Ngày 21-9, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ (thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cùng với cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên (Lâm Đồng) tại đợt khai quật mới nhất (từ 15-7 đến 20-8-2006 vừa qua ).
Ngày 21-9, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ (thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cùng với cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên (Lâm Đồng) tại đợt khai quật mới nhất (từ 15-7 đến 20-8-2006 vừa qua ).
|
Vết tích lò gạch (ảnh của tintuconline.vietnamnet.vn) |
Theo TS khảo cổ học Bùi Chí Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ), trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ nhiều vết tích gây bất ngờ cho giới khoa học.
Di tích khảo cổ học Cát Tiên nằm trong một bồn địa (basin) rộng hàng trăm hécta trên một chặng có chiều dài khoảng 15km của trung lưu sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng.
Từ khi phát hiện đến nay, di tích Cát Tiên đã trải qua tám lần khai quật và mỗi lần khai quật là một lần vùng đất cổ Cát Tiên hé lộ những bí ẩn.
Nhà khảo cổ học Bùi Chí Hoàng cho biết: Ở lần thứ 8 này, có ba địa điểm thuộc vùng ven "trung tâm đô thị tôn giáo Cát Tiên" được khai quật là cánh đồng Bảy Mẫu, điểm Phù Mỹ và dọc tả ngạn sông Đồng Nai thuộc xã Quảng Ngãi.
Tại điểm Phù Mỹ, bất ngờ lớn nhất là các nhà khảo cổ học lần đầu tiên tìm thấy một lưỡi rìu bằng đồng cùng với hàng loạt khuôn đúc đồng và cả nồi nấu đồng; cùng đó là những hiện vật bằng đồng thuộc đồ trang sức và vật dụng sinh hoạt.
Các nhà khảo cổ bước đầu nhận định: Cát Tiên đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật kim khí (cuối thời đại kim khí), ngang tầm với một số di tích khác trong khu vực như Dốc Chùa (Bình Dương), Bưng Bạc (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Với sự phát triển như vậy, các nhà khoa học cho rằng từ trong quá khứ, cư dân cổ Cát Tiên đã có mối quan hệ khá mật thiết với các cư dân trong cả khu vực rộng lớn thuộc Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Bất ngờ thứ hai: Tại khu vực khai quật nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy dấu vết cư trú của cư dân cổ Cát Tiên. Nhưng ở lần khai quật thứ 8 này, tại vùng ven đô thị tôn giáo đó (tả ngạn sông Đồng Nai, cách trung tâm thánh địa khoảng 1,5km), dấu vết cư trú của chủ nhân di tích Cát Tiên đã được minh chứng thông qua một phát hiện lần đầu tiên: Dấu vết năm lỗ cột tròn của kiến trúc nhà ở (hoàn toàn không phải kiến trúc tôn giáo) cùng với nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình khác như bình gốm, nồi gốm, gạch xây dựng...
Cũng tại đây, một con đường rải đá rộng khoảng 7m, dài 1,8km được kè đá hai bên biên, từ bên trong khu thánh địa xuyên ra bến sông. Những phát hiện này, theo các nhà khoa học, là dấu vết cư trú của cư dân cổ Cát Tiên; đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm về con đường hành lễ (và cả vận chuyển) của cư dân này trong quá khứ.
Và đặc biệt, bất ngờ lớn nhất ở lần khai quật này có bốn lò gạch cùng những hiện vật tro đốt lò nung gạch và gạch nung (còn sót lại) tại cánh đồng Bảy Mẫu.
Cả bốn lò gạch này nằm ngay dưới lớp đất canh tác hiện tại chỉ 0,1 - 0,3m, quy mô mỗi lò dài trung bình 15m và rộng trên 3m. Điều đáng nói, khi mang những viên gạch còn sót lại trong lò đi so sánh với gạch xây dựng các đền tháp trong khu vực thì chúng trùng khít nhau.
Ở cánh đồng Bảy Mẫu, ngay dưới lớp đất mặt khoảng 0,3 - 0,4m là tầng sét mịn dẻo, mầu vàng nhạt, là nguyên liệu rất tốt để sản xuất gạch; bên trong cánh đồng có một con suối (tên gọi lúc này là V2) dẫn ra sông Đồng Nai chính là con đường vận chuyển thuận tiện.
Cho đến nay, đây là lần đầu một khu di tích lò sản xuất gạch có quy mô lớn được phát hiện tại khu di tích Cát Tiên.
Theo TS khảo cổ học Bùi Chí Hoàng: "Việc phát hiện khu lò sản xuất gạch, về ý nghĩa, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ di tích Cát Tiên, mà còn được mở rộng ra đối với việc nghiên cứu các di tích kiến trúc trong văn hoá Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, văn hóa Chămpa ở khu vực miền trung Việt Nam và rộng hơn".
Theo Lao động