Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/03/2018 00:00 5105
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đan Mạch được biết đến như một quốc gia biển hàng đầu trên thế giới. Được khánh thành ngày 5/10/2013, bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch (National Maritime Museum of Denmark) với kiểu kiến trúc “ngầm” độc đáo đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống bảo tàng quốc gia, là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời, triển lãm, sự kiện và trở thành trung tâm văn hóa không chỉ của thành phố Helsingor mà cả đất nước Đan Mạch.

Đan Mạch được biết đến như một quốc gia biển hàng đầu trên thế giới. Được khánh thành ngày 5/10/2013, bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch (National Maritime Museum of Denmark) với kiểu kiến trúc “ngầm” độc đáo đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống bảo tàng quốc gia, là nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời, triển lãm, sự kiện và trở thành trung tâm văn hóa không chỉ của thành phố Helsingor mà cả đất nước Đan Mạch.

Một cấu trúc tổng thể công trình ngầm độc đáo trong mối tương quan với khu vực lâu đài cổ.

Tổng thể công trình với ánh sáng về đêm.

Khối công trình bảo tàng ngầm độc đáo...

Được thiết kế bởi các kiến trúc của BIG Architects, công trình được thiết kế và thi công xây dựng tại thành phố Helsingor, miền bắc Đan Mạch. Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch nằm trong bối cảnh lịch sử và không gian hết sức độc đáo – giữa lâu đài Kronborg – một trong những tòa nhà quan trọng và nổi tiếng nhất của Đan Mạch và trung tâm văn hóa mới Culture Yard. Kết hợp giữa yếu tố lịch sử và ý tưởng hiện đại về không gian trưng bày, công trình phản ánh sứ mệnh lịch sử và vai trò đương đại của Đan Mạch - một trong những quốc gia hàng hải lớn mạnh nhất trên thế giới.

Sơ đồ vị trí bảo tàng.

Sơ đồ mặt bằng tổng thể bảo tàng.

Sơ đồ mặt bằng tầng 1 bảo tàng.

Sơ đồ mặt bằng tầng 2 bảo tàng.

Sơ đồ các mặt cắt điển hình công trình.

Với quy mô diện tích sàn xây dựng lên tới 17,500 m2, công trình có đầy đủ chức năng của một bảo tàng hiện đại cấp quốc gia. Vì vị trí độc đáo, nằm trong khu vực đô thị cổ cần được bảo tồn nên các kiến trúc sư của BIG Architects đã thiết kế một mô hình bảo tàng ngầm độc đáo giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng với cảnh quan kiến trúc đồng thời mô tả chân thực các ý tưởng về những chiếc tầu nổi tiếng thế giới.

Về đơn vị thiết kế BIG (Bjarke Ingels Group), công ty được chính thức thành lập năm 2005, có trụ sở tại Copenhagen và New York, gồm một nhóm các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, các nhà xây dựng và các nhà phát kiến ý tưởng hoạt động trên các lĩnh vực: kiến trúc, đô thị, nghiên cứu và phát triển. Các công trình của BIG tập trung tại các khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á và vùng Trung Đông. Bjarke Ingels (1974) là người sáng lập BIG.

Điểm nhấn trong quan điểm thiết kế của BIG có nền tảng chính từ sự giao thoa đa văn hóa trên toàn thế giới, các dòng chảy kinh tế toàn cầu, sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc đã nảy sinh cách thức, phương pháp mới tổ chức đô thị và công trình kiến trúc. Năm 2007, BIG đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch tại Helsingor. Ban Giám Khảo cuộc thi nhận xét: Thiết kế của BIG vượt trội so với các phương án khác nhờ sự độc đáo trong thiết kế và xây dựng. Thay vì cố gắng thiết kế tổ chức các khối công trình lấp đầy trong khuôn viên xây dựng tại vị trí ụ tàu cũ, BIG đã khéo léo sử dụng lại ụ tàu để “gói” bảo tàng vào trong đó để tạo nên một cấu trúc bảo tàng nằm thấp dưới cốt nền hiện trạng chung. Công trình đã cùng lúc bảo tồn cấu trúc di tích và tạo khoảng sân trong đưa ánh sáng và không khí vào trung tâm bảo tàng. Thiết kế của BiG giống như phép màu thống nhất giữa cái hiện hữu và không hiện hữu trong một chỉnh thể kiến trúc hoàn chỉnh. Những mảng tường bê-tông thô mộc, đầy những dấu tích của thời gian đã được bảo toàn để tôn vinh giá trị thẩm mỹ và lịch sử của ụ tàu.

