Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/09/2023 10:39 907
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ ngày 23 - 25/8, một đoàn nghiên cứu khoa học gồm một số chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khảo cổ dân tộc học, bảo tàng, địa chất đã cùng cán bộ bảo tàng, văn hóa của tỉnh Hoà Bình và huyện Lạc Sơn tiến hành đợt khảo sát thực địa liên ngành tại bãi đá cổ Suối Cỏ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn.

Đoàn khảo sát lần này còn có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, thầy mo, già làng trưởng bản và cán bộ các ban ngành liên quan của địa phương.

Cho đến nay, đây là đợt công tác chính thức lần thứ tư của ngành văn hóa địa phương  phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành từ 2021. Kết quả của các đợt nghiên cứu trước đã được trình bày tại một hội nghị báo cáo kết quả diễn ra vào năm 2022, đã được báo Thể thao và Văn hóa đăng tải ngay sau hội nghị. Dưới đây chúng tôi xin cập nhật những kết quả phát hiện, nghiên cứu mới nhất.
Những dấu tích thiêng quanh bãi đá
Như đã thông tin trong bài báo Bất ngờ với bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Hòa Bình (TT&VH, 5/10/2022), vị trí hai hòn đá có hình khắc mặt người/thú nằm giữa lòng Suối Cỏ, một dòng suối bắt nguồn từ khe nứt phía Đông Nam chảy qua vùng rừng của các xã Quý Hòa, Mỹ Thành (Lạc Sơn), Kim Tiến, Cuối Hạ (Kim Bôi) thuộc sơn khối Cốt Ca (tiếng Mường là Cơl Ca - ám chỉ đỉnh nhọn giống hình chiếc phao câu gà), Kim Bôi, Hòa Bình. Khi xuống dòng nước đến độ cao khoảng 100m so với mặt biển, Suối Cỏ chảy theo trục bắc nam, mở rộng thành các hệ thung lũng hẹp.
 
Vượt rừng lội suối 1500m để vào nơi có đá di tích
Thung lũng Đống Đoong hay Nà Đoong, nơi xuất hiện hai hòn đá có hình khắc lạ, là một dạng thung lũng đầu nguồn của Suối Cỏ. Thung lũng Đống Đoong hiện đã được đồng bào Mường cải tạo thành hệ thống ruộng bậc thang trồng lúa, bên hữu ngạn dòng suối có độ dốc khoảng 40 - 45 độ, bên tả ngạn địa hình thoai thoải độ dốc khoảng 10 - 20 độ khiến cho các ruộng bậc thang phía tả ngạn bằng phẳng và rộng hơn, tạo thành một thung lũng có hình ovan lệch trái chạy dọc theo dòng suối theo hướng Bắc-Nam.
Ở góc Đông Bắc, phía trên bên phải của thung lũng hiện còn một kiến trúc tâm linh nhỏ được người dân địa phương quen gọi là Quán Đoóng (hay Đền Đoóng). Theo các già làng kể lại, một năm thường diễn ra ba kỳ cúng tế tại đây: Lễ khai hạ xuống đồng (mồng 7 tháng giêng âm lịch), lễ rửa lá lúa (tết sâu bọ, 5/5 âm lịch), Tết lúa mới (khi thu hoạch lúa mùa).
Để tìm hiểu dấu tích các lễ hội diễn ra thời xưa với hy vọng gắn kết với hai viên đá có hình khắc cổ, đoàn khảo sát liên ngành đã tập trung đào bới làm rõ 4 di tích đã phát hiện trước đây và vừa mới phát hiện theo chỉ dẫn của người dân.
Cách không xa khối đá có hình khắc kí hiệu A về phía bờ phải dòng suối, mấp mé bờ nước có một viên đá hoa cương (granit) dài khoảng 2m, rộng 60cm rất giống hình một con cá. Trên phía đầu và thân viên đá có chín lỗ tròn như hình các chén uống nước.
 
Các chuyên gia khảo cứu và thảo luận tại hai hòn A, B
Theo người dân địa phương đây chính là hòn đá Đoóng. Khi làm lễ thầy mo và những người hầu lễ dùng đầu các thanh gỗ đánh vào các hốc tròn như miệng chén đó tạo ra âm thanh nhịp nhàng theo lời khấn của thầy mo với nội dung cầu mong an lành cho con người và mùa màng tốt tươi.
Khi đào rộng ra xung quanh chúng tôi nhận ra rằng viên đá "Đoóng" này được đặt lên một khối đá khác có dấu hiệu tạo hình lòng máng, ôm lấy bụng viên đá Đoóng, giúp tiếng gõ vào lỗ đá vang xa hơn. Rõ ràng viên đá này là một bộ phận gắn liền với hai viên đá có hình khắc A, B đã được mô tả kĩ. Trong các báo cáo khoa học chúng tôi đặt tên đây là viên đá C.
Từ vị trí 3 viên đá A, B, C xuôi về hạ lưu khoảng 150m chúng tôi phát hiện một cụm kiến trúc đá thấp, nằm cách bờ suối khoảng 15m về phía tả ngạn. Kiến trúc đá này được tạọ ra bởi hai khối đá to như hình hai con trâu, nằm châu đầu phía phía thượng nguồn tạo ra hình chữ V mở rộng về phía hạ lưu Suối Cỏ. Ở vị trí tiếp giáp hai viên đá có một khe hở không biết tự bao giờ người xưa đã đặt lên đó một khối đá hoa cương hình gần chữ nhật dài 70cm, rộng 40cm, dày 20cm có hai mặt phẳng tạo thành một bàn thờ có thể dễ dàng đặt đồ cúng bái.
Ở giữa lòng hình chữ V, có năm viên đá hình thù khác nhau được đặt cân đối: Giữa là một viên đá rộng tròn khoảng 80cm, hai bên sát với hai viên đá to là hai viên đá mảnh lớn bong từ các khối đá ra. Khoảng hốc ở giữa hai viên đá mảnh và viên đá ở chính giữa là hai khối đá tròn nhỏ hơn. Các mẫu đất đá được thu thập bên dưới các hòn đá lăn thuộc kiến trúc này cho thấy đây không phải là một ngôi mộ như từng dự đoán mà là một cấu trúc đá lăn tự nhiên được dùng làm nơi thờ cúng, như một kiến trúc thờ cúng cự thạch.
 
Khai quật cấu trúc đá D: bàn thờ đá cổ (văn hóa cự thạch)
Theo chủ nhân của thửa ruộng nơi có cấu trúc đá này, các đời cha ông -  những người được dân làng trao cho trách nhiệm trông nom cúng bái ở khu vực này - đã dặn dò lại cho con cháu không bao giờ được làm xê dịch vị trí các viên đá ở đây. Sản phẩm thu hoạch từ ruộng này coi như một thứ hương hỏa thờ cúng thần linh ở khu Nà Đoóng này.
Ý kiến của các thầy mo trong vùng đồng nhất với ý kiến của các nhà khoa học cho rằng cấu kiện đá tâm linh này đã được người xưa dựa trên hình thể tự nhiên có sẵn và thiết lập một bàn thờ để cúng thần linh. Trong báo cáo khoa học cụm kiến trúc đá tâm linh này có kí hiệu là D.
 
Như đã nói, phía Đông Bắc của thung lũng hiện có một kiến trúc tâm linh mang tên "Quán Đoóng" thờ các vị thần linh cổ truyền của người Mường. Khu vực này có một khối đá giống hình người được cho là "Bụt" được dân làng thờ cúng rất linh thiêng. Trong lời cúng của thày Mo mà chúng tôi ghi lại được có câu cầu mong cho nước chảy, đá xô không làm hư hại hai viên đá có hình khắc mặt quỷ, thần linh. Điều đó chứng tỏ hai viên đá có hình khắc đã tồn tại từ lâu và được coi như hiện tượng tự nhiên gắn với thần linh, ma quỷ, tổ tiên lâu đời trước đó.
"Ở hòn B có bốn "mặt quỷ" trông giống dạng mặt khỉ, đều ngửa hướng lên trời, được coi như là thờ những mẹ đười ươi cái" - TS Nguyễn Việt.
Dấu vết người xưa
Phía bờ hữu ngạn của Suối Cỏ trong phạm vi có các di tích đá A, B, C, tại độ cao khoảng 30 - 50 m trên mặt suối có một khu mộ táng cổ. Dân trong vùng gọi là khu mả Đáo mả Ngô (tức của người tộc lạ).
Khảo sát sơ bộ đã phát hiện 9 mộ táng có đá đẽo hình chữ nhật dài khoảng 1m, rộng 25cm, dày 15cm dùng để đánh dấu mộ. Khu mộ phân bố trên ba thềm như dấu tích ruộng bậc thang cổ. Một số mộ đã bị đào trộm. Dựa vào những mảnh sành sứ vương vãi trên bề mặt và một chiếc bát sứ do người dân đào được từ một ngôi mộ ở đây hiện còn lưu giữ, chúng tôi cho rằng đã có những hoạt động cư trú, chôn cất muộn nhất là từ thế kỉ XIV. Phải chăng bãi đá tâm linh Suối Cỏ là của lớp chủ nhân này? Việc nghiên cứu các thềm ruộng bậc thang dùng làm khu mộ táng có thể đẩy niên đại cư trú sớm hơn, tới thế kỷ 10 -11 như tình hình ở Mả Đáo phía trên Đồi Thung (Quý Hòa, Lạc Sơn), thượng nguồn của Suối Cỏ mà chúng tôi đã khai quật và nghiên cứu từ 1987.
 
Suối Cỏ và thung lũng Nà Đoóng (xã Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình). Ảnh trích từ Google Map
Tuy nhiên, trong phạm vi bán kính chừng 1 km người dân địa phương còn phát hiện một bộ sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn gồm sáu chuông đồng lớn nhỏ khác nhau ba dao găm và một ngọn giáo. Đây là sưu tập đồ đồng Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỉ thứ ba trước công nguyên. Sưu tập đồng với nhiều chuông như vậy gợi ý là đồ chôn dấu của thầy cúng (shaman) thời Đông Sơn. Khi so sánh hình khắc trên hai viên đá A, B đã có nhà nghiên cứu liên tưởng đến những hình khắc trên vách hang Đồng Nội (Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình) những hình khắc trong hang đồng nội đã được chúng tôi xác định niên đại thế kỉ III trước công nguyên. Liệu chăng chủ nhân của sưu tập đồ đồng trên hang núi Mỹ Thành cũng chính là chủ nhân của các hình khắc trên đá A, B? So sánh chất lượng bộ đồ đồng Đông Sơn với tùy táng trong các mộ Mả Đáo chúng tôi nghiêng về chủ chương hình khắc đá có thể có niên đại Đông Sơn.
Tia sáng mới rọi vào các hình khắc
Về ý nghĩa của các hình khắc trên đá, chúng tôi hướng về các vị thần bất tử thường được khắc và thờ cúng trên đồ đồng, vách đá của những người Đông Sơn Tây Âu (Vu) và chúng được tạo ra trong một nghi lễ nào đó trên con đường di chuyển về phía nam của các nhóm thủ lĩnh Âu Lạc, như tình trạng các hình khắc ở hang Đồng Nội.
 
Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo và bà con xã Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình
Cạnh đó, trong qua trình tìm hiểu tư duy tâm linh dân gian truyền thống Mường, các thầy mo trong vùng đã cung cấp một gợi ý rất có ý nghĩa. Theo đó, hình khắc thể hiện mặt người có hai sừng bên, trên là hai vòng tròn đồng tâm đứng độc lập là hòn thờ ma ươi đực (thường chỉ có một hình và nhìn ngang). Trong khi đó ở hòn B có bốn "mặt quỷ" trông giống dạng mặt khỉ, đều ngửa hướng lên trời được coi như là thờ những mẹ đười ươi cái.
Trong tư duy tâm linh truyền thống Mường, ma ươi được coi như một loại ma gác cổng trời hay trấn giữ những vùng rừng sâu núi hẻm. Ma ươi cũng thường được cúng trong các lễ Mo cầu vía, chữa bệnh... Chúng tôi thấy có sự trùng hợp giữa tư duy tâm linh đó với thực trạng mô tả và vị trí các hình khắc A, B ở Suối Cỏ.
Sau ba ngày hội thảo các nhà khoa học đã đi đến nhất trí đánh giá cao tính cổ xưa độc đáo của các hình khắc trên đá phát hiện tại khu vực Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình. Những hình khắc này là biểu tượng được thờ cúng cách ngày nay một vài ngàn năm liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước của các thế hệ cư dân bản địa.
Tổ hợp bốn cấu kiện đá lăn, một khu mộ táng cổ và một kiến trúc tâm linh Quán Đoóng tạo thành một quần thể di tích khảo cổ lịch sử cần được nhanh chóng xếp hạng di sản, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian gần nhất.
Hiện tại, chúng tôi mới chỉ làm được phiên bản silicon và phủ keo bảo vệ bề mặt hòn A, Hòn B. Hi vọng sau khi di tích được khoanh vùng xếp hạng thích đáng sẽ được bảo vệ tốt hơn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hôi và du lịch trong vùng.
Các hình khắc trên bãi đá Suối Cỏ
Cho đến nay mới phát hiện 2 khối đá lăn có hình khắc. Khối đá thứ nhất (gọi là khối A), có một hình khắc lớn, thể hiện rất rõ đồ án như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời. Phần "mặt" khá mờ nên "mắt, mồm" cũng có thể chỉ đường viền của mộ ô trang trí mà thôi. Phần "bụng" có đáy bằng, tạo trong lòng thành các khoanh với lõi nhân hình hạt đậu rìa cong lên phía trên.
Khối thứ 2 (gọi là khối B) có 4 cụm tạo thành 4 hình khắc độc lập. Đặc trưng chung của mỗi cụm là hai hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7 - 8cm ở phía trên. Phía dưới là một ô hình gần vuông có khoét hình giống như hai lỗ mũi như kiểu mõm lợn hoặc khuôn lòng hình hạt đậu như mặt khỉ…

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3425

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ di tích Thành cổ Sơn Tây

Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ di tích Thành cổ Sơn Tây

  • 19/09/2023 14:11
  • 981

Thời gian thăm dò, khai quật Thành cổ Sơn Tây bắt đầu từ ngày 15/9-30/10 với tổng diện tích là 120m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60m2.