Đó là Thái Lăng (khu lăng mộ vua Trần Anh Tông) và chùa Quỳnh Lâm thuộc thái ấp nhà Trần thế kỷ 13 - 14 Ngày 24/5, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với huyện Đông Triều đã tổ chức báo cáo kết quả khai quật giai đoạn I đối với với 2 di tích khảo cổ là Thái Lăng và chùa Quỳnh Lâm thuộc thái ấp nhà Trần thế kỷ 13 - 14.
Đó là Thái Lăng (khu lăng mộ vua Trần Anh Tông) và chùa Quỳnh Lâm thuộc thái ấp nhà Trần thế kỷ 13 - 14
 |
Lối xưa dẫn vào chùa Quỳnh Lâm |
Ngày 24/5, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với huyện Đông Triều đã tổ chức báo cáo kết quả khai quật giai đoạn I đối với với 2 di tích khảo cổ là Thái Lăng và chùa Quỳnh Lâm thuộc thái ấp nhà Trần thế kỷ 13 - 14.
Thái Lăng là khu lăng mộ của vua Trần Anh Tông được xây dựng vào năm 1320. Lăng nằm trên đỉnh một đồi đất thấp có tên gọi Trán Quỷ (thuộc xã An Sinh) đã trở thành cù lao sau khi tại đây xây dựng một công trình hồ chứa nước. Sau 2 tháng thám sát và khai quật thăm dò ở cả 3 cấp nền trên diện tích 300m2, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ và đưa ra ra nhận thức ban đầu về lăng vua Trần Anh Tông. Lăng về hướng gần chính nam, có cấu trúc không gian gồm 3 cấp nền hình chữ nhật nằm chồng xếp lồng vào nhau cùng với dấu tích một con đường đá cuội dẫn từ chân đồi lên. Các di vật tìm thấy tại đây gồm khá nhiều các tảng chân kê bằng đá khối; các lan can chạm sấu và rồng; ngói mũi sen, tháp đất nung tráng men màu trang trí hoa lá, hoặc hình thú, hình rồng rất tinh xảo mang đậm sắc thái kiến trúc của Hoàng cung Thăng Long cho thấy kiến trúc thời Trần đã đạt đến trình độ hoàn hảo.
Cùng thời gian trên, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật thám sát 8 vị trí tại di tích chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An). Kết quả khai quật đã làm xuất lộ hàng loạt các dấu vết nền móng kiến trúc, đường đi lối lại và cả dấu tích các lò nung ngói phục vụ cho kiến thiết chùa chiền và thái ấp. Tại khu vực này, di vật tìm thấy gồm rất nhiều đồ sành sứ, gạch, ngói các dạng thuộc niên đại thời Trần và một số thuộc thời Lê - Trịnh. Tất cả cho thấy Quỳnh Lâm là ngôi chùa lớn được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Đây từng là đại danh lam thời Lý với tượng Phật tổ Di Lặc được xếp trong "Tứ đại khí" nước Nam và là một thiền viện Trúc Lâm lớn nhất của thời Trần.
Tại buổi thuyết trình trên, các nhà khảo cổ đã đưa ra kiến nghị: Cần sớm có một dự án cấp quốc gia phục vụ cho việc khai quật trên quy mô tổng thể phục vụ cho nghiên cứu khoa học và công tác bảo tồn di sản lâu dài. Trong điều kiện chưa đủ năng lực đầu tư, cần nhanh chóng có phương án bảo vệ bằng cách lấp cát toàn bộ các điểm đã xuất lộ đồng thời hạ nước lòng hồ khu vực Thái Lăng ở mức thấp nhất nhằm hạn chế ảnh hưởng tới khu di tích này.
Hạnh Vũ