Để không biến chuyên mục này thành một diễn đàn quá chuyên sâu học thuật, tôi xin dùng một ví dụ cụ thể để giúp độc giả nắm bắt một phần quan trọng và hấp dẫn nhất của vải sợi Đông Sơn: dệt vải băng màu dọc (kẻ dọc).
Tôi vừa cùng nhóm chuyên gia khảo cổ học vải sợi đại học Warsaw (Ba Lan) rời di chỉ Động Xá (Hưng Yên) ngày hôm qua, 27/3. Họ muốn được mục kích một làng cổ Đông Sơn hơn 2.000 năm trước, nơi đã tàng chứa một vùng nghĩa địa cổ hàng trăm mộ quan tài thân cây khoét rỗng hay cuốn xác chết trong cói, vải, hoặc trong các mành làm từ vỏ cây, thân tre đập dập.... Đó cũng là nơi đã để lại cho tôi những miếng vải rất giá trị đối với nghiên cứu lịch sử vải sợi Việt Nam, châu Á và thế giới.
Nhân chuyện này, tôi dành chuyên trang hôm nay kể kỹ về một số trong hơn 1.000 miếng vải đã thu được từ cuộc khai quật năm 2001 một mộ thân cây khoét rỗng tại đây.
Phát hiện ở nghĩa địa cổ Động Xá
Nhìn vào bức hình trên đây, các bạn dễ dàng thấy một quan tài tròn làm từ thân cây đang chuồi ra khỏi bờ mương (mũi tên trong ảnh). Tại đây, năm 1994, khi bắt đầu mở tuyến mương này, đoạn từ gốc "cây đa ông Hàm" hất về làng có tới 70 ngôi mộ như vậy đã được phát hiện. Bảo tàng Hải Hưng cử một cán bộ tên Thắng về hiện trường thu gom đồ tùy táng đồng, những "búp đa" (giáo), rìu và "mũ nồi" (thạp) đưa về bảo tàng. Xương cốt và mọi thứ "cưng cứng" trong các quan tài được thu gom cho vào từng tiểu chôn ở hai khu đồng cao sát đó. Một khu 30 tiểu, khu kia 40 tiểu.
Mương Động Xá khai đào 1994, đoạn đã phát hiện 70 ngôi mộ Đông Sơn. Năm 2001, tôi được dân chúng chỉ cho nơi xuất lộ một quan tài thân cây khoét rỗng khá lớn. Chúng tôi đã khai quật và gom từ trong quan tài này 1.018 mảnh vải.
Năm 2004 nhận thấy khu chôn cất bị xe qua lại đè lên, tôi đã cho bốc lên vệ sinh quy tụ "các cụ" về bảo tàng.
Cũng năm 1994, chị vợ anh Phường cùng tổ nữ thanh niên Động Xá khi đang đào mương đoạn qua gốc "cây đa ông Hàm" đụng phải một quan tài cổ như vậy, vội thắp hương khấn vái cầu may mắn. Quả nhiên được phù hộ, chỉ sau vài cắt kéo (dụng cụ đào đất ở vùng trũng) chị đã đụng phải một "nồi đồng" có bốn con cóc... Đó chính là chiếc trống đồng đáng được vinh phong là bảo vật quốc gia Việt Nam (hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên).
Vải có hoa văn kẻ dọc trên trống đồng
Câu chuyện liên quan đến bài viết hôm nay chính là ở các tấm vải đã tạo nên bộ quần áo của những người chèo thuyền đúc trên tang và thân trống, được may bằng vải có hoa văn dọc thân giống hình trang phục của đội bóng đá Juveltus (Italy) ngày nay vậy.
Mặt trống đồng Động Xá và hình hai người mặc trang phục vải kẻ dọc thân chèo thuyền trên tang trống
Có ý kiến nghi ngại, không muốn công nhận bảo vật quốc gia cho chiếc trống đẹp và chứa nhiều nội dung xã hội Đông Sơn này, với lý do "thấy giống trống Điền quá". Quả là khi khảo cổ học Trung Quốc phát hiện và khai quật văn hóa Điền Trì (Vân Nam) từ những năm 1950 - 1960 đã đào được trong mộ Thạch Trại Sơn một vài trống có người mang trang phục tương tự. Trong trình độ khoa học thời bấy giờ, những người đó trở nên đặc trưng cho cư dân văn hóa Điền trên thế giới. Nhưng người ta không biết rằng những nghiên cứu mới nhất cho thấy nền văn hóa này gồm hai thành tố chính tạo thành: những người du mục (phía Tây Bắc) và những người trồng lúa (phía Đông Nam). Khối cư dân trồng lúa đó mới là chủ nhân trống đồng và văn hóa lúa của Điền. Họ chính là những người Đông Sơn phương Bắc thuộc nhóm tộc Tây Âu/Vu. Dạng trống này đã từng phát hiện hàng trăm năm trước ở Việt Nam, mang sang bán tận Bangkok (Thái Lan). Gần đây một nhà sưu tập ở Hà Nội cũng gom được 2 chiếc đào ở vùng Bắc Ninh nước ta... Làng Động Xá không phải một làng Điền mà là một làng Đông Sơn trồng lúa điển hình, thuộc nhóm Tây Âu. Và chiếc trống đó phải nhìn nhận là một dạng trống Đông Sơn kiểu Tây Âu mà một bộ phận ở phía đông Vân Nam (châu Văn Sơn, châu Hồng Hà) và phía tây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã sáp nhập vào nước Điền khoảng thế kỷ 2-3 trước Công nguyên.
