Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/08/2023 09:41 1135
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 23.8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã công bố kết quả sơ bộ về khảo cổ di tích điện Cần Chánh, bên trong Tử Cấm thành, Đại Nội Huế.

Công tác khai quật khảo cổ di tích điện Cần Chánh được thực hiện theo Quyết định số 3545/QĐ-BVHTTDL ngày 21.12.2022 và Quyết định số 849/QĐ-BVHTTDL ngày 5.4.2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

 
Khai quật khảo cổ tại di tích điện Cần Chánh, Đại Nội Huế
Theo sử liệu, điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804 thời vua Gia Long, đến khi bị phá hủy vào năm 1947 thì công trình đã từng được tu sửa 11 lần với những mức độ khác nhau, qua các thời vua triều Nguyễn. Chính vì thế, việc khai quật khảo cổ lần này rất quan trọng trong việc xác định diễn biến địa tầng, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình.
Đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật hơn 200m2, triển khai ở bốn mặt nền móng kiến trúc và khu vực trung tâm với bảy hố khai quật cùng hố thám sát trong lòng nền cũng như phát quang, thăm dò ở hai bên hiên phía đông và tây. Qua đó, đã làm rõ được diễn biến địa tầng, quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc điện Cần Chánh qua các giai đoạn lịch sử, cung cấp những cứ liệu khoa học chân xác, phục vụ đắc lực cho dự án “Nghiên cứu tái thiết điện Cần Chánh”.
Hố H1 nằm ở góc đông nam của nền móng kiến trúc, có diện tích 68m2 chạy theo hướng nam - bắc. Ở độ sâu 320cm (tính từ mặt nền hiện trạng), trong hố đào đã xác định được các lớp nền điện Cần Chánh qua các giai đoạn biến đổi; xác định được quy mô, kết cấu của trụ móng gia cố chân tảng kê cột; kết cấu gia cố và thân móng bó nền phía nam cũng như kết cấu bên trong của móng bó nền phía đông của kiến trúc qua các giai đoạn. Đặc biệt, hố đào này đã làm rõ diễn biến địa tầng ở khu vực góc đông nam nền kiến trúc điện Cần Chánh, qua đó xác định được diễn biến niên đại và đặc tính của vùng đất khu vực này.
Hố H2 được mở ở góc tiếp giáp giữa bậc cấp góc tây nam và móng bó phía nam, diện tích 4,16m2 chạy theo hướng bắc - nam. Ở độ sâu 280cm (tính từ mặt nền sân Bái Đình), kết quả khai quật đã làm rõ kết cấu mặt ngoài của móng bó phía nam qua các giai đoạn, gia cố chân cột hiên, cùng diễn biến niên đại của nền sân Bái Đình và kết cấu địa tầng của khu vực.
Hố H3 nằm ở vị trí góc tây bắc của nền hiên phía tây, diện tích 17,68m2, chạy theo hướng bắc - nam. Ở độ sâu 100cm, trong hố đào đã làm rõ kết cấu mặt ngoài móng bó nền, bó hiên ở phía tây và quá trình biến đổi qua các giai đoạn của nền móng kiến trúc ở khu vực này.
 
