Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/12/2021 10:31 1807
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng (14.12), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức công bố kết quả khai quật khảo cổ khu vực nội thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, năm 2021.

 

Các nhà khoa học khảo sát hiện trường khu vực khai quật khảo cổ

Thực hiện quyết định số 2327/QĐ-BVHTTDL ngày 19.8.2020 và quyết định số 896/QĐ-BVHTTDL ngày 16.3.2021 của Bộ VHTTDL, trong 2 năm (2020-2021), Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000m2.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phụ trách cuộc khai quật khảo cổ khu vực nội thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ cho biết: đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Cuộc khai quật đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần-Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng.

Theo báo cáo kết quả ban đầu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc thời Trần Hồ tại các khu vực Trung tâm (Nền Vua), khu vực Đông Nam và Tây Nam.

Trong đó, cụm di tích Trung tâm Nền Vua đã phát hiện được 10 kiến trúc, tính từ phía Nam lên Bắc dài 200m, rộng 80m (tổng diện tích khoảng 16.000m2). Theo nhận định bước đầu của các nhà khoa học về cụm kiến trúc Trung tâm, với dấu tích nhiều cổng, hành lang bao quanh, nhiều kiến trúc lớn ở phía Bắc kết nối với nhau cho thấy đây có thể là không gian trung tâm, không gian Chính Điện của Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, các kiến trúc chính có kết cấu với nhau theo kiểu hình chữ “Vương”, chữ “Nhị”, chữ “Công” và kết hợp hành lang bao quanh vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

 

 Dấu tích nền kiến trúc lát gạch vuông khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ

Cụm kiến trúc phía Đông Nền Vua, hiện đang xuất hiện 2 cụm dấu tích kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 2 cột, phía Bắc và phía Nam với kết cấu móng cột gia cố phân bố đều nhau và trong phạm vi rộng lớn. Cụm kiến trúc phía Tây Nền Vua, hiện đang xuất hiện dấu tích kiến trúc nhiều gian và xác định được 1 kiến trúc nhiều gian, nhiều vì, mỗi vì 4 cột. Theo sự tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay.

Tổ hợp kiến trúc khu vực Đông Nam phát hiện khá đầy đủ các kiến trúc tạm xác định gồm có 06 đơn nguyên: Kiến trúc Chính điện, Tiền điện, Hậu điện, Tả vu, Hữu vu, Hành lang Đông Tây, có thể còn có kiến trúc cổng ở phía trước được bố trí khá cân xứng, hài hòa. Quy mô của tổ hợp kiến trúc này hiện tại là khoảng: 60m x 80m.

Kết quả khai quật còn phát hiện 4 dấu tích kiến trúc thời Lê sơ với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột nhỏ khoảng 0,7mx0,8m, được xây dựng bằng gạch ngói vụn. Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng, phát hiện 2 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng với đặc điểm xây bằng gạch vồ, ngói âm dương, kích thước móng cột trung bình 1,3mx1,4m được xây dựng bằng gạch ngói vụn.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã bước đầu thu được kết quả hết sức khả quan. Trong đó, đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là Nền Vua).  Việc phát hiện trên 20 đơn nguyên kiến trúc các thời kỳ trong lịch sử đã khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và đã được UNESCO vinh danh năm 2011. Theo đó, rất cần thiết phải có việc quy hoạch nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu, xây dựng các kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu Di sản theo đúng các Công ước Quốc tế đối với một khu Di sản Thế giới.

Ông Nguyễn Bá Linh, giám đốc trung tâm bảo tôn Di sản thế giới Thành Nhà hồ cho biết, trên cơ sở xây dựng quy hoạch nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, nghiên cứu một cách lâu dài và dần dần sẽ phát lộ toàn bộ mặt bằng kiến trúc cung điện của Di sản Thành Nhà Hồ, từng bước xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan, đa dạng hóa các giải pháp bảo tồn như trường hợp Nara (Nhật Bản).  Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến Di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và Thế giới.

NGUYỄN LINH

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3643

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56 - năm 2021

Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56 - năm 2021

  • 02/12/2021 18:01
  • 2043

Sáng 30/11/2021, tại thành phố Ninh Bình, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức khai mạc Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56 - 2021. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2021. Đây là hoạt động thường niên của ngành Khảo cổ học Việt Nam diễn ra mỗi năm 1 lần.