Thiết kế với hệ thống không gian trưng bày và cầu dẫn độc đáo.

Cấu trúc kính và bê tông được sử dụng cho công trình.

Bằng cách này, BIG không chỉ tạo nên một ốc đảo dưới mực nước biển mà còn thể hiện sự tôn trọng lâu đài Kronborg kề bên. Thiết kế là kết quả của quá trình phân tích thấu đáo các nhu cầu công năng của bảo tàng, cũng như thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về khu đất, góp phần biến Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch thành công trình đẳng cấp thế giới. Đây cũng được xem như món quà dành tặng lâu đài Kronborg, thành phố Helsingor và các thủy thủ khắp mọi nơi.

Thiết kế đặt dưới lòng đất, với một hệ thống cầu nối giữa các bức tường 60 năm tuổi của ụ tàu, thiết kế đã biến ụ tàu trở thành trung tâm trưng bày và tạo một không gian thoáng đãng bên trên – nơi các du khách có cơ hội chiêm nghiệm quy mô xưởng sửa chữa tàu.

Thiết kế tổ chức không gian cũng tổ chức 03 chiếc cầu hai cấp bắc ngang ụ tàu vừa đóng vai trò kết nối không gian hai bên, vừa tạo các lối đi tắt đến các khu vực khác nhau trong bảo tàng: Cây cầu cảng khép lại không gian ụ tàu, đồng thời mở ra lối đi dạo quanh cảng biển; Cây cầu “thính phòng” kết nối giữa Trung tâm Văn hóa (Culture Yard) và lâu đài Kronborg; Cây cầu dốc zig-zag đưa du khách đến cổng chính bảo tàng. Các cây cầu này là sự hòa quyện của yếu tố “cổ xưa” và “hiện đại”, dẫn du khách xuống không gian bảo tàng để chiêm ngưỡng không gian kì vĩ phía trên và không gian trong lòng đất.

Lịch sử lâu đời và cao quý của quốc gia Đan Mạch chuyển động không ngừng giữa không gian bên trong và xung quanh ụ tàu với độ sâu 7m từ mặt đất. Các sàn nhà - liên kết phòng trưng bày với thính phòng, phòng họp, văn phòng, quán cafe và sàn xưởng tàu phía dưới, vừa mang đặc trưng văn hóa vừa gợi mở không gian điêu khắc.

Trong suốt 5 năm thi công, từ một ụ tàu cũ kĩ bỏ không với những mảng tường bê-tông, nơi đây đã trở thành một bảo tàng hiện đại với những cây cầu đầy ánh sáng và trang nhã. Để có thể hoàn thành một công trình thấp hơn mực nước biển, đòi hỏi những kĩ thuật xây dựng chưa từng được thực hiện ở Đan Mạch. Các bức tường bê-tông có độ dày 1,5m và sàn dày 2,5m của ụ tàu bị cắt mở và sau đó được đắp lại. Các cây cầu thép với những đoạn thép khổng lồ được sản xuất trên một cầu tàu thép Trung Quốc và vận chuyển đến Đan Mạch trên chiếc tàu lớn nhất từng đậu ở Helsingor. Mỗi đoạn thép nặng 100 tấn, được cẩu lên bởi hai chiếc máy cẩu di động lớn nhất Bắc Âu.

Không gian nội thất và hiện vật trưng bày ấn tượng.

Các không gian trưng bày đều ở dưới lòng đất. Các hình ảnh trình chiếu đầy chủ ý và ẩn dụ về bối cảnh và thời gian làm nền cho các không gian trưng bày đa phương tiện, bắt đầu với một tưởng tượng về khao khát phổ quát để khám phá những bờ biển xa xôi và trải nghiệm những chuyến phiêu lưu trên biển.

Các hiện vật trưng bày được đặt trong khung cảnh và bối cảnh nổi bật ấn tượng.

Các chủ đề trưng bày dẫn dắt từ lịch sử phát triển của hàng hải Đan Mạch, đến vai trò hiện nay của ngành vận tải trên toàn cầu, được giới thiệu ở nhiều góc độ tiếp cận bao gồm giới thiệu cụ thể các khái niệm về bến cảng, hàng hải, chiến tranh và thương mại biển. Trưng bày đã được tiếp cận với nhiều đối tượng thông qua sự kết hợp của nhiều quan điểm khác nhau trong ngành vận tải biển.

Khu trưng bày hiện vật chủ đề Hàng hải thể ký 16 – 19.

