Quảng Ngãi là vùng đất còn lưu dấu của văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa cũng như giữ gìn nhiều bảo vật quốc gia và hàng chục nghìn hiện vật có giá trị. Thế nhưng, cần phải để bảo vật có thể sống động bước vào đời thực, biểu đạt và phát huy giá trị của riêng mình giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu những di sản ông cha để lại.
Khuôn in tín phiếu được bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Hai khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và 50 đồng có niên đại từ năm 1947 đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Sứ mệnh lịch sử
Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021 Bộ VHTTDL trao bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia địa điểm in tín phiếu Liên khu V (1947 - 1950) tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyên Sơn Hà (Quảng Ngãi).
Xưởng in Tín phiếu được xây dựng trên một khu đất rộng và bằng phẳng tại Xà Nay, với diện tích khoảng 2ha, gồm hai khu nhà chính: khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc. Khu nhà ở là nơi ăn ở sinh hoạt của 50 cán bộ, công nhân của cơ quan; khu nhà xưởng gồm có phân xưởng in, phân xưởng đánh số, phân xưởng sửa chữa máy và thiết bị vật tư phục vụ sản xuất cùng nhà kho.
Nơi đây, được rừng già có nhiều cây cổ thụ che phủ để máy bay địch khó phát hiện. Phía Tây Xà Nay 3km là bến đò xóm Mới thuộc sông Trà Khúc, phía Đông 5km là bến đò Sơn Hạ nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, tiếp tế lương thực, thực phẩm phục vụ sản xuất và đưa tín phiếu đến nơi tiêu thụ.
Hiện trạng xưởng in Tín phiếu trước đây với những nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở, nhà kho được làm bằng tre, gỗ, nứa lợp tranh đã bị phá hủy hoàn toàn, cảnh quan rừng già nơi đây cũng không còn. Di tích còn lại hiện nay là giếng nước do công nhân xưởng in Tín phiếu trước đây đào để lấy nước ăn uống hàng ngày. Tuy thành giếng đã bị hư hỏng nhưng người dân ở đây vẫn tiếp tục sử dụng để lấy nước sinh hoạt. Ngoài giếng nước nói trên, di tích lịch sử Địa điểm Xưởng in Tín phiếu của Liên khu V tại Xà Nay (1947-1950) xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hiện tồn tại dưới dạng địa điểm lịch sử, hiện nay vẫn được UBND huyện Sơn Hà gìn giữ và quản lý để phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích này về lâu dài.
Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ là tín phiếu: 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng
Bảo vật độc bản duy nhất
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng có chiều dài 9,5cm, rộng 4,6cm, dày 1,1cm, gồm có 2 khuôn dùng để in mặt trước và mặt sau của tờ tín phiếu. Khuôn in mặt trước có dạng hình chữ nhật, chính giữa khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khung tròn; bên phải, phần trên có hàng chữ quốc ngữ: Tín phiếu một đồng; phía dưới là hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương”, có chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng… Khuôn in mặt sau với phần chính giữa là hình ảnh người nông dân đang điều khiển hai con trâu cày ruộng là biểu tượng người cày có ruộng; góc trên bên phải có hàng chữ một đồng... Bên trái khuôn có in hình bông hoa tròn cách điệu, bên trong có mệnh giá là chữ số “1” và ký hiệu “$” (đồng) trong khung hình tròn…
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng có chiều dài 16cm, rộng 7cm, dày 1cm. Phần mặt trước khuôn in có dạng hình chữ nhật, chính giữa khắc hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khung hình tròn chính giữa. Cạnh trên có hàng chữ “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA”, phía dưới có hàng chữ năm mươi đồng, là mệnh giá tín phiếu. Bên phải, có hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương”, dưới là chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bên trái, có hàng chữ “Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ”, dưới là chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Đường viền khuôn có trang trí hình tượng công - nông - binh với ý nghĩa sự đoàn kết trong kháng chiến kiến quốc…
Theo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, khuôn in tín phiếu là bảo vật độc bản duy nhất liên quan đến Di tích Địa điểm Xưởng in tín phiếu của Liên khu V, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2021, tại xóm Xà Nay, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà. Bảo vật quốc gia trên có hình thức độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của người thiết kế, với những đường nét hoa văn sắc nét, cân đối về tỷ lệ kích thước. Thiết kế thể hiện được tính dân tộc, khẳng định sự độc lập của một dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên khuôn in tín phiếu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh…
Xưởng in Tín phiếu của Liên Khu V đặt tại Xà Nay kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình vào tháng 1.1950, sau đó được di dời về xã Trà Bình, huyện Trà Bồng tiếp tục hoạt động đến tháng 6.1951. Như vậy, xưởng in tín phiếu ở Xà Nay, huyện Sơn Hà qua thời gian hoạt động đã in một khối lượng lớn tín phiếu không chỉ để lưu hành không chỉ ở vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mà còn được đưa vào buôn bán ở một số vùng bị địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tín phiếu của Liên khu 5 đã trở mang một giá trị lịch sử đặc biệt, góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu V, tự cung cấp đủ cho chiến trường miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia.
Địa điểm xưởng in tín phiếu liên khu V tại Xà Nay được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Viết Nghĩa chia sẻ: “Với giá trị lịch sử rất lớn, việc hai khuôn in tín phiếu được công nhận bảo vật quốc gia là hoàn toàn xứng đáng. Mỗi hiện vật, bộ sưu tập bảo vật quốc gia tại Quảng Ngãi khẳng định dấu ấn tinh hoa văn hóa, giá trị lịch sử của vùng đất Quảng Ngãi. Thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá giá trị của các bảo vật đến đông đảo nhân dân và du khách”. (Còn tiếp)
NHƯ ĐỒNG