Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/06/2021 13:48 1600
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vũ Quốc Hiền xuất thân trong một gia đình trung lưu gốc Hoàng Mai - Kẻ Mơ, mà Hiền thường gọi đùa là “Californimơ”. Về mặt địa hành chính, trước ngày tiếp quản Thủ đô (10/1954), Kẻ Mơ thuộc Phủ Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Nhưng dưới góc độ địa văn hóa, có thể coi Kẻ Mơ là một làng ven đô đất Kinh Kỳ/Kẻ Chợ. Kẻ Mơ xưa cung cấp rau xanh cho bán phần phía nam của Hà Nội (cũ) và đóng góp cả ẩm lẫn thực cho một Hà Nội kén ăn và sành ăn.

Về ẩm, rượu Mơ từng nức tiếng với hương vị đặc biệt, lại “có hậu” và đã đi vào ca dao của người Hà Nội:

Em là con gái Kẻ Mơ,

Em đi bán rượu tình cờ gặp anh.

Rượu ngon chẳng quản be sành,

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may…

Và nữa:

Em là con gái Kẻ Mơ,

Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè.

Ông Nghè sai lính ra ve, 

Xin lạy ông Nghè em đã có con…

 Về thực, món đậu Mơ tới nay vẫn rất được người Hà Thành ưa thích về độ ngậy, thơm cả khi ăn sống, rán hay nướng. Kẻ Mơ còn một món ăn bình dân khác, đó là xôi lúa. Với tôi, lâu nay, đây là một trong những món ăn sáng khoái khẩu và chắc dạ, nhưng cũng chẳng biết căn nguyên từ đâu lại có tên gọi này? Xôi thì đã đành vì nấu bằng gạo nếp, nhưng nguyên liệu đi cùng là ngô, sao không gọi là xôi ngô, giống như xôi đậu xanh/đậu đen, xôi sắn, xôi lạc? Mãi tới khi khai quật khảo cổ ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), tôi mới giải được thắc mắc này. Ấy là vì xưa kia, làng Thúy Lĩnh (thuộc Kẻ Mơ) kết chạ với làng Kim Lan. Kim Lan có tục kỵ húy liên quan tới Thành hoàng Thạch Việt nên gọi ngô là lúa, do vậy, Kẻ Mơ cũng theo đó, kiêng từ ngô, gọi là xôi lúa.

Thân phụ Hiền sinh thời hoạt động trong ngành vận tải. Vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước, ông có khoảng 1-2 chiếc ô tô tải và đã tậu được một căn nhà đủ ở trên phố Hưng Ký (nay là phố Minh Khai). Năm 1960, khi cải tạo công thương nghiệp, toàn bộ gia sản sung công vào Hợp tác xã, gia đình lại vào ở trong làng. Thân mẫu anh là một phụ nữ hiền thục, tề gia nội trợ tảo tần và bươn trải bằng nghề buôn bán nhỏ. Bà chuyên cung cấp những loại gạo ngon, ngô tốt, đậu mẩy cho các gia đình làm nghề truyền thống nấu xôi lúa và làm đậu phụ. Song thân anh là những người hiền lành, nhân hậu và đặc biệt hiếu khách. 

Mảnh đất lâu đời và gia đình nề nếp, chân chỉ ấy đã nhào nặn nên một Vũ Quốc Hiền vừa chất phác của người thôn quê, vừa khoáng đạt của dân Kẻ Chợ.

Hiền sở hữu một thể hình, thể chất, thể lực rất tráng kiện. Ở thế hệ chúng tôi mà cao 1,73m, hơn 70kg nặng là những con số ít người có được. Ai đã từng chứng kiến Hiền với đôi thùng nước đại, ngày hai lần chăm chỉ tưới tắm cho mấy luống rau để có thêm thu nhập mới thấy được sức vóc của Anh. Đây cũng là ưu thế khi Anh chọn nghề khảo cổ, một công việc không ít vất vả, đòi hỏi sự cần mẫn và xốc vác.

