Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/07/2022 10:07 1510
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng 23-7, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật Đường Hoàng gia - Thành Nhà Hồ năm 2021-2022.

 

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham quan Đường Hoàng Gia - Thành Nhà Hồ
Dự hội nghị có các nhà nghiên cứu khoa học đại diện cho Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia và một số sở, ngành liên quan.
Thực hiện Quyết định khai quật số 2924/QĐ-BVHTTDL ngày 12-11-2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, từ ngày 25-11-2021 đến 30-7-2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia với tổng diện tích 14.000m2. Con đường Hoàng gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi, nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ phương đông. Cuộc khai quật năm 2021- 2022 chủ yếu tập trung vào khu vực trung tâm nội thành và được phân làm 2 khu: Khu A là khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông - Tây với tổng diện tích 3.500m2; khu B là khu là khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông - Tây với tổng diện tích 9.500m2.
 
Cuộc khai quật đã xác định được dấu tích đường Hoàng gia còn lại rất rõ được kè đá xanh và lát đá phiến
Cuộc khai quật đã xác định được dấu tích đường Hoàng gia còn lại rất rõ được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.
Cuộc khai quật cách cổng Nam 50m đã làm rõ địa tầng từ con đường hiện đại đến dấu tích móng, nền của con đường thời Hồ gồm ba lớp chính tương ứng với ba giai đoạn của con đường, trong đó lớp trên cùng là dấu tích QL 217 hiện tại, chạy qua trục Chính tâm thành Nhà Hồ. Lớp thứ hai (lớp giữa) là dấu tích con đường thời Pháp thuộc xây dựng năm 1937, chia thành 3 lớp nhỏ là lớp đá dăm, lớp đất xám và các mảnh đá phiến. Cuối cùng là lớp gia cố móng nền đường Hoàng gia tại các hố ở khu B đều cho thấy đường đã bị phá huỷ bởi các đợt đào đất làm đường năm 1937. Tất cả chỉ còn lớp móng gia cố nền đường Hoàng gia thời Hồ là lớp đất sét vàng lẫn sét đỏ đầm tạo mặt phẳng cho con đường và sân nền giữa các kiến trúc dày, rộng.
 
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Qua quá trình khai quật cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về vật liệu xây dựng giữa con đường ở hai khu A, B. Tại khu A vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia chủ yếu là đá phiến kết hợp với gạch xây. Khu B không có vật liệu đá phiến mà chủ yếu là gạch ngói vụn hình chữ nhật màu đỏ thời Hồ.
Như vậy có thể nhận thấy con đường Hoàng gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam. Dấu tích con đường may mắn chỉ còn phần nền móng ở lớp dưới cùng. Điều quan trọng nhất là dọc theo con đường Hoàng gia đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Về di tích kiến trúc, trên trục đường Hoàng gia tại các khu A, B đến năm 2022 đã xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô. Tại khu A, các kiến trúc đã xuất lộ trong các năm 2020 và 2021 với cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực Nền Vua. Các di tích kiến trúc này xuất lộ khá nhiều, có sự phức tạp, nhiều vị trí đã bị phá huỷ. Do vậy các nhà nghiên cứu vẫn đang tập trung chỉnh lý và nghiên cứu tiếp về hình thái và chức năng.
Tại khu B, từ cuối năm 2021 đến tháng 7-2022, cuộc khai quật cũng đã tiếp tục làm xuất lộ hai kiến trúc cổng và một cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực đang có hai thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ.
Đối với di vật, về vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành Nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây. Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần - Hồ. Về gốm sứ, các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
 
Cuộc khai quật đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia trong nội thành
Như vậy có thể thấy rằng, cuộc khai quật đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia trong nội thành. Trong nội thành, con đường này có lẽ chỉ có một làn đường rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam. Về vật liệu xây dựng, phần nửa phía Nam được lát đá phiến, phần nửa phía Bắc được xây bằng gạch. Điều quan trọng hơn và là mục tiêu lớn nhất trong công cuộc khai quật nghiên cứu Thành Nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.
Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các sở, ngành liên quan đã đánh giá cao kết quả khai quật Đường Hoàng gia - Thành Nhà Hồ năm 2021-2022. Đồng thời, đóng góp thêm một số ý kiến như cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ; quan tâm dành nguồn kinh phí đầu tư cho di sản tạo thành bức tranh tổng thể về môi trường, văn hoá, lịch sử để thu hút khách du lịch; tổ chức hội thảo về kết quả khai quật để thấy được tầm quan trọng của Đường Hoàng gia - Thành Nhà Hồ...

Nguyễn Đạt

https://baothanhhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3628

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát lộ dấu tích mới của sân Đan Trì tại Hoàng thành Thăng Long

Phát lộ dấu tích mới của sân Đan Trì tại Hoàng thành Thăng Long

  • 02/06/2022 09:57
  • 1801

Các hố khai quật ở độ sâu 1-1,2m đã phát lộ một số mảng sân lát gạch màu xám, vị trí còn lại nhiều nhất ở khu chính giữa hố có vệt đầm gạch ngói vỡ trải dài hướng Bắc-Nam.