Di tích Nghĩa Lập thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Di tích được Viện khảo cổ khai quật lần thứ nhất vào cuối năm 1967. Sau khi nghiên cứu tổng thể di tích và di vật, các tác giả xếp Nghĩa Lập vào văn hóa Phùng Nguyên, niên đại tương đối là Sơ kì đồng thau.
Di tích Nghĩa Lập thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Di tích được Viện khảo cổ khai quật lần thứ nhất vào cuối năm 1967. Sau khi nghiên cứu tổng thể di tích và di vật, các tác giả xếp Nghĩa Lập vào văn hóa Phùng Nguyên, niên đại tương đối là Sơ kì đồng thau.
Sau 40 năm, tháng 12/2006, di tích Nghĩa Lập được khai quật lần thứ hai trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với Viện Khảo cổ & Văn vật Tứ Xuyên và Viện Khảo cổ Thiểm Tây (Trung Quốc). Cuộc khai quật này đã có nhiều phát hiện mới, với những thông tin quan trọng.
Kết quả khai quật
Các hố khai quật và diễn biến địa tầng
|
Địa tầng hố khai quật |
Sau khi khảo sát địa hình cũng như kiểm tra địa tầng di tích bằng thuổng Lạc Dương, chúng tôi quyết định mở hố khai quật tại khu vực Xóm Chùa ở phía tây bắc thôn hiện nay. Chín (9) hố khai quật đã được mở với tổng diện tích khoảng 200m2, trong đó 8 hố mở tại khu đất vườn chùa và 1 hố mở tại khu vực ruộng ngô.
Diễn biến địa tầng của các hố khai quật tại khu vực vườn chùa là khá thống nhất nhưng khác biệt hẳn với địa tầng của khu vực ruộng ngô. Chính từ sự khác biệt về địa tầng và phần nào cả về di vật, nên chúng tôi gọi khu vực vườn chùa là khu A, còn khu vực ruộng ngô là khu B.
Diễn biến địa tầng của khu A cơ bản như sau:
- Trên cùng là lớp đất canh tác màu nâu nhạt, dày khoảng 20 - 40cm, có chỗ tới 70- 80cm, bên trong chứa nhiều mảnh sành, sứ, thuỷ tinh… hiện đại và một số hiện vật (rìu đá, mảnh gốm) Phùng Nguyên. Sở dĩ có hiện tượng này là do trong quá trình canh tác người dân đã làm lộn những hiện vật trong tầng văn hoá lên lớp trên.
- Sau lớp canh tác là lớp đất bị laterit hoá mạnh với rất nhiều sắt kết vón. Lớp này chỉ dày khoảng 10cm, phân bố không đều, chỗ có chỗ không. Trong lớp này không có hiện vật.
- Dưới lớp đất nói trên là tầng văn hoá. Tầng văn hoá dày khoảng 60 - 70cm, có chỗ dày tới 1m. Có thể chia tầng văn hoá ra làm hai lớp:
+ Lớp trên (tương ứng với lớp đào thứ 5) có màu xám đen, kết cấu tơi xốp, dày khoảng 30 - 50cm, có chỗ dày tới 80cm. Di tích và di vật tập trung chủ yếu trong lớp đất này.
+ Lớp dưới (tương ứng với lớp đào thứ 6) là đất sét vàng, khá cứng, dày khoảng 20 - 40cm. Ở lớp này chỉ tìm thấy một vài mảnh gốm vụn.
- Sinh thổ là loại đất laterit màu đỏ lẫn nhiều sỏi đầu ruồi, bề mặt lồi lõm không đều.
Diễn biến địa tầng của khu B cơ bản như sau:
- Trên cùng là lớp canh tác màu nâu, dày 15 - 20cm, bên trong chứa nhiều gạch ngói hiện đại.
- Sau lớp canh tác là tầng văn hoá, dày khoảng 60 - 80cm, màu nâu vàng và kết cấu khá chắc chứ không đen và tơi xốp như ở khu A. Di vật bên trong là đồ đá và đồ gốm, trong đó đồ gốm thường là mảnh to và màu sắc tươi hơn gốm tìm được ở khu A. Tuy vậy, các đồ án trang trí có vẻ không phong phú bằng.
- Sinh thổ là loại đất đầu ruồi, cứng, lồi lõm không đều.
Di tích
|
Mộ táng |
Mộ táng: Mộ được tìm thấy trong hố T4, độ sâu xuất lộ khoảng 60cm so với vách hố. Mộ nằm gần sát vách bắc, huyệt hình chữ nhật, dài khoảng 210cm, rộng khoảng 80cm, sâu khoảng 40 - 45cm. Huyệt mộ chạy theo trục đông - tây, lệch nam khoảng 10°. Di cốt còn khá nguyên vẹn về hình dạng, qua đó có thể biết được người chết được chôn nằm ngửa, đầu quay hướng đông, mặt hơi nghiêng sang bên tay phải (có lẽ do sức nén của đất). Qua quan sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy đây là di cốt của một cá thể trưởng thành. Độ dài hiện trạng của di cốt là 150cm, cho thấy lúc còn sống cá thể này cao khoảng 155 - 157cm. Tuy nhiên, các bộ phận có thể dùng cho việc nghiên cứu định tuổi, định giới, định chủng (sọ, xương cung mày, răng, xương chậu) hầu như đã bị tiêu mất.
Đồ tuỳ táng trong mộ có một bát bồng chân trụ, được đặt ở phía trên cách đầu người chết khoảng 20cm. Bát làm từ gốm thô pha nhiều cát, màu hồng nhạt, cả phần bát và chân đế đều được trang trí hoa văn khắc vạch khá đẹp mắt. Đường kính bát khoảng 30cm, cao khoảng 23cm.