*

*         *

Hiền học khóa 17 khoa Sử Đại học Tổng Hợp Hà Nội, sau tôi 2 khóa. Lần đầu tôi biết và làm việc với Anh là đợt khai quật Bãi Phôi Phối (Hà Tĩnh) năm 1976. Tôi nhớ, lần ấy GS. Hà Văn Tấn cho gọi tôi và nói (đại ý): thầy có việc bận ở Hà Nội, muốn tôi vào giúp thêm 2 sinh viên năm thứ tư chỉnh lý hiện vật Bãi Phôi Phối để lấy tư liệu làm luận án tốt nghiệp. Từ đó, Hiền và cả người đồng môn với anh, TS. Lê Đình Phúc (nay cũng đã mất) đã trở thành những đồng nghiệp thân thiết của tôi.

Trong suốt hơn 30 năm công tác sau đó, Hiền và tôi luôn là một “cặp” trên mỗi chặng đường điền dã, từ bắc và nam, từ miền núi tới hải đảo, từ các di chỉ thời đại đá đến những di tích thời phong kiến. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi rủ nhau đi khảo sát hay khai quật dễ và đơn giản lắm. Chỉ cần “ới” là tôi về xin công lệnh, tạm ứng lương và một ít công tác phí, trích tem phiếu là vác ba lô lên đường. Chính điền dã, dù gian khổ và luôn bị cái đói hành hạ, đã giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, gắn bó hơn trong sinh hoạt và chuyên môn. Hiền là người hiểu rất rõ ý nghĩa thiêng liêng của tình đồng nghiệp và Anh luôn nâng niu, trân trọng, gìn giữ nó. Anh coi đồng nghiệp không chỉ là bạn cùng nghề mà còn thân thiết như anh em ruột thịt. Thật là một con tim biết chia sẻ, biết đập vì người khác. Hiền luôn dành những việc nặng nhọc về mình, dành những việc nhẹ nhàng hơn và những miếng ăn đầy đặn hơn cho đồng nghiệp. Tôi nhớ mãi cuộc khai quật di chỉ Cồn Nền (Quảng Bình) năm 1982 với sinh viên khoa Sử, Đại học Tổng Hợp Huế. Ngày ấy còn ăn cơm độn, sinh viên lại không quen nấu cơm bằng chảo gang lớn nên bữa nào cơm cũng sống. Thấy tôi không ăn được, Hiền thường chọn những chỗ cơm ít sống cho tôi. Hai anh em tằn tiện đến những đồng cuối cùng, Hiền đi bộ ra chợ huyện bán cuộn phim ORWO để tôi có tiền ăn thêm, khi là miếng bánh đa, khi là cái kẹo lạc cầm hơi. Sau đợt khai quật, Hiền bị rối loạn tiêu hóa, cứ ăn vào là miệng nôn trôn tháo, người gầy rộc, thuốc thang mãi mới hồi phục. 

Không chỉ tôi mà cả gia đình tôi đều quý Hiền và không nói quá, coi Hiền như người thân, như thành viên trong gia đình. Những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế gia đình tôi vô cùng khó khăn. Một bận, vào chiều tối, Hiền qua chơi, thấy cảnh hai vợ chồng tôi thu lu bên ánh đèn đỏ nọc như tiệm hút vì không có survolteur, con thì tản cư bên nội, bên ngoại, nhà chẳng còn một hạt gạo, một giọt dầu, Hiền vô cùng ái ngại. Anh khoát tay cười để phá tan cái không khí ảm đạm ấy và nói: tôi chỉ có mấy đồng còm chiêu đãi ông bà. Nói rồi Anh chạy ra đầu phố mua chục chiếc bánh rán cho hai chúng tôi. Quả thật, chưa bao giờ tôi thấy bánh rán ngon đến thế, không phải ngon vì đói, vì mật, vì nhân mà là tình nghĩa đồng nghiệp sâu nặng bao chứa trong đó. Sau bận đó, không ít lần vào sáng sớm, trên đường đi làm, Hiền lại tạt qua nhà cho vợ chồng tôi mớ rau lớn ăn được tới vài ba bữa. 

Khi tôi chuyển cơ quan sang Bảo tàng Lịch sử, là nhân viên cấp dưới của Hiền, Anh vẫn giữ mối giao hòa, tôn trọng nhưng cũng không ngần ngại góp ý về đường ăn ý ở của tôi trong môi trường làm việc mới. Những ngày tôi đã nghỉ hưu, Anh thường qua lại thăm hỏi, nếu không đến được thì gọi điện vấn an vào dịp tết nhất, sinh nhật hoặc mời đi đây đó để - như anh nói: “cho đỡ cuồng cẳng và đỡ nhớ nghề”. Ở vào thời buổi kinh tế thị trường, “tư duy nhiệm kỳ” len lỏi cả trong quan hệ, trong đối nhân xử thế thì những cử chỉ ấy thật đậm tình người, tình đồng nghiệp vô cùng trân quý. 

*

*        *

Bên ngoài cái vẻ thô nháp, xuề xòa, trong Hiền ẩn chứa một con người có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và đặc biệt bình tĩnh trước những tình huống nan giải. Đó là phẩm chất cần có của người quản lý. Năm 1999, xảy ra một chuyện hiểu nhầm đáng tiếc của giới truyền thông ở Tp. Hồ Chí Minh, gây bất lợi cho Bảo tàng và cá nhân Giám đốc. Phạm Quốc Quân, lúc đó là Giám đốc mới được bổ nhiệm cho gọi Hiền và tôi lên trao đổi, giao nhiệm vụ vào Tp. Hồ Chí Minh làm việc với một tờ báo trong đó. Chỉ qua một buổi làm việc, với cách nói tuy không thật hoạt ngôn nhưng rất chân tình, Hiền đã thuyết phục phóng viên tờ báo vui vẻ chấp thuận đề nghị của chúng tôi bằng một mẩu tin đính chính. Lúc chia tay, người phóng viên còn nói, “chuyện nhỏ, các ông gọi điện thoại cũng được, cần chi phải vô”. Xong việc, tôi bảo Hiền ở lại chơi 1-2 ngày nhưng Hiền nhất định buộc tôi phải về, lo Giám đốc sốt ruột. 

Những đức tính trên của Hiền bộc lộ rõ nhất trong cuộc khai quật của chúng tôi ở Gò Ô Chùa (Long An) năm 1997.

 

Trên đường tới di tích Gò Ô Chùa

Đó là đợt công tác để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất, thành công nhất và cùng dài ngày nhất. Ban đầu, giấy phép khai quật của chúng tôi ở Long An là địa điểm Gò Hàng, một di chỉ xưởng nổi tiếng chế tác đồ trang sức bằng kim loại quý thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo đã được chúng tôi khảo sát 1 năm trước đó. Khi bắt đầu khai quật được vài ba ngày, chúng tôi nhận thấy có sự xáo trộn nghiêm trọng. Các hố thám sát được mở ở những vị trí khác nhau để kiểm tra vẫn thấy hiện tượng này tới độ sâu hàng mét. Tất cả những mảnh gốm đào được đều có bề mặt và các cạnh bị bào mòn. Khi hỏi gia chủ và nhân công, họ cho biết, khoảng những năm 80, ở đây có một “đại công trường đào vàng”. Các tiệm vàng, quán ăn, quán nhậu từ Sài Gòn về mở suốt đêm, nhộn nhịp như hội. Chỗ nào có miểng (mảnh gốm) đều bị đào banh, sàng đãi lấy vàng.

