Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/05/2024 10:27 669
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việc trưng bày, giới thiệu bảo vật quốc gia sẽ làm phong phú, đa dạng các hiện vật tại bảo tàng. Đồng thời, tích cực quảng bá vẻ đẹp vùng đất và con người Quảng Ngãi giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

 

Tham quan, tìm hiểu bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Tái hiện lại gốm đất nung Long Thạnh
Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh gồm 18 bình hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay niên đại cách nay khoảng 3.000 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018. Đây là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ được tìm thấy trong cuộc khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Những hiện vật có đặc điểm chung về hình dáng, chất liệu và trang trí. Là loại gốm có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí của văn hóa Tiền Sa Huỳnh. Các bình gốm được tạo dáng một cách cân đối, hài hòa theo dáng hình lọ hoa với miệng loe xiên rộng, cổ eo hoặc cổ đứng, thân có dạng hình cầu hoặc hình con tiện với đường gấp khúc giữa thân và đáy, trong đó có 17 bình có chân đế thấp và 01 bình không có chân đế. Căn cứ vào chiều cao của bình thì bộ sưu tập 18 bình hình hình lọ hoa này có 17 bình có dáng cao 16cm – 22cm và 1 bình có dáng thấp với chiều cao 12cm.
Gốm có màu đỏ gạch, đất sét pha cát mịn. Kỹ thuật tạo hình dải cuộn kết hợp nặn tay. Kỹ thuật tạo hoa văn đa dạng, bao gồm khắc vạch, in chấm que, in mép vỏ sò, đập văn thừng mịn, đắp nổi và tô màu, miết láng. Đồ án hoa văn được tạo theo băng nằm ngang phủ kín toàn bộ bề mặt bình với các mô típ chữ S, tam giác, sóng nước…
Theo một số nhà nghiên cứu, những đồ án hoa văn phản ánh cuộc sống của người Tiền Sa Huỳnh trong môi trường biển, những hoa văn chữ S gãy góc ở đỉnh tựa như ngọn sóng biển xô dạt vào bờ, mô tả cuộc sống của cư dân gắn liền với biển cả, vươn ra biển, khai thác biển. Sự kết hợp giữa các băng in ấn khắc vạch với các băng tô màu đen ánh chì tạo hiệu ứng đối chọi ánh sáng tạo ra những tác phẩm cân đối hài hòa và đẹp mắt.
 
Vẽ hoa văn mô phỏng, hồi sinh sản phẩm của cư dân Sa Huỳnh
Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần đi vào quên lãng. Thế nhưng, Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh được thành lập cuối tháng 11.2023 đã đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này. HTX ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Ở xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ vẫn còn 3 hộ với 7 người thợ vẫn giữ nghề làm gốm. Đây là xóm duy nhất có những người thợ kế thừa cách làm gốm thủ công, không dùng máy móc hay điện năng.
Chị Trần Thị Thu Thủy, Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh cho biết: “Hiện tại, mục tiêu phát triển là giúp người dân bảo tồn làng nghề, ngoài việc làm sản phẩm thông thường phục vụ sinh hoạt, những người thợ tham gia làm bình gốm, vẽ hoa văn mô phỏng, hồi sinh sản phẩm của cư dân Sa Huỳnh niên đại cách đây 2.000-3.000 năm. HTX tổ chức hoạt động cho khách tham quan, các em học sinh đến thăm quan và trực tiếp trải nghiệm cách làm gốm mà các hộ dân đang làm”.
Để bảo vật quốc gia phát huy giá trị xứng tầm
Quảng Ngãi hiện có 4 bảo vật quốc gia, đó là tượng Tu sĩ Chămpa Phú Hưng, thế kỷ IX - X; bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (văn hóa Sa Huỳnh); bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng, thế kỷ X – XII và khuôn in tín phiếu. Ngoài những bảo vật quốc gia trên, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn lưu giữ hơn 22 nghìn hiện vật, hình ảnh, tư liệu, có giá trị văn hóa, lịch sử; trong đó, gần chục hiện vật xứng tầm bảo vật quốc gia đã và đang tiếp tục đề nghị Chính phủ công nhận. Điển hình như hai tượng Gajasimha của văn hóa Chămpa thế kỷ XI; trống đồng Đông Sơn, hay bộ gốm sứ chu đậu tượng tỳ bà, bộ Linga-Yoni... Đây đều là những bảo vật vô giá, là những di sản độc bản, có niên đại rất lâu đời.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật đang gặp rất nhiều khó khăn. Những bảo vật đã được công nhận nhưng chưa thể trưng bày, giới thiệu đến người tham quan do thiếu các điều kiện...
 
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cần sớm được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và hưởng thụ văn hóa của nhân dân
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Viết Nghĩa cho biết, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, “bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Tiêu chuẩn bảo quản bảo vật phải tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật để có phương pháp bảo quản riêng cho phù hợp. Nhưng hiện nay, các bảo vật quốc gia đang được áp dụng một điều kiện bảo quản chung và chưa có nhiều khác biệt so với các hiện vật thông thường khác tại bảo tàng, cũng chưa có những tủ bảo quản chuyên biệt để đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho từng hiện vật, với từng chất liệu khác nhau.
“Bảo vật quốc gia là tài sản vô giá của đất nước. Việc ứng xử đúng tầm với những báu vật có một không hai này không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác bảo tàng, mà còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta đối với những di sản mà cha ông để lại”, ông Nghĩa bày tỏ.
Những năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức khai quật các hiện vật. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, góp phần bổ sung, tạo sự phong phú về loại hình, chủng loại, chất liệu cho kho lưu giữ tư liệu, hiện vật tại bảo tàng. Thế nhưng, trong các kho bảo quản thì chỉ một kho đảm bảo đủ các điều kiện. Hơn nữa, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến nay công trình đã xuống cấp, nhất là các phòng trưng bày chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, không gian trưng bày hạn hẹp và thiếu phương tiện kỹ thuật bảo quản hiện vật...
Để các hoạt động của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, cần có những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trên, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

NHƯ ĐỒNG 

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4496

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa

Nghệ thuật đỉnh cao từ nền văn hóa Chămpa

  • 08/05/2024 08:42
  • 672

Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng, tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng là các tác phẩm nghệ thuật độc bản, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của dân tộc Chăm. Hai hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, qua đó góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi.