Địa điểm Gò Cây Me thuộc ấp Phước Hiệp, xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tọa độ địa lý là 107˚03’657’’ kinh Đông, 10˚30’784’’ vĩ Bắc. Đây là một gò đất dạng bát úp, diện tích khoảng 1000m², cao hơn xung quanh gần 2m, nằm trong hệ thống những gò đất ngập mặn ven biển (cách đó không xa là Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (xã Phước Hoà), Gò Cây Chôm, Gò Quát Trong, Gò Quát Ngoài, Gò Bảy Mộ…).
Địa điểm Gò Cây Me thuộc ấp Phước Hiệp, xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tọa độ địa lý là 107˚03’657’’ kinh Đông, 10˚30’784’’ vĩ Bắc.
I. Giới thiệu chung
|
Địa tầng hố khai quật |
Đây là một gò đất dạng bát úp, diện tích khoảng 1000m², cao hơn xung quanh gần 2m, nằm trong hệ thống những gò đất ngập mặn ven biển (cách đó không xa là Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (xã Phước Hoà), Gò Cây Chôm, Gò Quát Trong, Gò Quát Ngoài, Gò Bảy Mộ…).
Di chỉ Gò Cây Me được các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện vào tháng 8/2002. Từ những dấu vết của tầng văn hoá và những hiện vật thu nhặt được, các cán bộ khảo sát nhận thấy di chỉ này có nhiều điểm gần gũi với những địa điểm đã phát hiện như Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me (xã Phước Hoà) hay Rạch Núi (Long An). Nhận thấy đây là một di tích quan trọng trong việc nghiên cứu thời tiền - sơ sử Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như miền Đông Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành khai quật di chỉ Gò Cây Me, từ ngày 13/7 đến 7/8/ 2004.
II. Kết quả khai quật
1. Địa tầng:
Một hố khai quật với diện tích 165m² (15x11m) nằm theo hướng tây bắc - đông nam và bao chiếm hầu hết trung tâm gò hiện tại đã được mở. Qua đó, có thể thấy đây là một di chỉ có địa tầng khá dày, trung bình 1,2 - 1,5m, chỗ dày nhất tới 1,8m. Kết cấu địa tầng: phía trên là lớp đất nâu đen, nâu nhạt; giữa là lớp đất màu nâu đỏ, khá cứng; phía dưới là lớp đất màu xám, dẻo mềm; sinh thổ là sét biển màu trắng xanh, dẻo quánh, bề mặt có những lỗ đất đen nhỏ, bên trong có lẫn than tro, mảnh gốm và xương động vật. Xen lẫn các lớp đất là những vỉa phèn cứng kết chặt với vỏ nhuyễn thể - bằng chứng cho thấy di chỉ đã bị xâm thực mạnh bởi nước biển. Một điểm đáng chú ý là lớp đất cứng màu nâu đỏ ở Gò Cây Me rất giống với Gò Cá Sỏi, An Sơn, Lộc Giang, Rạch Núi. Có thể đây là lớp nền hay sàn cư trú của cư dân vùng ngập mặn - một thế ứng xử với sự xâm thực của nước biển.
Trong địa tầng, ngoài những di tích của người xưa như than tro, xương động vật, vỏ nhuyễn thể còn có các loại hình di vật bằng đá, xương, gốm và hàng vạn mảnh gốm các loại. Đáng chú ý là di vật, đặc biệt là đồ gốm, không hề có sự diễn biến sớm muộn, nói cách khác là có tính bảo lưu rất lớn.
2. Di vật:
2.1. Đồ đá: thu được 178 tiêu bản, hầu hết là công cụ lao động với các loại hình như rìu bôn, đục, bàn mài, ngoài ra còn có phác vật, hòn ghè, hòn cuội và đá nguyên liệu. Rìu bôn thuộc loại tứ giác và có vai, trong đó loại có vai chiếm ưu thế (hơn 60%). Rìu bôn Gò Cây Me nhìn chung giống với các di tích ở Đông Nam Bộ khác như An Sơn, Lộc Giang, Rạch Núi…với những đặc điểm như: dáng hình thang, đốc hẹp, lưỡi rộng, tiết diện ngang hình chữ nhật, trên thân còn rất nhiều vết ghè đẽo…
|
Công cụ xương |
2.2. Đồ xương: có 27 tiêu bản với các loại hình như mũi lao có ngạnh, mũi nhọn (một hoặc hai đầu), phác vật rìu, xương có vết chế tác, ngoài ra còn có một khối lượng lớn xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể. Bộ đồ xương này không chỉ có giá trị trong nghiên cứu so sánh với các di tích khác mà còn là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường và đời sống vật chất của người xưa.
2.3. Đồ gốm: thu được 7 tiêu bản và 13 vạn mảnh gốm.
- Loại hình: có nồi, vò hình cầu, bát bồng, bát đáy lồi, cốc, đạn câu cua, cà ràng, bi gốm…, trong đó nồi, vò hình cầu, miệng khum hoặc đứng là đặc trưng của Gò Cây Me.
- Chất liệu: gồm có gốm thô và gốm mịn. Gốm thô có mặt ngoài nâu đỏ hoặc vàng nhạt, xương gốm đen, hơi xốp, pha nhiều bã thực vật và vỏ nhuyễn thể tán nhỏ. Loại này chiếm tới 97% tổng số mảnh gốm. Gốm mịn cứng chắc, màu nâu đen hoặc nâu đỏ, xương nâu, pha cát mịn. Loại này chỉ có 3%.
- Hoa văn: có mối quan hệ mật thiết với chất liệu. Trên gốm thô hoa văn chủ yếu là văn thừng, một số mảnh được trang trí những đường sóng nước hoặc chấm - vạch, một vài mảnh có hoa văn đắp nổi. Trong khi đó, hoa văn chủ đạo trên gốm mịn là văn chải, và để trang trí, người ta cũng vạch lên những đường sóng nước hoặc những đường khắc vạch song song.
III. Một vài nhận xét
1. Tính chất di tích: Gò Cây Me là một di chỉ cư trú ở vùng ngập mặn ven biển, có quá trình tồn tại lâu dài và liên tục, thể hiện ở địa tầng dày, liên tục và khối lượng di vật đồ sộ. bên cạnh đó, đây còn là một trung tâm sản xuất gốm tiền sử. Có thể nói vậy bởi đồ gốm tìm được loại hình thì đơn giản mà số lượng lại rất lớn, mặt khác đã tìm thấy rất nhiều mảnh miệng méo, nứt phải gắn thêm đất sét; ngoài ra còn thấy cả dấu vết vỏ nhuyễn thể được nghiền để làm xương gốm. Cần lưu ý, sinh thổ ở đây là loại đất sét mịn rất phù hợp cho việc làm gốm.
2. Niên đại: mẫu than ở những lớp sâu nhất trong địa tầng đã được phân tích C14 để xác định niên đại tuyệt đối của di chỉ. Kết quả là một mẫu có tuổi 3350 ±75B.P và một mẫu là 2920 ± 75B.P. Như vậy, qua nghiên cứu di tích, di vật và kết quả C14, các nhà khảo cổ xếp Gò Cây Me vào giai đoạn kim khí sơ kì, nằm trong khung niên đại khoảng 3500 - 3000 năm cách ngày nay.
3. Các mối quan hệ văn hoá: So sánh Gò Cây Me với một số di tích gần gũi với nó trong không gian và thời gian như Rạch Núi, Gò Cá Sỏi hay Gò Cây Me (xã Tân Hoà), không khó để nhận thấy giữa chúng có rất nhiều điểm tương đồng về di tích, di vật (nhất là đồ gốm) và môi trường sinh thái. Phải chăng, đã đến lúc có thể phân lập một văn hoá khảo cổ với các di tích có cùng tính chất văn hoá, niên đại và môi sinh - văn hoá Rạch Núi - như nhà khảo cổ quá cố Phạm Văn Kỉnh đã đề xuất từ năm 1978.
Nguyễn Mạnh Thắng - Trương Đắc Chiến