Trong quá trình khai quật khảo cổ tại di chỉ Hang Dơi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn), các nhà nghiên cứu phát hiện di cốt trong tư thế nằm co bó gối.
Địa điểm phát hiện mộ táng trẻ em và nhiều cổ vật thời kỳ đồ đá Bắc Sơn -Ảnh: Duy Chiến
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm Hang Dơi.
Địa điểm khảo cổ học Hang Dơi nằm trong dãy núi đá vôi Bắc Sơn, cách thành phố Lạng Sơn trên 100 km và đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2004.
Địa điểm phát hiện mộ táng trẻ em. Ảnh: Duy Chiến
Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn (đứng) báo cáo kết quả khai quật cổ vật ở Hang Dơi. Ảnh: Duy Chiến
Ngoài mộ táng, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều cổ vật thời kỳ đồ đá Bắc Sơn. Ảnh: Duy Chiến
Sáng 7/11, tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học cho biết, trong thời gian làm việc trong một tuần qua tại Hang Dơi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một di cốt được mai táng ở tư thế nằm co bó gối. Di cốt này nằm trong tầng và thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. Trong quá khứ, tầng văn hóa chứa di cốt đã được xác định niên đại khoảng 11.000 năm cách ngày nay.
“Di cốt được đặt đầu quay về hướng Bắc, chân hướng Nam và mặt quay về hướng Đông. Phần sọ đã bị mủn nát một phần. Hiện trạng và kích thước di cốt cho thấy, đây là mộ táng của trẻ em. Tuy nhiên việc xác định độ tuổi trước khi mai táng sẽ cần phải được nghiên cứu thêm. Hiện vật là xương chậu, tay chân còn khá nguyên vẹn, khô... Mộ táng trẻ em tìm thấy lần này quả thực là rất hiếm và độc đáo, thu hút sự quan tâm của giới khoa học, cổ học trong nước và quốc tế”, tiến sỹ Phạm Thanh Sơn cho biết.
Theo tiến sỹ Phạm Thanh Sơn, trong quá trình xử lý, xung quanh mộ có chôn theo một số mảnh tước bằng đá cuội và nanh nhím. Đáng chú ý, mộ được chôn ngay cạnh vết tích của bếp lửa.
Những hiện vật sẽ được bàn giao và lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Lạng Sơn để phục vụ công tác bảo tồn, lưu trữ và nghiên cứu.
Nguyễn Duy Chiến