 

Chợp mắt trên ghe

Đêm ấy, tôi thấy Hiền ngồi uống trà một mình tới khuya. Tôi đã đi nằm, vốn khó ngủ, lại nhiều muỗi nên còn trằn trọc. Hiền bước nhẹ đến chỗ tôi nằm và nói nhỏ: “Bác đã ngủ chưa? Em có chuyện muốn trao đổi với bác”. Tôi lồm ngồm bò dậy tiếp chuyện Hiền. Qua trao đổi, Hiền nói 3 ý chính: Thứ nhất, kết quả mấy ngày khai quật có thể thấy địa tầng đã bị hủy hoại, nếu tiếp tục thì chỉ tốn tiền Nhà nước và chỉ mót lại những mảnh gốm hầu như không có ý nghĩa khoa học; Hai là chúng ta không được phép về tay không, vì tiền tàu xe, ăn ở… đã tốn kém; Ba là, cần phải có phương án chuyển hướng sang một địa điểm khác, tránh sa lầy tại đây. Là người đứng tên và phụ trách khoa học của cuộc khai quật, mấy ngày qua, tôi cũng khá lo lắng nhưng chưa hề nghĩ tới một “phương án” táo bạo như thế. Tôi bày tỏ băn khoăn vì không chỉ phía mình quyết được, còn địa phương, Cục, Bộ, Hiền tỏ ra dứt khoát: Em sẽ lo, quan trọng là tìm một địa điểm khác hứa hẹn hơn. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bàn với Bùi Phát Diệm, Giám đốc Bảo tàng Long An. Diệm nhanh chóng thuận với đề xuất của chúng tôi và gợi ý một số địa điểm mà anh biết. Sau khi cho dừng khai quật, theo sự chỉ dẫn của Diệm, chúng tôi tiến hành khảo sát từ gần tới xa và cuối cùng chọn Gò Ô Chùa, một địa điểm có diện phân bố rất rộng, vô cùng phong phú và gần như nguyên vẹn. Hiền và Diệm nhanh chóng lo hoàn tất thủ tục, còn tôi tập trung vào việc mở công trường. Kết quả đợt công tác này cho thấy Hiền là một người rất quyết đoán, quyền biến, có trách nhiệm khi cầm đồng tiền Nhà nước, đúng như một vị tướng nơi trận tiền.

 

Xử lý di tích mộ táng Gò Ô Chùa

Điều kiện sinh hoạt và thời tiết ở Gò Ô Chùa vô cùng khắc nghiệt, xa dân cư, chợ búa. Ngày thì nắng như đổ lửa, đêm về lại se lạnh. Đặc sản ở đây là đỉa và muỗi, dân địa phương ví von “muỗi kêu tựa sáo, đỉa dường bánh canh”. Giữa đợt khai quật, Giám đốc Phạm Đản và Nguyên Giám đốc Nguyễn Mạnh Lợi (nay đều đã mất) vào thăm và ngủ lại một đêm. Khi về, anh Đản động viên: “mình không nghĩ các cậu lại vất vả thế, chú ý giữ gìn sức khỏe nhé”. 

Trong đoàn chúng tôi còn có Nixi (Nishimura Massanari - nay cũng đã yên nghỉ, thật buồn, mất mát nhiều quá!) xin tham gia. 

Một hôm, vào cuối chiều, Nixi ghé tai tôi: “Anh Phong, nắng nóng thèm bia quá”. 

Tôi nói: “Hỏi anh Hiền”. 

Hiền cười hào phóng: “Tiền không thành vấn đề nhưng mua ở đâu, ai đi?”. 

Nixi vỗ ngực: “Em, em biết chỗ”. 

