Bên trong ngôi nhà có sàn gạch nung dày từ 11-15cm, các nhà khảo cổ đã khai quật được một cặp bình mai táng chứa hài cốt trẻ sơ sinh và hai ngôi mộ đi kèm lễ vật thờ cúng dường và nhiều tời quay tay.
Bên trong ngôi nhà. (Nguồn: INAH)
Các nhà khoa học Mexico đã phát hiện một ngôi nhà cổ nối liền với hệ thống canh tác nhân tạo trên đảo nổi (được gọi là chimpanera) của thành cổ Tenochtitlan, trong quá trình giám sát khảo cổ dự án hiện đại hóa một trạm biến áp cao thế tại thủ đô Mexico City. Thông tin từ Viện Nhân chủng và Lịch sử quốc gia Mexico (INAH) cho biết công trình có diện tích hơn 400m2, trong khi hệ thống canh tác nhân tạo bao gồm nhiều con kênh kết nối với phần còn lại của đảo nổi, và một cầu cảng. Bằng chứng là các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều thanh xà gỗ dài xấp xỉ 40m.
Bên trong ngôi nhà có sàn gạch nung dày từ 11-15cm, các nhà khảo cổ đã khai quật được một cặp bình mai táng chứa hài cốt trẻ sơ sinh và hai ngôi mộ đi kèm lễ vật thờ cúng dường và nhiều tời quay tay.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy một bức tượng đá cao 60 cm thuộc thời Hậu cổ điển, được đặt quay về hướng Đông, khắc họa hình ảnh một người đàn ông đóng khố trong tư thế đang ném đồ vật. Do thiếu đi lớp sơn bóng, INAH cho rằng bức tượng này chưa được hoàn thiện và có lẽ đã được người cổ đại giấu đi trong cuộc chiếm đóng của Tây Ban Nha từ năm 1521.
INAH bổ sung thêm rằng vào thế kỉ 19, khu đất này là nơi tọa lạc các nhà tắm công cộng dành cho người giàu có, dựa vào bằng chứng là các nhà khoa học đã phát hiện sàn gạch nhà tắm có các cống lớn và hệ thống thoát nước được xây dựng tốt ở khu vực phía Đông Bắc của trạm biến áp. Trong khi đó, ở phía Nam có nhiều vật liệu đã tiếp xúc với nhiệt độ cao, có khả năng thuộc về các lò nung, và nhiều vật liệu xây dựng có xuất xứ bản địa và châu Âu.
Cơ quan trên khẳng định phát hiện này không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa Mexico mà còn phục vụ công tác nghiên cứu quá trình chuyển đổi kể từ cuộc xâm lăng của Tây Ban Nha. Được thành lập vào năm 1325, Tenochtitlan nằm trên một hòn đảo giữa hồ Texcoco, trong thung lũng Mexico và trở thành kinh đô của đế chế Aztec hùng mạnh một thời. Trong thời hoàng kim, đây là thành phố lớn nhất châu Mỹ thời Tiền Colombo. Sau khi bị người Tây Ban Nha chiếm đóng, gần như toàn bộ thành phố đã bị phá hủy. Hơn nửa thiên niên kỷ sau đó, phần còn lại của đô thị cổ này vẫn bị chôn vùi bên dưới thành phố Mexico City đến tận ngày nay./. Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)