So sánh độ sâu xuất lộ mộ với địa tầng của hố khai quật, chúng tôi nhận thấy đây là ngôi mộ có niên đại khá sớm, tương ứng với lớp văn hoá dưới của di tích.
Hố đất đen: Qua 6 hố khai quật chúng tôi đã tìm thấy tổng cộng 16 hố đất đen. Độ sâu xuất lộ của các hố này từ 30 - 50cm, thuộc lớp văn hoá trên. Các hố này có hình dạng và kích thước khác nhau, có hố hình tròn, có hố hình chữ nhật, có hố hình vuông, có hố biên ở phía trên tròn nhưng phần đáy lại vuông. Các hố tròn có đường kính khoảng 50 - 100cm, các hố vuông mỗi cạnh khoảng 80 - 100cm, các hố hình chữ nhật thường dài khoảng 100 - 140cm, rộng 80 - 100cm, độ sâu khoảng 50 - 100cm. Một số hố ở dưới đáy có một lỗ nhỏ hình gần tròn, đường kính khoảng 20 - 30cm, sâu 30 - 40cm. Về mặt phương hướng, hầu hết các hố đều nằm theo hướng tây bắc - đông nam.
Diễn biến các lớp đất trong hố không giống nhau. Một số hố, đất ở phía trên thường có màu xám đen hoặc nâu đen, ken dày mảnh gốm, than tro và đất nung, dày 20 - 40cm. Sau khi bóc hết lớp này thì có một lớp sét màu xám vàng dày khoảng 20cm. Dưới lớp sét này có một lớp than tro dày khoảng 10cm. Dưới lớp than tro lại có một lớp sét vàng nữa dày khoảng 15 - 20cm rồi mới đến sinh thổ. Tuy nhiên, một số hố khác lại chỉ có lớp đất đen lẫn gốm và đất cháy ở phía trên cùng một lớp sét vàng ở dưới. Một số hố lại chỉ có đất xám chứ hoàn toàn không có hiện vật gì.
Di vật
|
Bát bồng- đồ tùy táng |
Đồ đá: tổng số đồ đá thu được trong tầng văn hoá và hố đất đen là khoảng hơn 100 tiêu bản, với những loại hình khá phong phú như: rìu, bôn, bàn mài, bàn đập vỏ cây, mũi tên, mảnh vòng, trâm cài tóc (?)…, trong đó các hiện vật như bàn đập vải vỏ cây (có cán), mũi tên mảnh vòng đa giác, trâm, được coi là phát hiện mới trong văn hoá Phùng Nguyên.
Đồ gốm: tống số đồ gốm thu được khoảng 2 vạn mảnh và một số đồ nguyên hoặc có thể phục nguyên được hình dáng.
Qua nghiên cứu các mảnh gốm cũng như dựa vào các hiện vật còn dáng, có thể nhận thấy loại hình đồ gốm Nghĩa Lập khá phong phú, gồm các loại như: nồi, vò, bình, thố, bát, bát bồng, đĩa miệng đa giác, dọi se sợi, chạc gốm, bi gốm, tượng động vật… Về hoa văn, bên cạnh văn thừng là hoa văn kĩ thuật, có thể nói ở Nghĩa Lập có đầy đủ các loại hoa văn điển hình của văn hoá Phùng Nguyên, từ các hoạ tiết khắc vạch đối xứng phức tạp đến các đường khắc vạch đơn giản, từ những băng khắc vạch cầu kì kết hợp kiểu chấm mịn công phu đến những đường khắc vạch kết hợp với những nét chấm thô không trau chuốt… Ngoài các họa tiết hoa văn nói trên, người Nghĩa Lập còn trang trí đồ gốm của mình bằng cách tô thổ hoàng hay tô chì.
Đặc biệt, lần này chúng tôi đã tìm thấy tượng động vật. Tượng làm từ đất nung màu hồng nhạt, dạng tượng tròn, diễn tả phần đầu của một con chó (tạm gọi như vậy) đang ngửa lên trời với đầy đủ mắt, mũi, tai, phần dưới của tượng có 2 băng khắc vạch, mỗi băng 3 đường. Nhiều khả năng đây không phải là khối tượng độc lập mà có thể được gắn với một hiện vật nào đó.
Nhận xét
|
Bàn dập vỏ cây |
Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Nghĩa Lập là một di chỉ cư trú, một làng định cư của cư dân nông nghiệp có kết hợp chăn nuôi. Bên cạnh đó, cư dân cổ Nghĩa Lập còn có các nghề thủ công như làm gốm, se sợi dệt vải, làm vải vỏ cây… Mặt khác, việc tìm thấy mộ táng trong lần khai quật này cho thấy, tính chất của Nghĩa Lập là di chỉ - mộ táng. Niên đại của di tích được xác định cách ngày nay khoảng 3500 năm.
Một điều đáng lưu ý, đây chính là lần đầu tiên các cơ quan chuyên môn khảo cổ của Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác khai quật một di tích trên đất Việt Nam. Với đợt khai quật này, các nhà khảo cổ Việt Nam và Trung Quốc có điều kiện trao đổi, giao lưu học hỏi lẫn nhau cả về phương pháp khai quật cũng như những tri thức khảo cổ, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết về tình hình khảo cổ nói riêng và văn hoá nói chung của hai nước. Có thể nói, sự thành công của đợt khai quật này đã mở ra triển vọng hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ trên lĩnh vực khai quật mà còn trên các lĩnh vực khác như trưng bày, bảo quản hiện vật, đào tạo cán bộ…
Trương Đắc Chiến