Tôi đã chọn những miếng vải Động Xá được trang trí bằng các loại sợi màu đặt dệt dọc theo chiều dài tấm vải với hai mục đích: một nhằm giới thiệu kỹ thuật dệt vải Đông Sơn và hai là minh oan cho chủ nhân Đông Sơn thực sự của trống đồng Động Xá kể trên.
Mảnh vải có những sọc sợi lanh màu chàm trên nền vải gai xen kẽ những khoảng trống dental là nơi các sợi tơ tằm (dãi động vật) đã bị tan mất trong đất
Kiểu dệt lưng thời Đông Sơn xưa và nay
Trong hàng ngàn mảnh vải tôi thu gom được từ mộ Động Xá năm 2001 thì số lượng ghi nhận dấu tích có trang trí vải màu dọc thân chiếm khoảng 5% (khoảng 60 mảnh). Nhìn trên tấm hình tôi chụp ngay khi lọc hết bùn đất dưới đây, ta thấy rõ có ít nhất 3 loại sợi màu khác nhau được kéo sắp đặt dọc khung cửi trước khi chạy con thoi, đan thành tấm vải.
Đây là kiểu dệt lưng đạp căng chân phổ biến từng thấy mô tả trên trống đồng cũng như hiện còn lưu giữ trong cách dệt của người Mông, Chăm và một số dân tộc ở Tây Nguyên.
Chi tiết phóng đại sự phối hợp các sợi lanh nhuộm màu chàm indigo và sợi gai màu tự nhiên trên vải Đông Sơn
Sợi màu được xếp đặt theo các khoanh rộng hẹp khác nhau, với số lượng sợi khác nhau theo nhịp x 3 (3, 6, 9, 12, 18, 24...) tùy người dệt muốn mảng màu sợi đó to nhỏ thế nào. Như đã nói, vải sợi tách từ thân cây gai, lanh... thời Đông Sơn cho phép dệt theo kiểu đan "lóng mốt" (plain) tạo các ô lỗ vải khá vuông vắn, mỗi centimet vuông thường đếm được 6 sợi dọc (warp) và 5 sợi ngang (weft). Điều lý thú là dưới kính hiển vi quét điện tử (SEM) có thể nhận ra trên tấm vải này các sợi suốt chạy ngang đều là vải gai trong khi các sợi chạy dọc bằng cả ba loại sợi khác nhau: gai (ramie) để màu tự nhiên (trắng ngà), lanh (hemp) nhuộm màu chàm indigo và các khe hở chính là vị trí các sợi lụa (silk) đã mất, thường có màu tự nhiên vàng óng hoặc hồng quỳ...
Một miếng vải khác ở Động Xá có sọc dọc màu chàm indigo cạnh những sọc tơ vàng đã mất
Vải làm ra từ kiểu dệt lưng Đông Sơn cũng như ngày nay tối kỵ nhất việc cắt dọc tấm vải, sẽ làm bung các sợi còn lại. Việc chạy đi chạy lại của suốt chỉ sẽ giúp bó khung các sợi dọc trong một tấm vải có kích thước cố định.
Nếu đi chợ cổ truyền mua vải thật của người Mông ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang), các bạn sẽ thấy khuôn cỡ rất khác nhau. Đó là khuôn cỡ vai của các thành viên gia đình của họ. Mỗi người phụ nữ Mông khi dệt vải bằng khung dệt lưng đều đo và ghi nhớ cỡ rộng vai của chồng con và chính mình để đặt sợi cho phù hợp. Ví dụ, vai đứa con rộng 40cm, họ sẽ đặt 6 sợi (tương ứng 1cm) x 40 = 240 sợi dọc. Nếu muốn pha màu trang trí tấm vải, họ cũng chỉ có thể đặt từng khổ với các sợi lụa hay lanh màu tương ứng vẫn theo công thức x 3. Ví dụ muốn có băng màu lụa vàng óng rộng 3cm họ cần đặt 18 sợi tơ... Nguyên tắc này chúng tôi cũng quan sát được ở cách dệt cạp váy Mường.
Những hình chụp chi tiết dưới kính phóng đại của tôi dưới đây sẽ giúp dễ hình dung quá trình dệt vải đó. Vải dệt theo cách này chỉ có thể cắt ngang tấm vải chứ rất hạn chế cắt dọc tấm vải. Các nếp cắt ngang sẽ được dùng kim chỉ vấn cuốn lên để không làm sợi dệt bung ra như cách sau này dùng máy "vắt chỉ, sổ suốt" của thợ may thời cận hiện đại vậy.
"Vải làm ra từ kiểu dệt lưng Đông Sơn cũng như ngày nay tối kỵ nhất việc cắt dọc tấm vải, sẽ làm bung các sợi còn lại" – TS Nguyễn Việt.
TS NGUYỄN VIỆT