Tháng 3 và đầu tháng 4/2024, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm lần 5 tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai đã phát hiện nhiều hiện vật mới giúp mang lại nhận thức mới về di chỉ kỹ nghệ Ngườm nổi tiếng này.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa tham quan hố khai quật Mái Đá Ngườm được mở rộng phạm vi sâu, rộng hơn so với khai quật lần thứ 4.
Mái Đá Ngườm được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phát hiện vào tháng 3/1980, xác định là nơi người tiền sử sinh sống khi phát hiện 200 hiện vật đá, gồm các công cụ cuội dạng hạch, mảnh tước có dấu gia công. Đợt khai quật đầu tiên vào năm 1981 xác định, đây là nơi chế tác công cụ-một di chỉ xưởng có ý nghĩa to lớn chẳng những đối với nghiên cứu tiền sử Việt Nam mà còn có tầm khu vực và thế giới. Đợt khai quật lần 1, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể thiết lập nên một nền văn hóa khảo cổ học là “Văn hóa Thần Sa”.
Đợt khai quật lần 2 vào năm 1982 thu được số lượng hiện vật lớn, cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu để hiểu sâu hơn về kỹ nghệ mảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi Đông Nam Á. Kết quả đợt khai quật lần 2, hội thảo khoa học về “Văn hóa Thần Sa” được tổ chức tại Thái Nguyên đã góp phần xác lập một kỹ nghệ riêng, đó là kỹ nghệ Ngườm. Năm 1982, di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm được xếp hạng di tích quốc gia.
Tại hội nghị báo cáo sơ bộ ngày 12/4, hầu hết các nhà khoa học, nhà nghiên cứu xúc động với kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm lần 5.
Năm 2017, Viện Khảo cổ học hợp tác với Khoa Nhân học, Đại học Washinton (Mỹ) tiến hành khai quật Mái Đá Ngườm lần 4. Kết quả khai quật đã góp phần bổ sung nhận thức rất mới về sự hiện diện của cư dân có khung niên đại hơn 41.500 năm đến 22.500 năm.
Đợt khai quật lần 5 từ tháng 3 đến đầu tháng 4/2024 phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt, lớp văn hóa 5 có màu cam, khô và bở rời; lớp văn hóa 6 có màu nâu vàng ẩm hơn nhưng cấu trúc bở rời chứa nhiều tảng đá vôi nhỏ.
Trong các lớp văn hóa 5 và 6 đều phát hiện các công cụ mảnh, hạch cuội nguyên liệu, công cụ hạch, mảnh tước, mảnh tách cùng di cốt động vật, hạt quả và một số lượng khiêm tốn các loài nhuyễn thể trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khai quật phát hiện xương động vật cháy. Đợt khai quật này mang lại những nhận thức mới, làm nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ có uy tín xúc động về những hiện vật thu được, xác định niên đại cư trú của con người có thể sớm hơn trước rất nhiều.
Nhiều hiện vật thu được khi khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm lần 5 mang lại những nhận thức mới.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết: Sau đợt khai quật được thực hiện rất chuyên nghiệp, bài bản, cẩn trọng lần này mang lại những nhận thức rất mới, rất quan trọng về di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng tổ chức hội thảo, hoàn thiện hồ sơ khai quật, báo cáo khoa học, trình cấp thẩm quyền công bố kết quả khai quật theo quy định.
“Với sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các cơ quan văn hóa trong tỉnh đối với di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu củng cố các hồ sơ liên quan, kiến nghị chính quyền địa phương, cấp có thẩm quyền tiếp tục khai quật di chỉ nổi tiếng này, đồng thời có giải pháp thiết thực hơn để bảo tồn lâu dài, nâng tầm, phát huy giá trị Mái Đá Ngườm”, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết thêm. THẾ BÌNH