Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/09/2008 15:14 2368
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cuộc thám sát và khai quật khảo cổ học, do Viện Khảo cổ thực hiện theo đề nghị của UBND và Sở Văn hóa Hà Nội, trong khu vực có dấu tích Ðàn Xã Tắc gần ngã năm Ô Chợ Dừa (thuộc địa bàn phường Nam Ðồng, quận Ðống Ða), bắt đầu tiến hành từ 30 tháng 10-2006 trên diện tích 100 m2.
Cuộc thám sát và khai quật khảo cổ học, do Viện Khảo cổ thực hiện theo đề nghị của UBND và Sở Văn hóa Hà Nội, trong khu vực có dấu tích Ðàn Xã Tắc gần ngã năm Ô Chợ Dừa (thuộc địa bàn phường Nam Ðồng, quận Ðống Ða), bắt đầu tiến hành từ 30 tháng 10-2006 trên diện tích 100 m2.

Sau đó, trên cơ sở kết quả thám sát ban đầu, ngày 22-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã "đồng ý mở rộng phạm vi nghiên cứu thám sát lên 800 m2, đến hết ngày 25-12-2006" (Thông báo số 258/TB-UB). Những dấu tích văn hóa và kiến trúc được phát lộ đã từng bước mang lại cho chúng ta những kết quả bất ngờ về nhiều mặt.

Trong các lớp đất văn hóa đã thu được hàng nghìn di vật rất có giá trị. Ðó là các mảnh gạch, ngói, gốm, sứ, tiền đồng, rìu đá, mảnh vòng đá, mảnh gốm thô có niên đại từ thời văn hóa Phùng Nguyên muộn (thế kỷ III-IV) qua thời Bắc thuộc (thế kỷ VII) đến thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng. Lần đầu tiên dấu vết văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng trên dưới 3.000 năm, được tìm thấy trên đất Thăng Long. Ngoài ra, có một số đồ gốm-sứ còn nguyên lành, hiện vẫn được để tại chỗ, chưa xử lý...

Ðiều đầu tiên phải nói là việc thực hiện nghiêm túc Luật Di sản, và sau đó là thái độ có trách nhiệm đối với kết quả khai quật của UBND, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Ban quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, mang lại cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về cách ứng xử với di tích trong thời hiện tại.

Hiện trường phát lộ Đàn Xã tắc

Cách đây năm năm, cuộc khai quật khảo cổ học tại khu đất dự kiến xây dựng Nhà Quốc hội đã đem lại cho chúng ta khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vô cùng quý giá. Và bây giờ, những dấu tích mới được phát lộ, dù ít ỏi nhưng cũng đủ để khẳng định sự tồn tại của di tích Ðàn Xã Tắc Thăng Long tại khu vực này.

Các bộ chính sử của Việt Nam đều ghi rất rõ về việc lập Ðàn Xã Tắc Thăng Long: Việt sử lược và Ðại Việt Sử ký toàn thư - Bản kỷ - Quyển II đều chép việc vua Thái Tông Lý Phật Mã: "Mậu Tý, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 5 [1048], Mùa thu, tháng 9... Lập Ðàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng". Khâm định Việt sử thông giám Cương mục - Chính biên - Quyển III chép: "Mậu Tý, năm thứ 5 (1048)... Tháng 9, mùa thu... Lập đàn Xã và đàn Tắc. Lập đàn ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho được mùa".

Các dịch giả bộ chính sử thời Nguyễn chú thích: "Xã là thần Ðất hay nền tế thần Ðất. Tắc là thần Ngũ Cốc hay nền tế thần Ngũ Cốc. Xưa, người ta thường gọi quốc gia là xã tắc. Cho nên, xã tắc, ngoài việc dùng để thờ cúng, còn có tác dụng làm tượng trưng cho một nước". Ai cũng thuộc hai câu thơ của Trần Nhân Tông khi đánh xong giặc Nguyên "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông ngàn thuở vững âu vàng...", hay lời trong Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi "Giang san từ đây mở mặt; Xã tắc từ đây vững bền...".

Cho đến nay, ở Việt Nam đàn tế là loại hình kiến trúc đặc biệt, không có và không còn nhiều, luôn là tượng trưng cho một quốc gia, một dân tộc nên khi có biến động hay chiến tranh thì đàn Xã Tắc luôn là mục tiêu phá hủy đầu tiên. Cùng với Ðàn Nam Giao, Ðàn Xã Tắc là một trong hai đàn tế cực kỳ quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam trung đại. Các lễ tế ở đây đều thuộc đẳng quốc tế (tế lễ cấp quốc gia).

Về nhiều phương diện, Ðàn Xã Tắc có ý nghĩa to lớn với quốc gia, dân tộc hơn đàn Nam Giao (chỉ là nơi cầu thịnh trị cho một vương triều). Nếu Ðàn Xã Tắc do vị vua thứ hai triều Lý lập nên thì đời vua Lý thứ sáu mới dựng Ðàn Nam Giao. Chỉ 38 năm sau khi định đô tại Thăng Long, nhà Lý lập Ðàn Xã Tắc. Thế nhưng 144 năm sau đó Ðàn Nam Giao mới được xây dựng. Xét riêng về niên đại, Ðàn Xã Tắc được lập sớm hơn Ðàn Nam Giao hơn 1 thế kỷ (chính xác là 106 năm). Chính những con số này cũng đã cho thấy tầm quan trọng của kiến trúc này với quốc gia Ðại Việt.

Những sử liệu mới xuất lộ ở khu vực này là đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử kinh đô Thăng Long, góp phần thiết thực vào việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Di tích Ðàn Xã Tắc là loại hình đàn tế quan trọng, thiêng liêng không chỉ với Thăng Long mà của cả nước. Vì vậy, kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo dành ra một diện tích thích hợp để bảo tồn các di tích đã và sẽ được phát hiện khôi phục, tạo dựng lại một đàn Xã Tắc của thế kỷ XXI để ghi dấu một di tích vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của quốc gia suốt gần 1000 năm lịch sử.

Nếu có chủ trương bảo tồn khu di tích Ðàn Xã Tắc, UBND thành phố Hà Nội nên sớm chỉ đạo xây dựng phương án nắn, chỉnh lại đoạn đường này. Khu vực di tích cần được quy hoạch thành một đảo giao thông lớn, đường giao thông nên được thiết kế chạy bao hai bên, không chạy qua khu di tích (tuyệt đối không làm cầu vượt). Có thể là một khu bảo tồn nhỏ, một công viên văn hóa sẽ có mặt tại đây, nhắc nhở chúng ta về hạnh phúc được nói câu "Xã tắc từ đây vững bền" trong thời hòa bình đổi mới hiện nay.

Theo ND
(Nguồn: nhandan.com.vn)

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3472

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Ưu tiên bảo tồn dấu tích Đàn Xã Tắc

Ưu tiên bảo tồn dấu tích Đàn Xã Tắc

  • 03/09/2008 15:11
  • 2403

Ngày 19/1/2007, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc Hội thảo Báo cáo Kết quả khảo cổ và hình thức bảo tồn dấu tích Đàn Xã Tắc tại khu vực khu Xã Đàn (tại ngã tư Tôn Đức Thắng - đê La Thành - Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội).