Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/06/2021 09:56 1877
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tôi vẫn nhớ đó là những ngày hè tháng Sáu năm 2004, sau khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, trong thời gian chờ nhận bằng, tôi và Đặng Hồng Sơn (nay là PGS.TS, Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử) ngày nào cũng có mặt tại Bảo tàng Nhân học (tầng 3 nhà D, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) để vừa học, vừa làm phục chế hiện vật khảo cổ. Ngày đó Bảo tàng Nhân học mới thành lập, chưa có nhiều phòng như bây giờ, nên hầu như mấy thầy trò gồm cô Lâm Mỹ Dung, thầy Nguyễn Chiều, chị Nguyễn Bích Hường, Đặng Hồng Sơn và tôi cùng một vài bạn sinh viên khóa sau đều tập trung làm việc tại phòng đọc sách hiện nay. Vào một buổi sáng, trong khi Sơn và tôi đang háo hức xem thầy Nguyễn Chiều phục dựng mộ chum Sa Huỳnh, thì cô Lâm Mỹ Dung có điện thoại. Sau khi nghe điện, cô Dung quay ra hỏi tôi: “Chiến ơi, mày (cách cô thường gọi học trò một cách thân mật) có muốn đi khai quật ở Vũng Tàu không”? Nghe vậy tôi hơi bất ngờ, vì trước đó cô Dung bảo tôi là chuẩn bị đi khai quật ở Quảng Nam với cô. Nhưng rồi cô Dung nói rõ hơn, là chú Vũ Quốc Hiền ở Bảo tàng Lịch sử vừa gọi cho cô, nói cần một người đi khai quật ở Vũng Tàu, nếu đồng ý thì ra Bảo tàng gặp chú để nói chuyện. Tôi nghe xong liền đồng ý luôn, với suy nghĩ đi cho biết Vũng Tàu như thế nào, chứ cũng chưa hề nghĩ tới chuyện là đi để thử việc, như sau này tôi mới hiểu.

Lần đầu gặp TS. Vũ Quốc Hiền, tôi bị ấn tượng bởi sự thân thiện, dễ gần, khác hẳn với vẻ ngoài hơi thô ráp và có phần dữ tướng của chú. Hơn nữa, cảm giác thân thiện mà tôi có với chú Hiền còn là bởi chú có nhiều nét giống với bố tôi, vốn cũng có vóc người cao lớn, nước da đen sạm vì nắng gió và cách nói chuyện mộc mạc, chân thành. Sau vài câu xã giao hỏi thăm nhà cửa, quê quán, chú bảo tôi là sắp tới sẽ khai quật địa điểm Gò Cây Me, một di tích Kim khí sơ kì ở miền Nam, niên đại tương đương với địa điểm Gò Hội (Vĩnh Phúc) mà tôi vừa làm khóa luận tốt nghiệp. Rồi chú nói với tôi, nửa đùa nửa thật: “Làm khảo cổ không giàu, nhưng mà sướng, ít ra là được đi du lịch không mất tiền”. Nói xong chú làm một ngụm trà, rồi cười sảng khoái.

Sau đó khoảng một tuần thì tôi theo chân chú Hiền, chú Chu Văn Vệ và anh Nguyễn Mạnh Thắng vào miền Nam để tiến hành khai quật di chỉ Gò Cây Me, một di tích ở vùng ngập mặn Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một di tích có nhiều nét tương đồng với di chỉ Rạch Núi ở Long An, Gò Cá Sỏi và một số địa điểm khác ở Vũng Tàu. Kết quả khai quật di tích Gò Cây Me đã góp phần quan trọng để các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử phân lập ra một nhóm di tích vùng ngập mặn, hay rộng hơn nữa là văn hóa Rạch Núi như nhà khảo cổ tiền bối Phạm Văn Kỉnh từng gợi ý. Di tích này được TS. Vũ Quốc Hiền và các cộng sự ở Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện vào năm 2002. Liên quan đến việc phát hiện di tích này, tôi được nghe các chú các anh kể lại rằng, khi nhìn thấy một gò đất nổi cao giữa mênh mông ruộng muối, với dự cảm về việc sắp tìm ra một địa điểm khảo cổ mới, chú Hiền đã băng hẳn qua rạch để đi chứ không đi men theo bờ ruộng như mọi người, kết quả là hỏng luôn chiếc điện thoại Samsung T100 đời mới để trong túi quần.  Sự đam mê, dám xả thân vì nghề của một nhà khảo cổ đôi khi được biểu hiện qua những chi tiết đời thường như thế!

