chi tiết về các lĩnh vực quan trọng như: Khai thác nông nghiệp, khai thác giao thông vận tải, khai thác công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, hoạt động Tài chính, thương mại, giáo dục…
Cuốn sách hiện đang lưu giữ tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)