Một dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.642 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 1.450 ha, nhưng trong quyết định phê duyệt đầu tư của Bộ NN-PTNT không hề đề cập phương án bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trong vùng dự án, khiến hàng loạt di tích có nguy cơ bị chìm dưới lòng hồ.
Một dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.642 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 1.450 ha, nhưng trong quyết định phê duyệt đầu tư của Bộ NN-PTNT không hề đề cập phương án bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trong vùng dự án, khiến hàng loạt di tích có nguy cơ bị chìm dưới lòng hồ.
Dự án hồ chứa nước Nước Trong được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nằm trên địa bàn 3 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi: Sơn Hà, Tây Trà và Trà Bồng, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp trực tiếp cho KKT Dung Quất và một số địa phương trong tỉnh.
Từ cuối năm 2004, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Sở VH-TT Quảng Ngãi đã có công văn gửi Xí nghiệp Thiết kế Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 3 thuộc Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 1 (Hà Nội) lưu ý về việc trong vùng dự án có các di tích lịch sử văn hóa. Thế nhưng, trong quyết định phê duyệt dự án của Bộ NN-PTNT vào tháng 9/2005 không đề cập gì về các di tích lịch sử văn hóa nằm trong khu vực dự án.
Việc làm tắc trách này đã gây bức xúc trong dư luận và những người làm công tác văn hoá, bảo tồn ở Quảng Ngãi. Được biết, trong công văn gửi Xí nghiệp Thiết kế Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 3, Sở VH-TT Quảng Ngãi đã thống kê đầy đủ các di tích lịch sử văn hóa có nguy cơ bị ngập chìm trong lòng hồ chứa nước Nước Trong gồm: Điểm di tích đồn Làng Ngãi, nằm trong hệ thống di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia cùng với nhiều di chỉ khảo cổ học này nằm theo lưu vực sông Tang thuộc địa phận xã Trà Phong, Trà Thọ, Trà Xinh, huyện Tây Trà và địa phận xã Sơn Lăng, huyện Sơn Hà… đã được phát hiện và công bố trong hội nghị khảo cổ học thường niên vào các năm 2001, 2006 tổ chức tại Viện Khảo cổ.
Theo Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi) thì: Qua kết quả nghiên cứu cho thấy đặc trưng di vật của di chỉ khảo cổ học Trà Phong gồm các loại hình cuốc đá, rìu vai bằng đá, khuyên tai đá, bàn mài… có mối quan hệ với văn hóa hậu kỳ đá mới Tây Nguyên. Đây là bằng chứng khảo cổ học quan trọng để chứng minh cho dòng chảy văn hóa hậu kỳ đá mới từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng duyên hải để hình thành nên thời đại kim khí ở miền trung Việt Nam. Di tích khảo cổ học Trà Phong có niên đại thuộc hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí cách đây khoảng 4.000 năm.
Đặc biệt, ở xã Sơn Lăng, huyện Sơn Hà nằm trong vùng dự án đã phát hiện 1 trống đồng Đông Sơn thuộc trống Heger loại I. Đây là bằng chứng quan trọng về sự hiện diện của các cư dân thời tiền sử đã từng sinh sống trên khu vực rộng lớn của vùng thượng nguồn sông Trà Khúc.
Ông Cao Văn Liệp, Giám đốc Ban quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong thuộc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, là cơ quan chủ đầu tư dự án này khẳng định: Những điểm di tích lịch sử văn hóa mà Sở văn hóa thông tin xác định nằm trong vùng dự án là hoàn tòan chính xác.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ban quản lý dự án mới biết được thông tin này. Việc Xí nghiệp Thiết kế Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 3 thuộc Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 1 (Hà Nội), đơn vị chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ chứa Nước Trong mặc dù biết mật độ phân bố dày đặc của nhiều di tích lịch sử văn hóa trong vùng dự án nhưng đã cố tình “lờ” đi những vẫn đề này là thiếu trách nhiệm.
Hiện tại, dự án hồ chứa nước Nước Trong đang xúc tiến việc triển khai thi công. Vì vậy, "chậm còn hơn không" các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan cần sớm ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ vấn đề này theo đúng Luật Di sản văn hóa. Đừng để hàng loạt di tích sẽ bị chìm sâu dưới lòng hồ, khi đó sẽ không còn cách gì cứu vãn được.
ảnh 2: Bản đồ phân bố các di tích lịch sử văn hóa trong vùng dự án hồ chứa nước Nước Trong. Ảnh: TS khảo cổ Đoàn Ngọc Khôi.