Bên trong nội thất, các kiến trúc sư đã sử dụng nhiều các thủ pháp trang trí trên cở sở nắm bắt và hiểu rõ các đặc tính điêu khắc độc đáo của tòa nhà trong từng bối cảnh, để tạo nên tính độc đáo và cố kết chặt chẽ, tăng cường và bổ sung cho nhau giữa kiến trúc và nội thất.

Hệ thống tủ kính trưng bày với kích thước và hình khối ngẫu hứng.

Các không gian rất hẹp, được sử dụng cho không gian trưng bày chủ đề Chiến tranh biển để gợi lên bầu không khí áp bức của chiến tranh. Các không gian rộng mở, được sử dụng cho các phần không gian trưng bày về lịch sử đương đại nhấn mạnh sự rộng lớn của biển cả, hoặc quy mô lớn của toàn cầu hóa đương đại.

Không gian trưng bày theo chủ đề Chiến tranh biển.

Công trình có sử dụng rất nhiều hệ thống ánh sáng mầu và đơn sắc để tạo nên các hiệu ứng trình chiếu khác nhau, góp phần mang đến những cảm xúc sống động cho người xem.

Mô hình trưng bày trong môi trường tương tác ánh sáng và âm thanh ấn tượng.

Không gian trưng bày sử dụng công nghệ tương tác ấn tượng.

Về hiện vật trưng bày, tùy theo từng chủ đề, bên trong bảo tàng giới thiệu hàng nghìn hiện vật ở nhiều chủng loại và kích thước khác nhau. Các hiện vật bé bao gồm đồ tùy thân của các thủy thủ Viking từng tung hoành trên khắp các đại dương khu vực Scandinavia trong các giai đoạn lịch sử trước đây, các dụng cụ hàng hải như la bàn, bản đồ hàng hải từ đơn giải đến hiện đại qua các thời kỳ.

Mô hình thuyền đi biển của người Viking trưng bày tại bảo tàng.

Không gian trưng bày các hiện vật mô hình tàu.

Các hiện vật đồ sộ có kích thước lớn như các mô hình tàu biển với tỷ lệ 1/10 qua các thời kỳ cũng được lựa chọn trưng bày trong các không gian trưng bày chủ đề của bảo tàng. Thậm chí cả các hiện vật có liên quan đến các cuộc chiến tranh trên biển như các quả ngư lôi, thủy lôi kích thước thật cũng được lựa chọn trưng bày dưới nhiều hình thức treo, móc, thả rơi trong không gian.

Không gian trưng bày theo chủ đề trang phục hàng hải.

Hiện vật cong ten nơ trong không gian trưng bày chủ đề hàng hải với xu thế toàn cầu hóa.

Bên cạnh các không gian trưng bày, nội thất công trình còn đầy đủ các khu chức năng phụ trợ đồng bộ như khán phòng 300 chỗ, không gian giải lao cafe trong nhà cũng như hệ thống các khu và trung tâm phục chế sản phẩm khác.

Không gian khán phòng 300 chỗ tổ chức hòa nhạc về đêm.

Không gian khán phòng trong nhà.

Không gian tổ chức hòa nhạc về đêm.

Không gian cafe giải lao và nhà hàng trong khuôn viên bảo tàng.

Đánh giá chung, với thiết kế công trình bảo tàng ngầm, các kiến trúc sư của BIG Architects đã phá vỡ các quy tắc khi thực hiện thiết kế Bảo tàng Hàng hải mới ở Helsingør. Với các ý tưởng độc đáo của mình, thiết kế bảo tàng Hàng hải Quốc gia Đan Mạch giành được giải thưởng RIBA năm 2015.

Sân trung tâm là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa sinh hoạt cộng đồng.

Sân trung tâm với ánh sáng lung linh về đêm.

Nguyễn Thị Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tàng Khoa học Quốc gia Gwacheon(Gwacheon National Science Museum)

Bảo tàng Khoa học Quốc gia Gwacheon(Gwacheon National Science Museum)

  • 01/02/2018 15:03
  • 3893

Các quốc gia phát triển đều xây dựng một hệ thống bảo tàng khoa học thuộc hệ thống các bảo tàng quốc gia nhằm giới thiệu các lịch sử và thành quả phát triển về khoa học công nghệ của mình, cũng như dự báo những xu hướng phát triển trong tương lai mà khoa học đem lại. Bảo tàng khoa học thể hiện trình độ khoa học và công nghệ của một quốc gia. Với Hàn Quốc, một quốc gia có nền khoa học phát triển nhất Châu Á, Bảo tàng Khoa học Quốc gia Gwacheon (Gwacheon National Science Museum) được xem là biểu tượng - nơi giới thiệu niềm tự hào về phát triển khoa học của đất nước Kim Chi.