Sáng 3.3, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá tổ chức khởi công khai quật khảo cổ di tích đàn tế Nam giao Vương triều Hồ lần thứ 2 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc.
Mục đích khai quật khảo cổ lần này là tiếp tục làm rõ diện mạo di tích đàn Nam Giao, phục vụ nghiên cứu khoa học và lập các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đàn Nam Giao nói riêng và thành Nhà Hồ nói chung. Đợt khai quật này kéo dài trong 4 tháng, từ 2.3 đến 5.7.2007. Tổng diện tích các hố khai quật rộng 2.000 m2
Vương triều Hồ tuy tồn tại ngắn ngủi (1400-1407) nhưng đã để lại những di sản kiến trúc - văn hoá có giá trị lớn, tiêu biểu nhất là Thành Hồ và đàn Nam Giao ở phía nam thành, trên núi Ðốn Sơn, cách Thành Hồ hơn 2,5 km về phía tây nam.
Từ giữa năm 2004 đã diễn ra việc khai quật khảo cổ di tích đàn tế Nam Giao Vương triều Hồ trên tổng diện tích các hố hơn 300m², phát hiện nhiều dấu tích quan trọng. Bên cạnh địa danh như "ruộng Nam Giao", "nền hạ", là nhiều dấu tích vật chất cho thấy đàn được đắp theo ba cấp nền cao dần (nền hạ, nền trung, nền thượng). Trong đó nền thượng cao 20m so mực nước biển, kích thước 120m x 60m, nền trung cao 17m, kích thước 130m x 40m, nền hạ cao 15 m, kích thước 140m x 35m.
Các dấu tích cũng cho phép bước đầu xác định được gò trung tâm và linh đạo (đường trục trung tâm dẫn tới đàn). Gò trung tâm gần vuông, kích thước 24m x 25m, sát chân núi, hiện vẫn còn thấy được hàng đá kè chắn lở đất khi tôn gò. Mép ngoài bờ đá kè là dải gạch ngói vụn rộng tới 3m, bới lớp vật liệu này thấy lộ ra nền lát gạch vuông cỡ lớn (50cm x 50cm). Linh đạo đã hé lộ bước đầu.
Qua khai quật khảo cổ lần 1 cũng đã phát hiện khối lượng gạch ngói vỡ khá lớn có niên đại thế kỷ 14 cùng nhiều đồ gốm sứ đương thời và dấu tích giếng nước trùng hợp với truyền tụng dân gian về "giếng vua"... góp thêm những bằng chứng quý về đàn Nam Giao nói riêng và quần thể di tích thành Nhà Hồ nói chung ...
Theo lao động