Thì ra, Nixi đã dò hỏi nhân công, nghe đâu nơi bán cách chỗ chúng tôi khoảng 2-3km. Khi Nixi đi, chúng tôi đoán chừng trong vòng 2 tiếng sẽ về trước khi trời tối, kịp bữa cơm chiều. Nhưng rồi chờ mãi, đêm tối bắt đầu ập xuống mà vẫn chưa thấy bóng dáng Nixi. Gò Ô Chùa, nơi chúng tôi khai quật và cắm trại chỉ cách biên giới với Campuchia chưa đầy 2km, xung quanh là đầm lầy, lạch nước, vô cùng nguy hiểm. Cả đoàn bắt đầu lo, Hiền bảo chúng tôi huy động tất cả đèn pin, chụm lại hướng về phía Nixi đi và đồng thành hô lớn “Nixi”. Cứ khoảng 5-10 phút lại lặp lại. Tới hơn 19 giờ, khi cổ đã khản, bụng đã xẹp lép, từ xa chúng tôi thấy ánh đèn pin thấp thoáng, mọi người vội chạy ra khua đèn và gọi lớn một lần nữa. Có tiếng đáp trả mỗi lúc một rõ hơn. Và, mọi người đều mừng rỡ thở phào nhận ra Nixi vác trên vai thùng bia, tay xách một bọc đá dễ đến 10kg, từ đầu đến chân, bùn đất bê bết. 

Sau khi Nixi tắm rửa, vào mâm cơm, Hiền nói: “Từ mai, mỗi tuần cho 2 két giải khát, nhờ nhân công mua, đi thế này vất vả và mạo hiểm lắm”. 

Nixi cười và láu lỉnh đáp: “Anh Hiền nói “từ mai”, còn bây giờ cho thoải mái chứ?”

Hôm ấy, chúng tôi “tẩn” hết cả két mà vẫn thòm thèm.

Viết lại những dòng này âu cũng để tưởng nhớ người đồng nghiệp Nhật Bản thân thiết của khảo cổ học Việt Nam.

*

*        *

Có thể nói, trong suốt cuộc đời làm việc của mình, Hiền gắn liền với hoạt động thực địa. Hiếm có năm nào Anh không điền dã một, hai đợt, ngắn thì tính tuần, dài thì tính tháng ngay cả khi đã làm quản lý. Anh cũng thuộc loại có duyên với điền dã. Nhà khảo cổ học được gọi là “có duyên” thường để ám chỉ những người có cơ may phát hiện, khai quật được những di tích, bộ sưu tập hiện vật phong phú, hiếm, lạ, đặt ra những vấn đề mới. Ngoài có duyên hay may mắn, tôi nghĩ, Hiền là người có bề dày kinh nghiệm và sự mẫn cảm trên thực địa. Hiền cũng có duyên nợ nhiều với khảo cổ học miền Trung và miền Nam. Luận án tốt nghiệp của anh về địa điểm Bãi Phôi Phối (Hà Tĩnh), lúc đó được coi là một di tích quan trọng minh chứng cho sự chuyển biến từ văn hóa Quỳnh Văn sang văn hóa Bàu Tró. Giờ đây, địa điểm này được biết dưới tên Bãi Cọi, một phức hợp di tích mà Bãi Phôi Phối là bộ phận trong đó. Bãi Cọi cũng là nơi giao thoa, gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. 

Hiền tiến hành khai quật khảo cổ ở miền Nam từ khá sớm (từ năm 1978), tại di chỉ Cái Vạn, một địa điểm thuộc văn hóa Đồng Nai. Anh cũng tham gia khảo sát Dốc Gạo, nơi phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa) nổi tiếng. Anh cùng các đồng nghiệp ở Bảo tàng, các thầy, các sinh viên Đại học Tổng Hợp (cũ) khai quật Bàu Dũ (Quảng Nam), một địa điểm tới nay vẫn là di tích có niên đại sớm nhất ở miền Trung, có người gọi đó là di tích Hòa Bình sót (Epie-Hoabinhian). Có thể kể nhiều hơn nữa, nhưng tôi muốn dừng lại ở Xóm Cồn (Cam Ranh, Khánh Hòa). Tại đây, qua khai quật, Hiền đã nhận ra diện mạo một di tích mới, khác và sớm hơn văn hóa Sa Huỳnh đã biết. Trên cơ sở đó, anh đã xác lập một nền văn hóa khảo cổ học mới ở miền Trung - văn hóa Xóm Cồn. Đây cũng là nội dung Luận án Tiến sĩ của anh. Quan điểm này đã được chấp nhận rộng rãi và đã được đưa vào giáo trình khảo cổ học và sách chuyên ngành. 

