| Hiện vật gồm: 2 nha chương, 4 vòng tay đá, 1 chuôi rìu đá | Ngày 24/12/2006, nhân dân xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ đã tìm được một số mảnh vòng trang sức bằng đá ở địa điểm khảo cổ học Xóm Rền dưới độ sâu khoảng 40cm trong khi đào đất. Nhờ ý thức bảo vệ di tích cao, người dân đã báo cho Bảo tàng Phú Thọ đến tiến hành khai quật. Một ngôi mộ táng được phát lộ đã làm cho các nhà khảo cổ hết sức vui mừng vì đồ tùy táng không những tương đối nguyên vẹn mà còn rất quý hiếm. Căn cứ vào vị trí của các hiện vật, chúng ta có thể hình dung được cách chôn cất chủ nhân ngôi mộ này. Vị trí đầu mộ tìm thấy khoảng 50 hạt chuỗi đá hình trụ và hơn 10 mảnh vỡ của một loại vòng đá đeo cổ. Vị trí mỗi bên cổ tay, người chết được đeo 2 chiếc vòng tay đá có mặt cắt ngang hình chữ T đường kính lớn đến 12,1cm. Đặc biệt, dọc theo thân người mỗi bên được đặt 1 chiếc nha chương bằng đá ngọc nêphơrit. Cả 2 chiếc đều còn nguyên vẹn. Chiếc thứ nhất có hình dáng là một thanh đá dài và dẹt, đá màu trắng vân xám. Phần chuôi hình chữ nhật, có lỗ ở giữa chuôi. Phần lưỡi có 2 ngạnh nhọn như hình đuôi cá và được mài vát một bên. Giữa chuôi và lưỡi có những mấu nhô ra được mài giũa khá tinh tế. Chiều dài của chiếc nha chương này đạt kỷ lục trong số các nha chương tìm được ở nước ta: dài 63cm, chỗ rộng nhất 11cm. Chiếc này được chôn ở phía sườn phải người chết, phần chuôi được đặt hướng về phía đầu và phần lưỡi được đặt hướng về phía chân. Kỹ thuật chế tạo chiếc nha chương này khá tinh xảo. Toàn thân được mài nhẵn bóng dường như không có một vết ghè đẽo. Thời bấy giờ chưa có dụng cụ kim loại, người xưa đã dùng những lưỡi cưa đá, khoan đá và sự kiên nhẫn đã tạo ra một sản phẩm tuyệt hảo đến vậy. Hai bên nha chương phẳng lỳ, nổi lên những đường vân đá ngọc. Có lẽ những thợ làm đồ đá mỹ nghệ ngày nay cũng chỉ làm được đến thế là cùng. Chiếc thứ hai có dáng hình gần giống chiếc thứ nhất nhưng nhỏ hơn, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn hơn là hình đuôi cá. Hiện vật có màu trắng, vân màu hồng. Chiều dài 32,4cm, chiều rộng 7,7cm. Toàn thân cũng được mài bóng và không có vết ghè đẽo. Chiếc này được chôn phía bên sườn trái người chết. Người xưa đặt chiếc nha chương này ngược hướng với chiếc thứ nhất: chuôi hiện vật hướng về phía chân. Việc định niên đại của nha chương cũng như ý nghĩa khoa học của nó đem lại nhiều vấn đề mới và lý thú. Đây là một ngôi mộ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách đây khoảng từ 3.700 đến 3.400 năm. Địa điểm khảo cổ này đã nổi danh từ lâu mang tên là Xóm Rền, nằm gần sông Lô, thuộc địa phận huyện Phù Ninh và cách khu vực Đền Hùng không xa. Các nhà khảo cổ đã từng khai quật đến lần thứ sáu và thu được khá nhiều đồ đá, đồ gốm. Tại đây đã phát hiện 1 chiếc nha chương vào năm 1981 và 1 chiếc vào năm 2004 nhưng 2 chiếc này không đẹp và không lớn như 2 chiếc mới được phát hiện. Ngoài Xóm Rền là nơi có nhiều nha chương nhất, ở tại địa điểm Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) cũng đã tìm được 2 chiếc nha chương vào năm 1985. Hiện vật quý và hiếm, mới tìm thấy trên địa bàn vùng Đất Tổ Phú Thọ, đã cho thấy đây quả là quê hương tập trung nhiều hiện vật điển hình và đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên. Mà, như các nhà khảo cổ giải mã thì chính văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa khởi nguồn của người Việt cổ cách đây gần 4.000 năm. Nha chương: vũ khí hay một dạng quyền trượng? Nha chương là cái gì? Điều đó cho đến nay các nhà khảo cổ trong và ngoài nước vẫn còn tranh luận... Sự quý giá từ chất liệu đá ngọc, kỹ thuật chế tác đá đỉnh cao thì ai cũng thấy được nhưng với “vóc dáng” mỏng mảnh chỉ khoảng 0,5 - 0,8cm, thì làm công cụ và vũ khí sao được. Mặc dù có lưỡi mài vát một bên, nhưng do hình dáng mỏng dẹt mà chỉ đánh rơi cũng vỡ, bổ vào người hoặc thú săn thì nha chương gãy vỡ là không thể tránh khỏi. Không chỉ Việt Nam phát hiện loại hiện vật này mà Trung Quốc cũng có ở tỉnh Hà Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Phúc Kiến, Hồng Công và cũng ít khi tìm được trong mộ táng. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, các học giả Trung Quốc có nhiều cách gọi loại hiện vật này. Có khi gọi là loại ngọc “Diễm Khuê”, có lỗ ở gần đốc, có 2 tia nhọn ở lưỡi là hình tượng của sát thương, chinh phạt. Mỗi khi chư hầu không tuân lệnh thì vua sai quan đại phu cầm đến để dụ cáo. Một số gọi đây là vật hình dao có lưỡi một đầu. Nhiều người gọi là nha chương (theo sách Chu Lễ thì nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn thú). Ngay bản thân chữ “Nha” tiếng Hán có nghĩa là răng nhọn đã bao hàm ý nghĩa công kích, uy hiếp. Tác dụng của nha chương như một thứ hổ phù hay một dạng “thượng phương bảo kiếm” đầy uy lực trong quân đội. Một số ý kiến lại cho rằng, đây là một vật nghi lễ chứ không liên quan đến quân đội. Nhưng tựu trung, các nhà khoa học đều cho rằng ở đâu xuất hiện nha chương thì ở đấy xuất hiện quyền lực thủ lĩnh. Nếu quan sát hiện vật cụ thể, chúng ta có thể loại bỏ chức năng thực dụng của nha chương chỉ còn chức năng nghi lễ. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một loại hiện vật như thẻ bài, ấn tín sau này mà có lẽ cũng có chức năng tượng trưng cho một loại vũ khí, ít ra là buổi ban đầu, đó là những chiếc “qua”. Cũng cần giải thích thêm rằng, qua là một loại vũ khí phổ biến ở Trung Quốc giống như câu liêm được lắp cán dài dùng để bổ và chém, có lưỡi sắc và nhọn thường thấy ở trong nhiều bộ phim dã sử Trung Hoa. Những chiếc qua đá cũng tìm được trong văn hóa Phùng Nguyên. Nha chương có một số nét của qua thể hiện ở chỗ: có lỗ để xâu dây buộc cán, có phần gờ hai bên để buộc dây vào cán, nhiều chiếc cũng có phần lưỡi cong lệch về một bên. Vì thế, những chiếc nha chương có thể được coi là một loại “qua” nghi lễ, được lắp thêm cán và dần dà biến thành một thứ vũ khí tượng trưng cho quyền uy như một dạng quyền trường. Sản phẩm của sự giao lưu văn hóa Tương đương với niên đại của văn hóa Phùng Nguyên ở ta là đời nhà Thương bên Trung Quốc. Cả hai nước đều phát hiện ra loại hình nha chương tương đối giống nhau và khá sớm cách đây gần 4.000 năm. Nhiều người cho rằng, nha chương là hiện vật của văn hóa Trung Quốc vì tìm thấy số lượng nhiều hơn, mặc dù cũng ít khi tìm được trong mộ táng. Nếu như vậy thì những chiếc nha chương có mặt ở ta là do giao lưu văn hóa. Đó cũng là hiện tượng bình thường trong thời cổ đại, nếu như chúng ta biết rằng, ngay cả trong một ngôi mộ cổ ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc cách Việt Nam hàng ngàn cây số về phía bắc cũng có chôn theo một chiếc trống đồng minh khí đích thị của người Việt cổ. Khi mới tìm thấy, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng phải thừa nhận trống đồng minh khí không phải là sản phẩm của vùng này. Điều đó chứng tỏ không chỉ ngày nay mà con đường giao lưu kinh tế, văn hóa của Việt Nam đã sớm rộng mở và cũng vươn xa từ 4.000 năm về trước. Sự giao lưu hai chiều này đều có đi có lại. Mà không chỉ giữa ta và Trung Quốc mà còn với nhiều nước khác ở Đông Á và Đông Nam Á nữa. Tuy nhiên, những chiếc nha chương Xóm Rền vừa phát hiện được vẫn có khả năng sản xuất ở nước ta. Chất liệu làm 2 chiếc nha chương này hoàn toàn cùng loại đá ngọc màu trắng của 4 chiếc vòng tay, hạt chuỗi vòng đeo cổ điển hình của văn hóa Phùng Nguyên. Người Việt cổ vào thời điểm này cũng có trình độ chế tác đá tuyệt đỉnh thừa sức chế tạo nha chương và họ cũng có nhiều công xưởng làm đá ngọc mà điển hình là ở địa điểm Tràng Kênh, Hải Phòng. Cũng ghi nhận thêm một điểm là mộ táng mới phát hiện này đã cung cấp một bộ đồ trang sức tuyệt đẹp hiếm có của người xưa: vòng tay, hạt chuỗi, vòng cổ, tất cả đều làm bằng đá quý. Sự có mặt của loại nha chương ở Xóm Rền đã cho thấy xã hội người Việt cổ đã hình thành một số thủ lĩnh có quyền lực chi phối một cộng đồng người, nhen nhúm các tiền đề phân hóa xã hội để hình thành nên nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương trên vùng Đất Tổ. (Theo CAND) |