Thực hiện Quyết định của Bộ Văn hoá- Thông tin, từ ngày 28 tháng 10 đến 31 tháng 12 năm 2005, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Ninh Thuận tiến hành điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học di tích đền- tháp Hoà Lai nhằm phục vụ cho dự án tu bổ, phục hồi di tích.
Thực hiện Quyết định của Bộ Văn hoá- Thông tin, từ ngày 28 tháng 10 đến 31 tháng 12 năm 2005, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Ninh Thuận tiến hành điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học di tích đền- tháp Hoà Lai nhằm phục vụ cho dự án tu bổ, phục hồi di tích.
|
Toàn cảnh khu di tích đền- tháp Hoà Lai |
Di tích nằm sát với quốc lộ 1A, cách thị xã Phan Rang 14 km về phía Bắc, thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ngoài tên Hoà Lai khu tháp còn có tên gọi khác là Ba Tháp, Yang Hakaral... Toàn bộ khu tháp quay về hướng Đông. Hiện nay di tích còn hai tháp Bắc và Nam, còn tháp Giữa chỉ là một gò đất có diện tích khoảng 350m
2, cao hơn xung quanh 1,2- 1,5m, đây là nơi tập trung nghiên cứu khai quật đợt này.
Với 4 hố khai quật và 5 hố thám sát (diện tích 367m2) được mở ở các vị trí tháp Giữa, phía Đông, phía Tây và phía Nam của di tích đã làm xuất lộ phế tích tháp Giữa, tháp cổng của tháp Giữa, tường bao và phế tích kiến trúc trước tháp Nam.
Ở vị trí tháp Giữa đã xác định được tiền sảnh (lối vào tháp), nền lòng tháp, đế tháp và móng. Vật liệu xây tháp là gạch chữ nhật có kích thước dao động dài từ 33- 40cm, rộng từ 18- 22cm, dày 5- 8cm. Tường tháp được xử lý mặt trong và ngoài bằng kỹ thuật mài chập tạo mạch rất khít, ruột tường được xây mạch vữa to. Mặt ngoài được trang trí các băng hoa sen, các đường soi rãnh ngang dọc, phù điêu sư tử, chim thần Garuda, voi.... đục chạm trực tiếp lên mặt gạch. Bước đầu xác định được kích thước của tháp với mỗi cạnh khoảng 12m.
Ngoài ra, còn xác định được vết tích tháp cổng của tháp Giữa có bình đồ gần vuông (6,4 x 6,8cm), vết tích tường bao khu tháp ở phía Đông, Tây và Bắc (115 x 52,2m). Xác định được phế tích kiến trúc trước tháp Nam.
|
Hố khai quật |
Điều đặc biệt trong đợt khai quật đã xác định ở tháp Giữa tồn tại hai lớp kiến trúc, có thể lúc đầu tháp Giữa chỉ là một đài thờ ngoài trời, sau đó được xây dựng thành tháp thờ. Đây là một tư liệu quan trọng góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của tháp Chàm. Ngoài ra còn xác định được mỗi tháp có một tháp cổng và vết tích tường bao ngăn cách giữa các tháp. Điều này phản ánh việc khu di tích được xây dựng, mở rộng trong nhiều thời kỳ mà thông qua kết quả khai quật khảo cổ học mới biết đến.
Về niên đại theo H.Parmentier khu đền- tháp Hoà Lai có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Phần lớn các nhà nghiên cứu về Chămpa hiện nay cũng đồng tình với niên đại trên.
Kết quả khai quật khảo cổ học về khu đền- tháp Hoà Lai mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các cuộc nghiên cứu khai quật khảo cổ học làm rõ mặt bằng di tích, từng bước lý giải quá trình tồn tại và vị thế của khu đền- tháp này trong lịch sử của vương quốc Chămpa.
TS. Vũ Quốc Hiền
Lê Văn Chiến