Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/05/2018 00:00 4179
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Khác với các công trình bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại trên thế giới, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philipine tại thủ đô Manila chính thức mở cửa vào ngày 18/05/2018 là một công trình thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Cùng với những ứng dụng công nghệ mới trong trưng bày bảo tàng, các giá trị kiến trúc được tôn vinh trong từng đường nét chi tiết và không gian để tạo nên sự hòa quyện giữa các giá trị kiến trúc hiện đại và văn hóa truyền thống.

Khác với các công trình bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại trên thế giới, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philipine tại thủ đô Manila chính thức mở cửa vào ngày 18/05/2018 là một công trình thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Cùng với những ứng dụng công nghệ mới trong trưng bày bảo tàng, các giá trị kiến trúc được tôn vinh trong từng đường nét chi tiết và không gian để tạo nên sự hòa quyện giữa các giá trị kiến trúc hiện đại và văn hóa truyền thống.

Phối cảnh thiết kế không gian sân vườn phía trước bảo tàng

Hình khối tổng thể công trình

Quần thể các công trình bảo tàng trong khu Bảo tàng Quốc gia Philipines

Khi kiến trúc hiện đại hòa quyện cùng giá trị truyền thống.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philipines nằm trong hệ thống 4 bảo tàng thành phần thuộc Bảo tàng Quốc gia Philipines là bảo tàng có ba tòa nhà ở Manila; Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia và Cung thiên văn Quốc gia để trưng bày giới thiệu với công chúng quốc tế và trong nước toàn bộ hệ thống các giá trị văn hóa lịch sử, môi trường, tự nhiên của quốc đảo Philipines. Công trình được đánh giá là công trình văn hóa quan trọng nhất của đất nước Philipines trong thế kỷ 21.

Mặt đứng thiết kế công trình

Chi tiết giải pháp kết cấu công trình

Sơ đồ mặt cắt điển hình công trình

Sơ đồ mặt cắt mô tả giải pháp tiết kiệm năng lượng từ chiếu sáng tự nhiên

Sơ đồ mặt cắt mô tả giải pháp thông gió theo chiều đứng công trình

Khu bảo tàng quốc gia chính thức được khởi động năm 1998 khi Luật Bảo tàng Quốc gia Philipines được thông qua, yêu cầu chuyển đổi ba tòa nhà công cộng trong công viên Luneta tại trung tâm thủ đô Manila gồm tòa nhà Lập pháp, tòa nhà Tài chính và tòa nhà Bộ Xây dựng & Du lịch thành các bảo tàng trưng bày thành phần thuộc bảo tàng Quốc gia Philipines. Trong đó, tòa nhà Tài chính được chuyển đổi thành Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia năm 1998. Tòa nhà Lập pháp đã được chuyển đổi thành Bảo tàng Mỹ thuật vào năm 2000. Cuối cùng tòa nhà Bộ Xây dựng & Du lịch được chính thức quyết định chuyển đổi trở thành Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên năm 2013.

Phối cảnh mặt đứng công trình sau khi hoàn thành

Mặt đứng chính công trình theo kiến trúc tân cổ điển sau khi cải tạo

Mặt bằng tổng thể cấu trúc mái với vòm kính công trình

Để làm được điều này, năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philippines mời 5 kiến ​​trúc sư trong nước và quốc tế tham gia cuộc thi lựa chọn phương án thiết kế cải tạo. Phương án thiết kế cải tạo của kiến ​​trúc sư Dominic Galicia và nhà thiết kế nội thất Tina Periquet đã được chọn lựa để trở thành phương án thi công cải tạo chính thức. Sau khi có phương án thiết kế, các nhà thầu thi công cũng đã chính thức được mời tham gia vào tháng 09/2015.

Sau khi hoàn thành và mở cửa cho công chúng tham quan, công trình là nơi trưng bày sưu tập các hệ thống hiện vật đồ sộ với khoảng thời gian bắt đầu từ thời tiền sử cách đây hàng nghìn năm cho đến các mẫu hiện vật thời kỳ đương đại, nhằm giới thiệu các câu chuyện về đa dạng sinh học của Philippines và sự hình thành địa chất và đa dạng sinh học độc đáo qua tất cả các giai đoạn thời kỳ lịch sử khác nhau.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quá khứ trong khi vẫn đảm bảo đánh giá được tính đa dạng sinh học tự nhiên của Philipines trong tương lai, công trình bảo tàng mới là một ví dụ sáng ngời về sự hợp nhất hài hòa giữa cũ và mới. Với các ưu thế về việc tôn trọng tối đa các giá trị truyền thống bằng việc duy trì mặt tiền vốn có của tòa nhà theo ngôn ngữ kiến trúc tân cổ điển, các kiến trúc sư đã bổ sung thêm các yếu tố kiến trúc hiện đại, trong đó tâm điểm của thiết kế mới chính là mái vòm bằng kính được hỗ trợ bởi một cấu trúc xoắn kép được lấy cảm hứng từ cấu trúc DNA có trong tự nhiên.

Không gian xây xanh phía trước bảo tàng

Khu vực không gian sân trong dưới mái vòm kính của bảo tàng

Cấu trúc mái vòm kính và hệ thống thang máy, hành lang cầu đưa du khách đến các không gian

trưng bày

Có tổng mức đầu tư 600 triệu Peso Philipines, được bao bọc bằng những tấm thép hình tam giác giống như những bức tranh lễ hội, mái vòm mới thực sự đúng với tên gọi riêng là “tán cây của cây sự sống” và đóng vai trò mái vòm che phủ kín toàn bộ khu vực sân trong, là nơi dự kiến được thiết kế cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trưng bày ngoài trời ban ngày cũng như ban đêm. Giải pháp mái vòm kính cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu sáng đến các góc nội thất của tòa nhà không chỉ tạo nên tính tiện nghi và tiết kiệm trong sử dụng năng lượng của tòa nhà mà còn là một trong những đặc điểm bắt mắt nhất của tòa nhà lung linh với các khoảng sáng tối đan xen trên vòm trần.

Cấu trúc trục đứng cũng đóng vai trò là trục giao thông đứng bao gồm hệ thống thang máy và khung đỡ hệ thống đường dốc liên kết các tầng nội thất bên trong tòa nhà.

Cấu trúc mái vòm kính với ánh sáng lung linh từ trên trần nhà

Chi tiết cấu trúc thang máy tích hợp tại không gian sân trung tâm bảo tàng

Không chỉ tiện nghi cho khách tham quan thông thường, đây cũng là công trình bảo tàng được thiết kế ưu tiên tiếp cận đối với người khuyết tật. Bên cạnh bố trí hệ thống đường dốc cho người khuyết tật sử dụng xe lăn có thể tiếp cận tới tất cả các không gian trưng bày và tiện ích của bảo tàng, công trình cũng được bố trí rất nhiều các hệ thống hỗ trợ đồng bộ khác cho người khuyết tật như hệ thống hỗ trợ thuyết minh cho người khiếm thính, hệ thống giới thiệu bằng chữ nổi cho người khiếm thị.

Công trình cũng được bố trí đầy đủ hệ thống các không gian phụ trợ như hệ thống bãi đỗ xe, không gian giải lao - cafe đồng bộ.

Không gian giải lao cafe bên trong nội thất công trình

Khu vực trưng bày trải nghiệm dành cho thiếu nhi

Tổ chức tuyến tham quan độc đáo.

Được coi là một trong những quốc đảo rộng lớn thuộc khu vự Đông Nam Á, các vùng biển Philippines từ lâu là trung tâm đa dạng sinh học biển, thậm chí là "trung tâm của trung tâm" trong một số nội dung nhất định. Trên đất liền, Philipines cũng có rất nhiều các loài động thực vật đặc hữu khác nhau, với một số loài quý hiếm nhất đã khiến các nhà khoa học thế giới đã say mê khám phá - nghiên cứu trong hàng thập kỷ qua. Với sự phong phú như vậy, toàn bộ các giá trị phong phú của hệ sinh thái biển và đất liền Philipines sẽ được tập trung giới thiệu trong tổng cộng 12 phòng trưng bày cố định trên 5 tầng của tòa nhà bố trí dọc theo các tuyến mặt tiền công trình và một không gian sân trong chung tâm đóng vai trò không gian trưng bày tạm thời cũng như nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Chi tiết không gian trưng bày trên tầng 2 của bảo tàng

Nhà thiết kế nội thất trưng bày Tina Periquet đã bố trí phương án trưng bày độc đáo khác lạ. Khác với các công trình bảo tàng thông thường khi khách tham quan chỉ có thể tham quan các không gian trưng bày từ các phòng tầng thấp lên cao, khách thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philipines, sau khi bước qua lối vào chính tới sân trung tâm sẽ sử dụng hệ thống thang máy ở tầng gốc của cấu trúc “cây sự sống” đi đến sảnh chính tại tầng 05 trên cùng và thực hiện tuyến tham quan liên tục từ tầng cao nhất đến tầng thấp nhất.