 

Đi thuyền trên hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn năm 2013 (từ trái qua): Vũ Quốc Hiền, Ngô Thế Phong, Đinh Văn Cứ, Nguyễn Đình Chiến

Từ những năm 90, Hiền dành nhiều thời gian và tâm lực phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh phía Nam tiến hành khai quật hàng loạt di tích Tiền Óc Eo và Óc Eo sớm ở vùng Cần Giờ (Giồng Am, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ), ở Bưng Thơm, Giồng Lớn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Bửu (Tp. Hồ Chí Minh), Gò Ô Chùa (Long An)... Kết quả khai quật đã gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ học thời đó. Những nỗ lực của anh đã góp phần khỏa lấp sự thiếu vắng hiện vật của Bảo tàng trong giai đoạn này. Không ít sưu tập hiện vật trong phần trưng bày về văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo ở Bảo tàng có mồ hôi và công sức của Hiền.

Trong những lần chuyện trò, đàm đạo, Hiền thường trao đổi với tôi về bức tranh mosaic của khảo cổ học miền Nam trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời đại Sắt sớm tới Óc Eo. Anh đã mường tượng ra các nẻo đường dẫn tới sự hội tụ của văn hóa Óc Eo. Anh cũng còn băn khoăn về địa điểm Gò Cây Tung nói riêng và vùng An Giang nói chung. Vào những năm 2000, Hiền động viên tôi: “Bác cố gắng xong việc đi, em với bác sẽ dành 5-7 năm đi khảo sát kỹ lại các di tích Nam bộ. Bác về hưu cá nhân em sẽ đứng ra mời bác”. Lúc ấy, tôi đang lu bu vì còn nợ bản thảo cuốn trống đồng và kế hoạch đó đã không thành hiện thực.

Cuối năm 2013, khi mới nghỉ chế độ, Hiền nhận lời mời của Đoàn Sung, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương (Quảng Ngãi) thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa biển. Hiền đã mời tôi tham gia cùng Phạm Quốc Quân, Ngô Văn Doanh, Vũ Thế Long, Ngô Quang Toàn, Vũ Hữu Minh. Trong gần 4 năm bên nhau, được sự hỗ trợ nhiệt tình của Đoàn Sung, chúng tôi đã làm được nhiều việc, đặc biệt là gợi mở cho chương trình hoạch định Công viên địa chất toàn cầu Sa Huỳnh - Lý Sơn. Đây là những đợt điền dã cuối cùng của chúng tôi bên nhau.

Tháng 2 năm 2020, Hiền còn qua nhà tôi chơi, anh em trò chuyện cả buổi sáng. Thế mà nay hạc lẻ xa bay, còn đâu những tháng ngày tuyệt vời ấy, những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Hiền ơi, an nghỉ nhé. Nếu có anh linh phù hộ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. 

Hà Nội, Mùa dịch 2020

 TS. Ngô Thế Phong 

Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (cũ)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3472

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Lần đầu tiên phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan cổ ở Tây Nguyên

Lần đầu tiên phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan cổ ở Tây Nguyên

  • 17/05/2021 09:21
  • 1902

Đó là thông tin được các nhà khảo cổ học công bố trong buổi “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai” được diễn ra tại Bảo tàng Đắk Lắk ngày 7 tháng 5 năm 2021.