Ngày 24.2, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc "Xây dựng phương án bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao, đưa vào danh mục các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", một số chuyên gia khảo cổ học và các nhà khoa học đang đề xuất 2 phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc.
Ngày 24.2, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc "Xây dựng phương án bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao, đưa vào danh mục các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", một số chuyên gia khảo cổ học và các nhà khoa học đang đề xuất 2 phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu di tích |
Thứ nhất, sẽ dành diện tích đất đặt khu biểu trưng Đàn Xã Tắc ở vị trí chính giữa tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (phương án này có ảnh hưởng tới việc phát triển giao thông). Thứ hai, sẽ đặt khu biểu trưng Đàn Xã Tắc ở vị trí phía bên phải tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (phương án này sẽ phải di dời nhà của hàng chục hộ dân nằm cạnh khu di tích); 2 phương án này đang được các cơ quan chức năng xem xét và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân cũng cho biết, khác với việc dấu tích Đàn Xã Tắc phát lộ trong lúc làm đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, thì dấu tích của Đàn Nam Giao - Thăng Long từ nhiều năm trước đây đã được các nhà khảo cổ học xác định tại vị trí của khu vực nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đã được thành phố hoạch định vị trí bảo tồn trong quy hoạch chung khu vực này, việc khảo cổ học và bảo tồn Đàn Nam Giao sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Theo ý kiến của một số nhà khoa học, xét về mặt niên đại thì Đàn Xã Tắc (thờ thần Đất, thần Ngũ cốc, thần Nông cầu cho mùa màng tươi tốt) được triều nhà Lý xây dựng trước Đàn Nam Giao (đàn để vua tế Trời, cầu sự thịnh vượng cho một vương triều) hơn 100 năm.
Theo Việt Chiến (Thanh Niên)