 

Khảo sát trên đảo Long Sơn năm 2018

Trở lại với đợt khai quật Gò Cây Me, có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một chuyến điền dã dài ngày, ở một khoảng cách xa, và có điều kiện sinh hoạt vất vả đến vậy. Di tích nằm giữa vùng ngập mặn, một bên là ruộng muối mênh mông, một bên là thảm rừng ngập mặn với đước, tràm, sú, vẹt… Để vào di tích khai quật, chúng tôi phải đi ghe và lựa theo con nước, với đặc điểm là một ngày lên xuống hai lần, hay còn gọi là bán nhật triều. Tôi vẫn nhớ có những lần nước triều rút sớm, nhưng vì tiến độ khai quật chúng tôi không thể đi ghe về theo con nước, nên đành lội bộ từ di tích về tới chỗ nghỉ ở trong ấp, có những lúc phải băng qua cả đoạn sông cạn nước.  Tuy có nhiều vất vả, nhưng tôi đã học hỏi được nhiều từ các chú, các anh, đặc biệt là chú Hiền, người chủ trì khai quật. Chính cách cư xử hiền hòa, thân thiện, không hề quan cách và hơn hết là sự bao dung của TS. Vũ Quốc Hiền đã khiến tôi cảm thấy thực sự muốn gắn bó với Bảo tàng Lịch sử. Tôi vẫn nhớ là trong thời gian này, Khoa Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội đang cần tuyển hai suất giảng viên, một cho khảo cổ học, một cho dân tộc học. Khi đó ở Hà Nội, ông bạn Trần Hoài (nay là Tiến sĩ, công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa) đã giúp tôi nộp hồ sơ vào Đại học Sư phạm. Khi biết hồ sơ của mình được duyệt, tôi có gọi điện tham khảo ý kiến cô Dung, cô chỉ khuyên tôi một câu: về Đại học Sư phạm cũng tốt, nhưng nếu muốn thực sự làm nghề thì nên ở lại Bảo tàng Lịch sử. Chính lời khuyên này của cô Dung và những tương tác thực tế giữa tôi với chú Hiền và các chú, các anh ở Bảo tàng Lịch sử đã khiến tôi quyết định bỏ qua cơ hội về Đại học Sư phạm.

Sau đợt khai quật Gò Cây Me, với sự quan tâm, chỉ bảo của chú Hiền, tôi có thêm nhiều cơ hội được đi điền dã, khai quật tại miền Nam. Năm 2005, tôi được chú Hiền tin tưởng cho tham gia khai quật di tích Giồng Lớn, cũng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng với anh Lê Văn Chiến. Đây là một di tích mộ táng vô cùng quan trọng, mà theo đánh giá của giới khảo cổ khi đó, việc phát hiện di tích Giồng Lớn trong những năm đầu thế kỉ 21 cũng có thể sánh ngang với việc phát hiện ra di tích Giồng Cá Vồ trong những năm cuối thế kỉ 20. Chính từ tư liệu khai quật ở Giồng Lớn, với sự ủng hộ và hướng dẫn của chú Hiền, sau này là cả cô Dung nữa, tôi đã cố gắng tập hợp, hệ thống và phân tích những tư liệu khảo cổ của các di tích có liên quan ở Nam Bộ để viết luận án tiến sĩ “Di tích Giồng Lớn và vai trò của nó với sự hình thành văn hóa Óc Eo ở vùng ven biển Đông Nam Bộ”. Tôi hiểu rằng, việc hoàn thành luận án này không chỉ là thành quả nỗ lực nghiên cứu của bản thân, mà đó còn là sự thể hiện ra bằng con chữ các ý tưởng khoa học đã được các thầy cô của mình ấp ủ từ trước đó.

