Các nhà khảo cổ đã khai quật 2 khúc gỗ liễu thân lớn được đục đẽo, định hình và nối lại với nhau - là những mẫu vật lâu đời nhất cho thấy loài người cổ xưa đã biết dựng các kiến trúc bằng gỗ.
Khúc gỗ được phát hiện tại Thác Kalambo. (Nguồn: Reuters)
Dọc sông Kalambo ở Zambia, gần Thác Kalambo cao thứ 2 tại châu Phi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích một công trình bằng gỗ có thể đã tồn tại từ cách đây gần 500.000 năm. Các nhà khảo cổ đã khai quật 2 khúc gỗ liễu thân lớn được đục đẽo, định hình và nối lại với nhau. Đây là những mẫu vật lâu đời nhất cho thấy loài người cổ xưa đã biết dựng các kiến trúc bằng gỗ, một cột mốc quan trọng về kỹ năng cho thấy tổ tiên của loài người có thể khéo léo hơn chúng ta tưởng.
Các nhà khảo cổ tin rằng những khúc gỗ trên được đục đẽo bằng dụng cụ làm từ đá để làm khung của một kiến trúc gỗ. Kết luận này ngược với những ý niệm lâu nay rằng loài người cổ xưa chỉ biết săn bắt và hái lượm.
Theo nhà khảo cổ học Larry Barham từ Đại học Liverpool ở England, tác giả chính của nghiên cứu, đây có thể là một phần của lối đi hoặc một kiến trúc được dựng lên bên trên một vùng đất sình lầy, có thể là nơi chất củi, để dụng cụ, thực phẩm hay phần nền của một túp lều. Việc thao tác trên gỗ không những cần có kỹ năng mà còn cần công cụ và kế hoạch phù hợp, cho thấy người thực hiện công việc này đã ở tại vị trí đó trong một thời gian dài, khác với suy nghĩ lâu nay của chúng ta về mô hình loài người thời kỳ đồ đá thường là người du mục. Do khó có thể thu thập được cổ vật bằng gỗ từ thời xa xưa vì gỗ dễ bị hư hỏng theo thời gian nên các nhà khoa học vẫn chưa có nhiều hiểu biết về cách thức mà loài người cổ xưa sử dụng vật liệu này.
Theo đồng tác giả nghiên cứu, Geoff Duller, từ Đại học Aberystwyth ở xứ Wales, tại hầu hết các địa điểm khai quật có cùng niên đại, các nhà khoa học thường chỉ tìm thấy các công cụ bằng đá. Do đó, điểm khai quật ở gần Thác Kalambo cung cấp bằng chứng độc đáo về các đồ vật bằng gỗ mà loài người cổ xưa đã sử dụng các công cụ bằng đá để tạo ra, từ đó cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về cuộc sống của loài người khi đó. Hóa thạch lâu đời nhất liên quan người tinh khôn được tìm thấy cho đến nay có niên đại khoảng 300.000 năm. Những cổ vật bằng gỗ tại Thác Kalambo được xác định có niên đại 476.000 năm.
Các nhà khảo cổ không tìm thấy hóa thạch của người nhưng tác giả Barham tin rằng những cổ vật trên do "người Heidelberg" cùng nhánh với người tinh khôn, tồn tại từ 700.000 năm đến 200.000 năm trước, chế tác. Trong 2 khúc gỗ được phát hiện tại Thác Kalambo, khúc nằm phía trên dài khoảng 1,4m, có đầu nhọn. Khúc phía dưới mới khai quật được khoảng 1,5m. Trên hai khúc gỗ có các vết đục đẽo để khớp 2 khúc với nhau tạo thành một khung cấu trúc ổn định. Hai khúc gỗ được tìm thấy trong tình trạng chứa đầu nước, trầm tích đất sét xung quanh chính là môi trường không có ôxy giúp bảo quản những khúc gỗ tránh bị hư hại theo thời gian.
Hiện vật bằng gỗ được biết đến sớm nhất là một mảnh ván được phát hiện ở Israel, khoảng 780.000 năm tuổi. Dụng cụ bằng gỗ để kiếm ăn và săn bắt được biết có từ khoảng 400.000 năm trước. Một công cụ bằng gỗ có niên đại tương đương những khúc gỗ nêu trên cũng đã được tìm thấy ở Thác Kalambo.
Địa điểm khai quật cách thượng nguồn Thác Kalambo 400m, được phát hiện từ năm 1953 nhưng đến nay niên đại của địa điểm này chưa được xác định cụ thể. Nghiên cứu mới đã sử dụng một phương pháp gọi là xác định niên đại phát quang, đo mức năng lượng mà một vật thể đã giữ lại kể từ khi bị chôn vùi.
Tác giả Barham nhấn mạnh "những phát hiện ở Thác Kalambo chỉ ra rằng những giống người này, giống như người tinh khôn, có khả năng thay đổi môi trường xung quanh, với các kỹ năng dựng các kiến trúc. Việc sử dụng gỗ theo cách này cho thấy khả năng nhận thức của những giống người cổ xưa lớn hơn những gì lâu nay các nhà khoa học nhận định dựa trên các công cụ bằng đá./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)