Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/09/2008 15:05 2295
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
(Dân trí) - Không có những cuộc khai quật gây ồn ào dư luận như cuộc khai quật Lung Leng hay Hoàng thành Thăng Long… nhưng một năm làm việc cần mẫn của các nhà khảo cổ học cũng đã mang lại những tư liệu mới và khá bất ngờ. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai bản báo cáo về các cuộc khai quật ở Tây Nguyên và Tuyên Quang tại hội nghị thông báo khảo cổ học 2006.
(Dân trí) - Không có những cuộc khai quật gây ồn ào dư luận như cuộc khai quật Lung Leng hay Hoàng thành Thăng Long… nhưng một năm làm việc cần mẫn của các nhà khảo cổ học cũng đã mang lại những tư liệu mới và khá bất ngờ. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai bản báo cáo về các cuộc khai quật ở Tây Nguyên và Tuyên Quang tại hội nghị thông báo khảo cổ học 2006.

Một trong những di vật phát hiện năm 2006
Hội nghị được tổ chức trong hai ngày (28-29/9) tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khảo cổ học trên toàn quốc.

“Phát hiện” Tây Nguyên

Cuộc khai quật 9 di chỉ với diện tích 8.000 m2 tại lòng hồ thuỷ điện Plei Krong (Kon Tum) là cuộc khai quật khảo cổ lớn trong năm của ngành khảo cổ học. 5 di chỉ tại đây được khai quật toàn bộ đã cung cấp một kho tư liệu về sự cư trú của người thời tiền sử, trong đó niên đại sớm là 4000 năm, muộn là 2500 năm, 2000 năm.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết, đã có hàng nghìn công cụ lao động, đồ dùng bằng đá, gốm và đồ đồng với các rìu đồng và khuôn đúc rìu đồng được tìm thấy. Các đồ gốm thu được khá tinh xảo, thể hiện sự giao lưu với văn hoá Sa Huỳnh. Trong khi các rìu đồng và khuôn đúc đều mang đặc trưng rìu đồng Đông Sơn. Chưa hết, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy ở khu vực này những vết tích của các lò luyện kim, nhất là lò luyện sắt.

Gần 100 ngôi mộ táng được phát hiện đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều hình thức mai táng khác nhau, rất đặc biệt. Có những ngôi mộ được kè gốm, có những ngôi mộ sử dụng đá xếp thành hình người hoặc rải đá ở phía dưới… Có ngôi mộ được mai táng theo kiểu nồi bò úp vào nhau, đặt ngang hoặc theo phương thẳng đứng. Trong các đồ tuỳ táng phải kể đến những vật dụng hình dáng giống với cư dân Sa Huỳnh.

Theo TS Hà Văn Phùng, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, luật di sản văn hoá và các nghị định của Chính phủ về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cần được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Chính sự bất cập đó mà nhiều di tích, di vật đã bị phá huỷ, mất đi một cách vĩnh viễn trong thời gian chờ đợi làm sáng tỏ những ngôn từ trong luật hay nghị định.

Liên kết 50 di chỉ khảo cổ học của Kon Tum, PGS Sử cho rằng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành các cụm di tích với các tầng văn hoá dày và nghệ thuật phong phú. Điều này thể hiện các làng trong mỗi cụm di tích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và giữa các cụm cũng có mối quan hệ như vậy. “Đã đến lúc chúng ta có điều kiện nghiên cứu kĩ hơn về các làng cổ và mối giao lưu”, GS Sử nói.

Những gì tìm được đã giúp các nhà nghiên cứu có suy luận ban đầu: Tây Nguyên có thể là một trung tâm văn hoá lớn trong quá khứ, bởi chỉ có vậy mới là đối tác giao tiếp, giao lưu với văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc và Sa Huỳnh ở miền Trung. Còn nữa, việc khai quật nhiều di chỉ, phát hiện nhiều thành tựu văn hoá, nhiều ngôi mộ cổ, nhiều tư liệu quả hạt, nhiều lò kim khí… đã giúp các nhà nghiên cứu “phác” ra hướng nghiên cứu tổ chức, cơ cấu xã hội thời tiền sử. PGS Sử hi vọng, đến năm 2008 tại một hội nghị tương tự sẽ có những kết luận khoa học được đưa ra.

Bất ngờ Tuyên Quang

Bản báo cáo của GS Nguyễn Lân Cường về cuộc khai quật ở hang Phia Vài (Nà Hang, Tuyên Quang) tuy ngắn nhưng cũng đã gây được nhiều chú ý tại hội nghị. Tại cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hai con ốc trong hai hốc mắt của người tiền sử. Điều đáng nói là hai con ốc được đặt sau khi chết, khác với ngôi mộ ở Nga Sơn - hai đồng xu được đặt vào hốc mắt sau khi cải táng. Chính vì vậy hai đồng xu chui vào hốc mắt sau khi thịt bị tiêu ở hai vị trí không hoàn toàn giống nhau.

Theo GS Nguyễn Lân Cường, các tài liệu cho thấy chưa có ngôi mộ nào ở Đông Nam Á có tục đặt đồng xu vào mắt như ngôi mộ ở Phia Vài. Các đồng nghiệp quốc tế của GS Cường cũng cho biết, trên thế giới, tục này cũng rất hiếm. Rõ nét nhất chính là ngôi mộ ở Jooc-đa-ni có niên đại 7.600 - 6.500 TCN.

Người tiền sử được chôn trong ngôi mộ này là nữ giới, khoảng 45-50 tuổi, cao 1,56m. Điều đáng quan tâm nữa là sọ của người chôn trong ngôi mộ này rất cao và tròn. GS Cường cho rằng, đây là trường hợp đặc biệt trong văn hoá Hoà Bình - chúng ta chưa tìm thấy sọ nào tròn như vậy trong nền văn hoá này. Người tiền sử trong ngôi mộ là một tư liệu quí giá để nghiên cứu nhân học.

Theo GS Cường, việc tìm thấy hai con ốc trong hốc mắt của người xưa ở hang Phia Vài đã gợi mở ra một vấn đề: việc trao đổi hàng hoá ở thời kì này diễn ra như thế nào khi mà Phìa Vài cách biển đến 500km.

Cấn Cường - Phương Thảo

(Nguồn: Dân trí)

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3709

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Khai quật khảo cổ học di chỉ Cái Bèo, đảo Cát Bà

  • 03/09/2008 15:03
  • 2324

Bộ Văn hóa - Thông tin đã cho phép Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hải Phòng (Quyết định số 4356/QĐ-BVHTT) phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ học di chỉ Cái Bèo, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.