 

TS. Vũ Quốc Hiền thăm công trường khai quật Phú Trường (Bình Thuận) 2010

Không chỉ tạo điều kiện để tôi phát huy trong hoạt động nghiên cứu ở Nam Bộ, chú Hiền còn là một lãnh đạo biết đặt niềm tin vào lớp trẻ, và chính sự tin tưởng đó là nguồn động viên lớn khiến tôi tự tin, trưởng thành hơn trong công việc. Năm 2006, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên và Viện Khảo cổ học Thiểm Tây (Trung Quốc) tiến hành khai quật Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc) – một di tích thuộc giai đoạn Phùng Nguyên cổ điển. Lúc đó, dù chỉ có hai năm tuổi nghề, tôi đã được chú Hiền tin tưởng giao phụ trách khai quật. Trong thời gian khai quật trên thực địa cũng như chỉnh lý hậu khai quật, dù đôi lúc còn có những việc tôi xử lý chưa thực sự ưng ý, nhưng chú Hiền không hề xét nét mà luôn tỏ ra bao dung và coi đó là điều có thể thông cảm được với một cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm chủ trì, điều hành đoàn khai quật, nhất là lại có sự tham gia của nhiều cơ quan như vậy. Cho đến lúc chuẩn bị hội nghị báo cáo sơ bộ ở Vĩnh Phúc, khi biết tôi là người được giao đại diện phía Việt Nam để báo cáo, Giám đốc - TS. Phạm Quốc Quân đã tỏ ra e ngại. Sự e ngại đó của chú Quân chỉ tạm lắng xuống khi chú Hiền đứng ra đảm bảo: “Nó báo cáo được, nó chủ trì thì cứ để nó báo cáo bác ạ”. Kết quả là tôi đã không phụ lòng tin của chú Hiền, và tôi nhận ra rằng, chỉ từ sau buổi báo cáo đó chú Quân mới có sự tin tưởng hơn đối với tôi. Còn rất nhiều những kỉ niệm gắn bó nữa giữa TS. Vũ Quốc Hiền và tôi mà nếu kể hết ra đây, tôi e là sẽ trở nên dông dài, vụn vặt.

 

TS. Vũ Quốc Hiền thăm công trường khai quật Động Bà Hòe (Bình Thuận) 2016

Sau này, khi TS. Vũ Quốc Hiền đã nghỉ hưu (từ 2013), tôi vẫn thường tới nhà chú để thăm hỏi, chuyện trò. Trong mỗi lần trò chuyện đó, tôi đều nhận được từ chú những lời động viên, góp ý về công việc và cuộc sống hoặc những chia sẻ về các ý tưởng khoa học. Trước Tết Nguyên đán năm Canh Tý (2020), chú Hiền còn rất hào hứng trao đổi với tôi về việc nghiên cứu các nhóm di tích thời Tiền – Sơ sử ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó chú đặc biệt hứng thú với nhóm di tích ở vùng ngập mặn Nhơn Trạch, Thị Vải, Cần Giờ. Theo chú, cần phải làm kĩ tư liệu về các di tích ở vùng này, bởi đây là một trong những nguồn quan trọng góp phần hình thành nên văn hóa Óc Eo – Phù Nam nổi tiếng. Tiếc thay, cơn bạo bệnh sau đó vài tháng đã khiến những ý tưởng khoa học của TS. Vũ Quốc Hiền trở nên dang dở. Giờ đây, dù chú đã rời xa cõi tạm, nhưng những lời động viên, chia sẻ và những ý tưởng khoa học của TS. Vũ Quốc Hiền vẫn là nguồn động viên để tôi thêm vững bước trên hành trình tìm về quá khứ đầy gian nan, vất vả, nhưng cũng không thiếu những điều thú vị, ngọt bùi./.

TS. Trương Đắc Chiến

 

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3643

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Những phát hiện cực kỳ quan trọng về người tiền sử tại Tuyên Quang

Những phát hiện cực kỳ quan trọng về người tiền sử tại Tuyên Quang

  • 07/06/2021 13:38
  • 1738

Việc phát hiện dấu tích thời nguyên thủy có niên đại từ 20.000 năm trước đánh dấu sự có mặt của con người sớm nhất ở Tuyên Quang cũng như ở trên đất nước Việt Nam.