Hố đào ở phía đông điện Cần Chánh
Hố H4 có diện tích 23,04m2, nằm liền kề với hố H3, tại góc tây bắc trong lòng nền điện Cần Chánh. Ở độ sâu 380cm, mọi diễn biến địa tầng trong hố đào đã được làm rõ, qua đó đã xác định được kết cấu móng bó nền phía tây, trụ gia cố chân cột, diễn biến mặt nền của kiến trúc. Đặc biệt, trong hố đào cũng đã phát hiện dấu vết gia cố chân cột của một công trình có niên đại trước khi xây dựng điện Cần Chánh, và cùng với đó là diễn biến địa tầng của giai đoạn lịch sử thế kỷ XVII- XVIII.
Hố H5 được mở ở mặt bắc của nền điện có diện tích 11,52m2, ngay gian thứ phía tây, sát với gian giữa của nền điện. Qua hố đào đã làm rõ kết cấu gia cố và móng bó nền, bó hiên phía bắc cũng như kết cấu chân tảng và gia cố chân tảng cột hiên (cột hàng 2) của chính điện.
Hố 6 nằm có diện tích 9m2, ở nền hiên phía đông, vị trí thẳng trục giữa hai hàng cột cái (cột hàng nhất) của tòa chính điện. Trong hố đào đã làm xuất lộ kết cấu gia cố và mặt ngoài của móng bó nền phía đông cũng như mặt trong móng bó hiên phía đông qua các giai đoạn. Hố 7 có diện tích 2,52m2 chạy theo hương đông- tây, cũng nằm trong lòng nền hiên phía đông, nhưng ở vị trí góc tiếp với móng bó Dực lang phía đông. Kết quả đã làm rõ kết cấu mặt ngoài của móng bó nền phía đông và mặt trong móng bó hiên phía đông qua các giai đoạn biến đổi.
Ngoài ra, hố thám sát được đào trong lòng nền của điện Cần Chánh đã làm rõ diễn biến, kết cấu các lớp nền của điện qua các giai đoạn tu sửa; đồng thời lần theo vết tích làm xuất lộ hoàn toàn móng đá lót đỡ vách gỗ phân chia phần nội điện với tả, hữu ngoại sương và hậu sương, chạy vuông góc theo ba mặt Đông, Tây và Bắc.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết: Đoàn khảo cổ cũng đã tiến hành kiểm tra địa tầng các hố đào H1, H2 và H4, và đã nhận thấy diễn biến các lớp đất trong ba hố đào này có nét tương đồng nhau.
Từ diễn biến địa tầng có thể xác định vị trí xây dựng Điện Cần Chánh trước đây là một vùng đất trũng, thấp, nước tù đọng lâu năm, có thể là ao hồ, hoặc đường nước cổ có liên quan đến sông Hương, sông Kim Long trong lịch sử. Từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, hai bên bờ của đường nước đó đã có cư dân sinh sống, có thể là những công trình kiến trúc, hoặc khu sinh hoạt phục vụ đời sống của tầng lớp quý tộc trong cung phủ của chúa Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1711).
Chính vì thế vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long, khi xây dựng điện Cần Chánh đã có những giải pháp xử lý để ổn định địa chất cho nền móng công trình được vững chắc. Kỹ thuật xử lý gia cố móng bó và móng trụ đặt chân tảng kê cột ở điện Cần Chánh đã cho thấy rõ điều đó.
“Có thể nói, kỹ thuật xử lý nền móng của điện Cần Chánh trong giai đoạn xây dựng buổi đầu, dưới thời Gia Long, là những giải pháp kỹ thuật hết sức khoa học và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị để áp dụng khi xây dựng các công trình kiến trúc trên vùng đất yếu”- ông Nguyễn Ngọc Chất thông tin.
 
Địa tầng ở các hố đào với diễn biến các lớp đất có nét tương đồng nhau
Các chuyên gia của đoàn khảo cổ cũng kiến nghị rằng, trước khi tiến hành nghiên cứu tái thiết điện Cần Chánh, cần thực hiện khoan thăm dò địa chất để xác định tính chất, tác động của địa chất, đưa ra những giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất nhằm đảm bảo công trình sau khi được tái thiết sẽ không rơi vào tình trạng sụt lún như đã diễn ra trong lịch sử. Đồng thời, xem xét nghiên cứu kết cấu, quy mô kiến trúc của điện Cần Chánh thời Khải Định để tái thiết, bởi thời điểm đó công trình này là một trong những công trình tiêu biểu của nhà Nguyễn và giai đoạn này có đầy đủ hình ảnh, thông tin về cách bài trí nội thất, trang trí công trình.
Theo ông Huế Hoàng Việt Trung- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quá trình nghiên cứu về điện Cần Chánh đã được triển khai từ rất nhiều năm trước, với sự hỗ trợ, tham gia nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế; trong đó có các chuyên gia đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản). Cũng trong suốt hàng chục năm qua, trung tâm cũng triển khai nghiên cứu, thu thập được rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về công trình di tích này. Kết quả của đợt khảo cổ điện Cần Chánh lần này sẽ cung cấp nhiều cứ liệu khoa học cho việc bổ sung hồ sơ nghiên cứu dự án phục dựng lại ngôi điện, phấn đấu sẽ được triển khai trong năm 2024.
Như Văn Hóa đã đưa tin, điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long. Đây là là một trong những công trình nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế, cùng với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung… Công trình này và nhiều ngôi điện khác đã bị phá hủy vào năm 1947. Theo các sử liệu, trước khi bị phá hủy, điện Cần Chánh có kết cấu: chính điện có năm gian và hai chái kép, tiền điện có bảy gian và hai chái đơn.
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ hai vào tháng 10.2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8 (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh” với kinh phí gần 200 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong vòng bốn năm kể từ ngày khởi công.

Bài, ảnh: SƠN ​​​THÙY

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3432

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện con đường cổ từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn xưa

Phát hiện con đường cổ từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn xưa

  • 16/08/2023 14:32
  • 738

Quá trình thăm dò khảo cổ tại phế tích ở khu vực tháp K, khu đền tháp Mỹ Sơn, lần đầu tiên đã phát lộ một con đường cổ dẫn từ tháp K vào khu trung tâm đền tháp.