Qua khai quật đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng và biến đổi của chùa Ngũ Đài theo từng thời kỳ lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ XIV (thời Trần) đến đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn).
Các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ và lãnh đạo tỉnh tham quan khu vực khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài
Ngày 13/1, Ban Điều hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ khu vực chùa Ngũ Đài. Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Bảo tàng lịch sử quốc gia và các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ của Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu điều hành hội thảo
Tại hội thảo, dựa trên báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ và tham quan thực tế hiện trường khai quật khảo cổ tại chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ đã đưa ra nhiều nhận định và đề xuất kiến nghị để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
TS.Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia phát biểu tại hội thảo
Trên diện tích 1.200 m2, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thám sát, khai quật, kết quả đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng và biến đổi của chùa Ngũ Đài theo từng thời kỳ lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ XIV (thời Trần) đến đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn). Cụ thể, chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ XVII, tiếp tục trùng tu và cải tạo vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX được đầu tư xây dựng mới và chuyển về vị trí hiện nay.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ
Qua khai quật cũng thu được một khối lượng lớn các di vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ thờ tự, đồ sinh hoạt. Đoàn khai quật còn phát hiện thêm nhiều địa điểm có dấu tích chùa, tháp thời Trần, Lê, Nguyễn phân bố trên các dãy núi phía sau chùa Ngũ Đài.
Từ kết quả khai quật, các chuyên gia khảo cổ, nhà khoa học nhận định vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng…(Bắc Giang), tạo thành một vùng ‘tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ. Đây là những thông tin quan trọng, giúp ích quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về không gian phân bố hệ thống di tích chùa, tháp Phật giáo Trung Lâm Yên Tử cũng như các vấn đề về an ninh quốc phòng của Quốc gia Đại Việt thời Trần.
Qua khai quật cũng thu được một khối lượng lớn các di vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ thờ tự, đồ sinh hoạt
Cũng tại hội thảo. các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ kiến nghị tỉnh cần tiếp tục đầu tư mở rộng nghiên cứu, khai quật khu vực xung quanh chùa Ngũ Đài để có thêm thông tin về quy mô, kết cấu kiến trúc làm cơ sở để quy hoạch và kiến tạo, phục dựng lại ngôi chùa cho xứng tầm. Đồng thời, sớm có quy hoạch tổng thể khu vực chùa Ngũ Đài và các khu vực xung quanh. Bảo vệ hiện trạng khu vực khai quật, ngăn chặn kịp thời quá trình xây dựng, đào phá, cải tạo đất trồng trọt làm biến dạng cảnh quan và không gian di tích.
Nguồn: PV