Hiện vật trưng bày các đồ gốm cổ hình người

Hiện vật tượng phụ nữ truyền thống trưng bày tại bảo tàng

Không gian trưng bày về vật dụng đồ dùng truyền thống

Từ trên cao xuống thấp, các phòng trưng bày được bố trí theo giải pháp “nghịch đảo” mang đến một cái nhìn chung và đầy đủ nhất về môi trường sống khác nhau, từ những ngọn núi cao nhất tới những vùng sâu trong đại dương, cùng với sự đa dạng sinh học tương ứng của mỗi sinh cảnh tại quốc đảo Philipines.

Với hệ thống hiện vật trưng bày về lịch sử và tự nhiên đồ sộ, với cách bố trí theo các chủ đề nổi bật, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Philipines được công chúng tham quan và chuyên gia đánh giá là có tính khoa học và hàn lâm cao. Các mẫu vật tự nhiên được trưng bày sinh động theo nhiều cách khác nhau để làm bật bối cảnh và không gian sinh tồn nguyên bản kèm theo hệ thực vật và động vật địa phương của Philippines.

Hiện vật trưng bày xương động vật biển

Không gian trưng bày các động vật trên đất liền

Không gian trưng bày mẫu sinh vật chuồn chuồn

Hiện vật trưng bày các loài chim đầm lầy

Để giới thiệu đa dạng sinh học phong phú của đất nước Philipines, các chủng loại mẫu vật trưng bày được giới thiệu bao gồm từ các hệ thực vật địa phương đến các hóa thạch cung cấp bằng chứng về sự hình thành phức tạp của quần đảo và khám phá những loài động - thực vật mới được phát hiện.

Mô hình hiện vật trưng bày động vật nhuyễn thể

Tại sảnh bảo tàng, một trong số những điểm thu hút chính là mô hình con cá sấu lớn nhất có tên gọi Lolong. Lolong là con cá sấu nước ngọt khổng lồ đã được thu giữ, chăm sóc từ tay các tay buôn lậu động vật hoang dã và chuyển thành mẫu vật trưng bày sau khi chết tại bảo tàng vào tháng 06/2017 để trưng bày giới thiệu cho công chúng những hiểu biết thú vị về một loài động vật hoang dã rất phổ biến ở Philippines, cũng như làm rõ thêm cho công chúng - khách tham quan những hiểu biết thêm về sinh thái đầm lầy.

Khách tham quan chiêm ngưỡng mô hình cá sấu hoang dã khổng lồ

Mô hình cá sấu hoang dã khổng lồ trưng bày tại bảo tàng

Mô hình thực tế ảo tương tác 3D trưng bày trong không gian bảo tàng

Bên cạnh các mẫu vật trưng bày thông thường, bảo tàng cũng ứng dụng các mô hình 3D tương tác thực tế ảo bao gồm mô hình nói về trái đất sống động cũng như các mô hình trình chiếu giới thiệu về các hệ thống sinh cảnh trên biển và đất liền tại các phần không gian giới thiệu khác nhau.

Nguyễn Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh - Khi kiến trúc truyền thống định hình theo ngôn ngữ hiện đại.

Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh - Khi kiến trúc truyền thống định hình theo ngôn ngữ hiện đại.

  • 24/04/2018 23:59
  • 3967

Được thiết kế bởi các kiến trúc sư của công ty danh tiếng AREP (CH Pháp), công trình được xây dựng tại khu trung tâm thành phố Bắc Kinh trên khu đất diện tích hơn 60.000 m2. Công trình được thiết kế để nêu bật các di sản văn hoá của thủ đô Bắc Kinh qua phong cách hiện đại, định vị tầm nhìn hướng tới tương lai của thành phố. Với các thủ pháp thiết kế đặc biệt, rất nhiều các đánh giá chuyên môn cho thấy nhiều thuộc tính cổ điển của kiến trúc truyền thống Trung Hoa đã được định hình bằng một ngôn ngữ hiện đại trong các thiết kế kiến trúc nội thất công trình.